Trích dẫn từ cuốn sách “Tuyệt mật trong buồng lái” tiết lộ góc nhìn của một người trong nghề về vụ hạ cánh trên sông Hudson của cơ trưởng Sullenberger – người được khắc họa bởi Tom Hanks trong “Sully”.
Chesley “Sully” Sullenberger là cơ trưởng US Airways đã lái chiếc Airbus đột ngột mất động cơ của mình xuống sông Hudson vào ngày 15 tháng 1 năm 2009, sau khi va phải một đàn ngỗng trời Canada. Cùng với hầu hết các đồng nghiệp, tôi dành sự kính trọng bậc nhất cho Cơ trưởng Sullenberger. Nhưng chỉ vậy thôi: kính trọng. Chứ không phải là tôn sùng hay hiểu lầm do bị truyền thông thổi phồng lên về những gì ông và phi hành đoàn của mình gặp phải ngày hôm đó. Theo cách hiểu của công chúng thì Sully đã cứu mạng tất cả mọi người trên máy bay nhờ thần kinh thép và kỹ năng bay siêu phàm. Sự thực không lãng mạn đến thế.
Một hôm không lâu sau tai nạn đó, tôi đang cắt tóc (những gì còn lại của tóc) thì Nick, người thợ cắt tóc, hỏi tôi làm nghề gì. Như thường lệ, bất kỳ cuộc nói chuyện nào về nghề phi công đến một lúc nào đó cũng sẽ chuyển sang thiên tiểu thuyết Sully-trên-sông-Hudson, và lần này cũng không phải ngoại lệ. Mắt Nick sáng rỡ. Anh ta nói: “Trời, cừ thật chứ. Làm sao ông ta đáp máy bay xuống nước được như thế?” Nick không đang thực sự chờ đợi một câu trả lời nhưng tôi vẫn trả lời anh ta. “Cũng giống như cách ông ấy đã hạ cánh 12.000 lần trước đó trong suốt sự nghiệp của mình” là lời đáp của tôi. Theo đó là một khoảng im lặng, tôi đoán nó nghĩa là Nick đang thầm bị ấn tượng hoặc nghĩ thầm “đồ khốn.”
Tôi đang nói quá nhưng là để nhấn mạnh một điều: bản chất của việc hạ cánh xuống nước không phải là quá khó. Lẽ thường của việc hạ cánh xuống nước là một trong những lý do vì sao phi công không tập luyện tình huống này trong buồng lái giả lập. Một lý do nữa là việc phải đáp xuống nước sẽ luôn là tác dụng phụ của một vấn đề gì đó nghiêm trọng hơn ở bên trong – cháy, nhiều động cơ ngừng hoạt động, hay một trục trặc thảm khốc nào đó khác. Đó là mấu chốt của tình huống khẩn cấp, chứ không phải là cú hạ cánh do nó gây ra.
Và các cuộc bàn luận của công chúng chưa bao giờ công nhận đầy đủ vai trò của may mắn. Cụ thể ở đây là thời gian và địa điểm nơi xảy ra vấn đề. Như những gì đã xảy ra, đó là ban ngày và thời tiết khá tốt; ngay phía bên tay trái Sullenberger là một đường băng dài 12 dặm (19.31 km) dưới hình ảnh một dòng sông chảy êm đềm, ở cách thành phố lớn nhất cả nước và đội tàu cứu hộ của họ một khoảng cách có thể bơi được. Nếu vụ va chạm với đàn ngỗng xảy ra tại một khu vực khác của thành phố, ở độ cao thấp hơn (vượt quá khoảng cách lướt xuống sông Hudson), hay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn, thì kết quả sẽ là một tai họa thảm khốc, và dù có tài cán hay kỹ thuật đến đâu cũng không làm được gì.
Sullenberger, rất xứng đáng với những lời khen ngợi dành cho mình, đã rất đúng đắn mà khiêm nhường, công nhận những điểm tôi nêu ở trên. Mọi người gạt đi, coi đó là sự khiêm tốn giả tạo hoặc cái duyên khiêm tốn trong khi thực ra ông chỉ đang thành thật mà thôi. Ông cũng đã nêu bật vai trò không được kể đến của người cơ phó thứ nhất, Jeffrey Skiles. Trên máy bay có hai phi công, và cả hai đều phải tham gia đối phó với tình hình.
