Bất kể đang ở trong giai đoạn nào của cuộc đời và có tình trạng tài chính ra sao, bạn hoàn toàn có thể chinh phục hành trình đến với tự do tài chính. Với mong muốn được trở thành người dẫn đường, giúp bạn xác định rõ các mục tiêu tài chính cá nhân và tối đa hóa các cơ hội mà bạn có thể được trong suốt hành trình này, cuốn sách “Đường đến tự do” (The Path) sẽ cùng bạn phác họa con đường đưa bạn đến với tự do tài chính.
Mỗi chúng ta đều có khái niệm riêng về tự do tài chính. Đối với nhiều người, đó có thể là sự dư dả về tiền bạc, nó cũng có thể là dành nhiều thời gian hơn cho du lịch, ở bên cạnh người thân yêu hay phấn đấu hết mình vì một mục tiêu ý nghĩa.
Tất cả chúng ta đều muốn thật sự tự do. Tự do làm những việc chúng ta muốn, tự do sống với đam mê, với sự hào phóng, lòng biết ơn và sự bình an trong tâm hồn. Với Anthony Robbins và Peter Mallouk – hai chuyên gia tư vấn tài chính hàng đầu Hoa Kỳ, tự do tài chính không phải là một số tiền, mà là một trạng thái tâm trí.
Cũng theo hai ông, bất kể bạn đang ở giai đoạn nào trong đời hay hoàn cảnh tài chính hiện tại ra sao, bạn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tự do tài chính, kể cả ngay giữa lúc thị trường khủng hoảng. Thông qua cuốn Đường đến tự do, những lời khuyên cũng như bài học mà họ đúc kết được qua hàng chục năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính đảm bảo sẽ tăng tốc hành trình tự do tài chính của bạn với những công cụ, chiến lược và tư duy cốt lõi, đồng hành cùng bạn trên con đường đi đến thành công.
Tự do tài chính không chỉ nằm ở việc có tiền
Tất cả chúng ta đều mong muốn làm giàu. Nhưng chính xác mà nói, tại sao chúng ta – tôi và bạn ở đây, lại phải cố gắng làm giàu? Có nhiều tiền có đồng nghĩa với đạt được tự do trong tài chính hay không?
Về khía cạnh cơ bản của đồng tiền, chúng ta hoàn toàn thừa nhận rằng ta có thể thoải mái chi tiêu cho những món đồ mình thích hơn nếu nắm trong tay nhiều tiền của. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với tự do tài chính. Để hiểu rõ bản chất của tự do tài chính, bạn cần hiểu rõ động lực ẩn đằng sau các quyết định tài chính của con người. Như ngạn ngữ cũng nói: “Tâm trí cũng có tâm trí của riêng nó”, cơ chế vận hành của bộ não con người không hề trơn tru mà đôi khi, các nhu cầu cảm xúc có thể khiến họ chệch hướng khỏi con đường của sự khôn ngoan – con đường dẫn đến tự do tài chính. Trong Chương 3 của cuốn Đường đến tự do, tác giả Anthony Robbins giới thiệu tới các bạn mô hình “6 nhu cầu” đã và đang thúc đẩy các quyết định tài chính của bạn như thế nào – theo hướng tích cực và tiêu cực, bao gồm:
Nhu cầu thứ nhất: Cảm giác chắc chắn
Nhu cầu thứ hai: Trải nghiệm sự đa dạng
Nhu cầu thứ ba: Thấy bản thân quan trọng
Nhu cầu thứ tư: Yêu thương và kết nối
Nhu cầu thứ năm: Phát triển
Nhu cầu thứ sáu: Cống hiến
Chắc chắn cái bẫy của sự giàu có (nhà cửa, xe cộ,…) có thể mang lại niềm vui trong chốc lát, nhưng đừng quên lý do tại sao bạn theo đuổi mục tiêu đó: bạn đang đáp ứng những khát vọng về cảm xúc và tâm lý của mình.
Chúng ta bắt gặp rất nhiều người giàu tiền bạc nhưng nghèo tình cảm; họ không trải nghiệm niềm vui, sự phát triển hoặc cống hiến; họ đạt trạng thái an toàn nhưng không thực sự tự do về tài chính.
Chỉ khi hiểu được điều gì đang thúc đẩy bạn, bạn mới có thể loại bỏ những rào cản do mình tự áp đặt lên bản thân và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nhu cầu của mình sao cho chúng có tác động tích cực hơn.
Tự do tài chính là một trạng thái tâm trí mà bạn có thể đạt được, ngay lúc này đây, bất kể tình trạng tài chính của bạn hiện ra sao. Nhưng để làm được điều đó, bạn sẽ cần một chiến lược phù hợp; và tư duy, khao khát và ý chí kiểm soát nhu cầu cảm xúc là bàn đạp quyết định bạn sẽ thật sự tự do đến mức nào.
