Ảnh hưởng của văn hóa Pháp tới văn hóa Việt Nam , những giá trị di sản của nó đang được đánh giá, nhìn nhận lại như một đòi hỏi của hôm nay: toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, mạng internet…
Cần nhìn vào ba vòng giao thoa văn hóa: Xuất hiện văn hóa đô thị – Xuất hiện giới trí thức kiểu mới trong đó có nghề họa sĩ tự do – Đào tạo và trường Mỹ thuật Đông Dương, các cá nhân có vai trò lịch sử và các danh họa Việt Nam.
- Vai trò và giá trị văn hóa của các tác phẩm của các bậc thầy và các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa
- Bản chất ảnh hưởng này là khai hóa hay giao thoa .
- Các ông thầy Pháp là bà đỡ hay mẹ đẻ của hội họa Việt Nam mới.
- Bài học giao thoa thành công này đối sánh với thực tế giao thoa mỹ thuật đương đại Việt Nam bây giờ.
Đấy là các vấn đề sẽ được diễn giả chia sẻ trong buổi cà phê này.
Về diễn giả : Nguyễn Quân sinh 1948, ở Phú Thọ. Từng tốt nghiệp cử nhân Toán, Trường Đại học Merseburg, Đức nhưng lại là người say mê mỹ thuật, ông tự học và chuyển sang nghiên cứu lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam. Duyên nghiệp này đã đưa ông trở thành người đồng hành chung thủy cùng mỹ thuật hơn 40 năm qua. Nguyễn Quân vẽ tranh năm 1968; viết sách lý luận, lịch sử mỹ thuật và bắt đầu triển lãm tranh từ năm 1976. Ông từng làm Phó Chủ nhiệm khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội; Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam; Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật; Phó Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật. Nguyễn Quân đã in khoảng 14 quyển sách viết về nghệ thuật, có khoảng 600 bài báo, một số tác phẩm mỹ thuật của ông được lưu giữ ở các bảo tàng và sưu tập tư nhân trong, ngoài nước.