Tom Hanks và Sully thật ngoài đời
Những gì họ đã làm được là không hề dễ dàng, và cũng không hề đảm bảo sẽ có kết quả thành công. Nhưng họ đã làm những gì họ phải làm, những gì họ được huấn luyện để làm, và những gì mà có lẽ bất kỳ tổ bay nào khác cũng sẽ làm trong tình huống đó. Và cũng đừng quên các tiếp viên hàng không, hành động của họ cũng đáng tuyên dương không kém. Vì vậy, hành khách trên chuyến bay đó được cứu sống không phải là nhờ phép màu hay anh hùng nào cả, mà là nhờ những tác động kém lộng lẫy hơn. Theo thứ tự xuống dần (hãy tha lỗi cho lối chơi chữ này), đó là: may mắn, sự chuyên nghiệp, kỹ năng, và công nghệ.
Không có hại gì trong việc ăn mừng sự sống sót không ngờ của 155 người, nhưng không nên buông ra những từ kiểu như “anh hùng” và “phép màu” một cách bừa bãi. Phép màu là một kết quả không thể giải thích được một cách có lý. Và với tôi thì anh hùng là một người chấp nhận một sự hy sinh cá nhân to lớn, đến mức và gồm cả thương vong, vì lợi ích của người khác. Tôi không thấy sự anh hùng ở đây; mà thấy cách xử lý chuyên nghiệp trong tình huống nguy cấp.
Và nếu định hào phóng dành tặng lời khen cho những người như Sullenberger, vẫn sống sót sau sự cố, vậy còn những người khác giống như ông mà bạn chưa bao giờ được nghe kể những câu chuyện về họ, chủ yếu là vì máy bay của họ không lao xuống ngay cạnh thủ phủ truyền thông của thế giới? Ví dụ như Cơ trưởng Brian Witcher và phi hành đoàn trên chuyến bay 854 của United Airlines, một chiếc 767 bay từ Buenos Aires đến Miami vào tháng 4 năm 2004. Họ không hề được truyền thông đưa tin nhưng những gì họ đã phải giải quyết thật gần như không thể tưởng tượng được: hỏng điện hoàn toàn trên dãy Andes lúc ba giờ sáng. Trong bóng tối, với các thiết bị buồng lái đã ngừng hoạt động hoặc sắp ngừng hoạt động, bao gồm tất cả các radio và thiết bị dẫn đường, họ đã hạ cánh khẩn cấp thành công xuống vùng Bogotá của Colombia được bao quanh bởi đồi núi.
Hay tình huống khó khăn mà Cơ trưởng Barry Gottshall và cơ phó Wesley Greene của hãng American Eagle phải đối mặt ba tháng trước đó. Ngay sau khi cất cánh từ Bangor, Maine, chiếc máy bay tầm khu vực thuộc hãng Embraer của họ đã bị hỏng hóc hệ thống đến mức kỳ dị, khiến cánh lái đuôi của máy bay bị chệch hoàn toàn không thể trở lại vị trí cũ. Họ vật lộn để giữ kiểm soát và quay trở lại Bangor trong điều kiện thời tiết xấu dần. Tầm nhìn hạ xuống còn một dặm và khi chiếc phi cơ 37 chỗ tiếp cận ngưỡng hạ cánh, Gottshall phải duy trì cánh liệng lệch hoàn toàn – nghĩa là bánh lái được quay về điểm dừng và giữ nguyên tại đó – để máy bay không xoay hướng lao vào rừng.
Nếu bạn thích hình tượng anh hùng thì hãy nhìn vào Gottshall và Greene, những tình huống khẩn cấp mà họ phải đối mặt hẳn là đã rất khắc nghiệt. Đó là những tình huống đòi hỏi phản ứng hoàn toàn theo bản năng. Cánh lái đuôi bị chệch hoàn toàn ư? Không có danh mục kiểm tra nào chuẩn bị cho tình huống đó cả.
– Trích đoạn từ cuốn sách “Tuyệt mật trong buồng lái” – Patrick Smith, nhà sách RoseBooks. Cuốn sách vẽ nên một bức tranh sinh động, bao quát về ngành hàng không, giải đáp những tò mò như việc tại sao chúng ta phải tắt điện thoại khi ở trên máy bay, những chuyện gì xảy ra khi chúng ta nhận được thông báo hoãn chuyến hoặc chậm chuyến… cùng nhiều câu chuyện thú vị khác.
Trạm Đọc (Read Station)