Các chuyên gia tài chính cũng sai hết lần này đến lần khác!
Vào ngày 15 tháng Mười năm 1929, Irving Fisher, người được nhà kinh tế Milton Friedman xem là “nhà kinh tế học vĩ đại nhất mà Hoa Kỳ từng có”, khẳng định rằng “giá cổ phiếu đã đạt đến mức trông giống như một cao nguyên vĩnh cửu”. Ngay tuần sau đó, thị trường sụp đổ, chúng ta rơi vào thời kỳ Đại suy thoái và bắt đầu một đợt rơi tự do khiến nhân loại phải mất gần một thế kỷ mới có thêm một đợt sụt giảm nhanh như vậy.
Và tất nhiên, nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng khác cũng đưa ra các dự báo sai lầm. Các chuyên gia quản lý đầu tư cũng sai hết lần này đến lần khác, các bản tin tài chính cũng sai hết lần này đến lần khác. Vì sao lại vậy?
Đơn giản là có quá nhiều biến số, đã biết và chưa biết, ảnh hưởng tới thị trường khi bất kỳ ai muốn đưa ra bất cứ loại dự đoán nào ở đây. Chính Warren Buffett còn cho rằng: “Dự báo có thể cho bạn biết rất nhiều điều về người dự báo, nhưng chúng không cho bạn biết gì về tương lai.”
Các nhà đầu tư thông minh không đưa ra những dự báo táo bạo, không ai trong số họ ủng hộ phương pháp chọn thời điểm thị trường. Việc này chả khác nào dò dẫm trong căn phòng tối mà không có lấy một ánh sáng nào.
Trên thị trường tài chính, sự biến động là không thể tránh được. Thị trường sẽ làm những gì nó cần phải làm. Đối với các nhà đầu tư có kỷ luật, thời điểm để đầu tư luôn là hôm nay, và lý do chỉ vì bạn không thể chọn ngày hôm qua nữa. Hãy trang bị kiến thức để tự chắp đôi cánh cho mình và sẵn sàng để bay với thị trường, đó là lời khuyên duy nhất.
Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng không thể mua được hạnh phúc
Nếu tôi hỏi bạn có hạnh phúc hơn không nếu nắm giữ nhiều tiền hơn, rất có thể bạn sẽ trả lời một câu dõng dạc: “Có!”. Chưa hẳn; vì tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng bản thân nó không thể mua được hạnh phúc.
Vậy thì chúng ta còn nhắm đến tự do tài chính làm gì khi mà nó không cho ta niềm hạnh phúc ta mong cầu? Về bản chất, các tác giả tin chắc rằng tiền rõ ràng có thể mua được hạnh phúc, miễn là chúng ta suy nghĩ chín chắn về cách sử dụng đồng tiền của mình.
Nếu có sự khôn ngoan và tinh thần kỷ luật trong việc tuân theo những lời khuyên mà Peter và Anthony đã lần lượt đề cập trong cuốn sách, chúng ta sẽ nhanh hcosng đi đúng hướng để có một tương lai tài chính thịnh vượng hơn.
Số tiền đó có thể giảm bớt những lo lắng về tài chính của chúng ta và giúp chúng ta có cảm giác kiểm soát cuộc sống tốt hơn. Hàng đống tiền có thể không làm chúng ta hạnh phúc, nhưng không có tiền có thể khiến chúng ta vô cùng khốn khổ.
Số tiền đó giúp chúng ta có thể dành cả ngày để làm những thứ chúng ta yêu thích. Con người thường hạnh phúc nhất khi được tham gia vào những hoạt động mà họ cho là quan trọng, đam mê, thách thức, và chúng ta nghĩ rằng mình giỏi.
Có nhiều tiền cho phép chúng ta dành cả ngày để làm những gì chúng ta đam mê, nhưng nó cũng có thể cho phép chúng ta có những khoảng thời gian đặc biệt với những người chúng ta yêu thương. Đó là cách mà tiền có thể mua được hạnh phúc.
Bạn đã vất vả kiếm tiền, tiết kiệm tiền và gìn giữ tiền. Đó là tiền của bạn, vì vậy hãy tận hưởng nó trong chừng mực của sự an toàn tài chính. Trong “Đường đến tự do”, bạn sẽ không chỉ học được cách hoạch định con đường đến với thành công tài chính của mình mà còn hiểu được rằng: tự do tài chính không chỉ nằm ở việc có tiền, nó còn liên quan đến sự viên mãn trọn vẹn từ việc tận hưởng niềm vui nằm trong cuộc hành trình đến với tự do tài chính của chính bạn!
Thành Long