Với cách kể chuyện lớp lang hấp dẫn, tinh gọn, tối giản từng câu chữ, “Một ví dụ xoàng” là tiêu biểu cho lối văn chương giản dị mà sâu sắc.
Người đọc quen với nhà văn Nguyễn Bình Phương ma mị trong các tiểu thuyết Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Mình và họ, hay Kể xong rồi đi… hẳn sẽ bất ngờ với tiểu thuyết vừa ra mắt, mang tên Một ví dụ xoàng (NXB Hội Nhà văn 2021).
Từ sau Kể xong rồi đi ra mắt vào tháng 8/2017, bốn năm cho một sự chuyển đổi từ cái rắc rối, huyền hoặc, ẩn ức mơ hồ khó gọi tên sang cái đơn giản dễ tiếp cận độc giả đại chúng. Ở đây, không còn nhiều phân khúc triền miên của mộng mị, ám ảnh hậu chấn thương ấu thơ, đảo lộn cấu trúc, tiếng gọi cái ác bản năng, lời nói lẫn lộn đan xen…
Cuốn sách chia làm hai phần rõ ràng: Phần 1 là cuộc đời của người bố tên Sang, một tiến sĩ đi học ở Liên Xô về, bất mãn với công việc dạy học ở trường đại học, đi đào vàng, rồi vì bốn cân chè lỡ tay bắn chết người mà bị xử tử hình. Phần 2 là việc tìm lại hình bóng người bố của con Sang, thông qua đồng nghiệp cùng trường, bạn ấu thơ, phu đào huyệt, người thi hành án, người đi xem bắn, chánh án tòa án tối cao… năm xưa.
Người đọc quen với nhà văn Nguyễn Bình Phương ma mị trong các tiểu thuyết trước đây hẳn sẽ bất ngờ với Một ví dụ xoàng vừa ra mắt.
Trò chơi của số phận
Trong cái khuôn đơn giản của người kể chuyện là những mắc mớ đan xen khó nhằn (và cả khó tính trước) của kiếp người sống thực bằng xương bằng thịt. Sang (nhân vật chính) yêu Uyên, một trong hai người bạn thuở ấu thơ ở Linh Sơn. Sang gặp lại Uyên trong cửa hàng bán vàng, mua Uyên như mua một con cá “cạnh cạch” với giá ba cục vàng. Người bán chính là Bằng – chồng Uyên.
Sau này, Bằng tự nhiên cụt dần chân, mắt mù rồi chết. Bố của Bằng – ông Chính – xưa làm kiểm lâm đã hại ông Ngạc (bố Uyên), để lấy trọn số vàng mà hai người vừa cướp được của đôi vợ chồng lạc rừng bên Na Rì về trong một lần đi tuần.
Ba người đã chết trong buổi quá khứ ấy: Người vợ bị ông Ngạc hại, người chồng bị hai ông Ngạc và Chính truy đuổi phải nhảy xuống vực, cuối cùng ông Ngạc bị ông Chính giết. Ông Ngạc nhờ số vàng mà thay đổi số phận, từng bước thành công trong quan trường, điểm đỗ cuối cùng là phó chủ tịch thành phố.
Cả ông Chính, Bằng, Quyết (em họ Bằng), Vân (chị dâu Bằng) đều biết mối quan hệ, tình cảm của Sang và Uyên. Trong đám ma Bằng, Sang có đến giúp và phúng viếng. Khi Sang vô ý giết người, chính ông Chính chỉ đạo làm án điểm, từ lúc xử đến lúc bắn chỉ hơn tháng. Khẩu súng Sang bắn là khẩu súng ngắn thể thao, quà tặng từ khi du học.
Hôm sang vận chuyển bốn cân chè (quy định chỉ được hai cân), bị liên ngành truy đuổi dẫn đến giết người, chính Sang cũng không có ý định mang khẩu súng đi, chỉ vì tặc lưỡi nghe lời con: “Bố mang súng đi cho nó oai”. Cũng chính Sang không chịu viết, nhắn lại bất cứ gì cho con trước lúc ra pháp trường, nhằm xóa trắng hình ảnh mình trong ký ức con.
