Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên – Khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý hô hấp, gần 80% trường hợp do siêu vi gây ra, nổi bật là cúm. 20% còn lại do vi trùng gây ra, nổi bật là phế cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae. Đây đều là những tác nhân gây ra biến chứng trầm trọng và khó khăn trong điều trị.
Hiện nay, có nhiều loại vaccine giúp ngăn ngừa virus cúm, vi khuẩn phế cầu gây viêm phổi, viêm tai giữa và nhiễm trùng máu (huyết)… Vì vậy, biện pháp phòng ngừa bệnh lý hô hấp tốt nhất là phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, trong sinh hoạt hằng ngày, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra ngoài và đến nơi đông người. Đồng thời, bổ sung dinh dưỡng hợp lí giúp xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh.
TS.BS Nguyễn Huy Luân – Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay, tiêm chủng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ, bao gồm bệnh do virus và vi khuẩn.
Tiêm chủng sớm và đúng lịch trình giúp cơ thể trẻ phát triển khả năng miễn dịch một cách tốt nhất trước khi tiếp xúc với các loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời, bảo vệ trẻ khỏi các biến chứng nguy hiểm của bệnh và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Với bệnh lý hô hấp, tiêm ngừa thường bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ, thời điểm mới sinh trẻ đã được tiêm ngừa phòng bệnh lao. Trẻ được 6 tuần tuổi trở lên sẽ được tiêm ngừa phòng vi khuẩn Hib, phế cầu, ho gà, lịch tiêm 3 lần và nhắc lại vào năm thứ 2. Lịch tiêm ngừa virus cúm dành cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên là tiêm 2 liều, mỗi liều cách 1-2 tháng và tiêm nhắc lại mỗi năm.