Sang có hai con trai, người con út tên cu Mít đi lạc trong ngày ký túc xá nơi Sang làm giảng viên cháy, vợ bỏ đi liền sau đó. Mọi thứ như có một sắp đặt sẵn của bàn tay nào đó ở tận trên cao kia, như cái cách mà viên đạn vô tình găm vào trán cậu lính đuổi bắt.
Ở đây, tất cả đều đang chơi một trò chơi, có người tự quyết định được trò chơi ấy như Uyên hay ông Chính, có những người không tự quyết định được, là Sang. Những chiếc vẩy trên người minh chứng phần nào cho việc Sang dường như ở cõi khác, bị đày đến trần gian này một đoạn rồi đi, hết một ức kiếp, cơn mưa to mấy chục năm chưa từng có đón lại về trời…
Một ví dụ xoàng của kiếp người
Dù Sang đã cố gạt hết các ký ức của mình để con trai không tìm kiếm được gì, nhưng không vì thế mà mọi điều về Sang mất đi. Nó vẫn còn trong những người từng sống với Sang, tuy qua thời gian có biến đổi ít nhiều.
Với bà Uyên, Sang là phần ký ức trong sáng nhất của bà. Dù yêu nhau, hai người chưa từng đi quá giới hạn, tất cả chỉ dừng lại ở những cuộc đi dạo, nói chuyện. Nếu không có Sang, bà mãi chìm vào cái thế giới tội lỗi của loạn luân với bố chồng và người em họ tên Quyết.
Những người đồng nghiệp xưa dạy cùng trường thì coi Sang như một kẻ gàn quấy, phá bĩnh, dở ông dở thằng. Học nước ngoài về không hoạt bát, hòa nhập với anh em, lại còn tự ý nghỉ việc đi đào vàng, buôn lậu, tàng trữ vũ khí rồi giết người. Trách sao lãnh đạo nhà trường không xử lý kỷ luật sớm, để muộn ảnh hưởng đến uy tín của trường.
Với người bán cho Sang bốn cân chè hôm bị bắt, Sang là một người đáng thương. Vì chỉ có đáng thương mới lặn lội cuốc bộ buôn vài cân chè cò con thế, người có tiền làm ăn to thì đã đi bằng xe máy. Cái chết của Sang là sự thương cảm, pha lẫn bi phẫn với cách hành xử quan liêu, ngăn sông cấm chợ một thời.
Với thành viên đội thi hành án, ký ức về lần bắn ấy là lần đầu tiên được tham gia bắn người chính thức, sau hai năm dự bị và đi xem là chính. Người này chẳng quan tâm nhiều đến Sang, chỉ quan tâm đến cảm giác được tham dự chính thức của mình, như đêm trước bắn trằn trọc không ngủ, trời mưa ảnh hưởng đến việc bắn, hồi hộp bóp cò sớm quá.
Còn phu huyệt nhớ hôm đào huyệt cho Sang đúng ngày con trai ốm nằm trạm xá. Cái chết của Sang cũng giống rất nhiều cái chết xử bắn khác, ngực vỡ toang hoác, mắt không nhắm, không gian phủ trùm sự hằn thù của linh hồn.
Điểm ấn tượng với ông sau mấy chục năm là cái chết ấy đi kèm cơn mưa to chưa từng thấy, lúc hạ huyệt phải ghì quan tài xuống mới lấp đất được. Thứ nữa, kẻ bị bắn là tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, thời ấy rất hiếm.
Cuối cùng, viên chánh án tòa án tối cao coi việc xử bắn Sang chỉ là một ví dụ xoàng của rất nhiều ví dụ về thất bại kiếp người…
Và người con, sau rất nhiều mảnh ghép về bố rốt cuộc vẫn phải quay về hiện tại, với các mối bận tâm thường nhật hơn, như người hàng xóm thân thiết giết vợ phi tang, về phòng khám nạo phá thai tại nhà của vợ, về miếng đất đầu cơ giờ bán rẻ cũng chẳng ai mua, về việc gặp một họa sĩ tỉnh lẻ rất giống cu Mít – người em trai thất lạc ngày xưa.
Còn hình ảnh người bố tiến sĩ cứ thế tan đi trong chiều cuối năm, như một trò đùa của ai đó tít tận trên cao kia…
Theo Zing News