Người châu Á khao khát thành công hơn – và điều này giải thích mức năng động kinh tế rất cao ở châu Á, đặc biệt là ở các quốc gia như Việt Nam.
Trong một khảo sát so sánh trên phạm vi quốc tế đề tìm hiểu xem người dân 11 quốc gia – có cả các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á, trong đó có Việt Nam – nghĩ gì về sự giàu có. Và thật bất ngờ, có đến 76% người Việt Nam tham gia cuộc khảo sát cho rằng việc giàu có hoặc trở nên giàu có “rất quan trọng” hoặc “quan trọng” đối với họ. Tỷ lệ này cao nhất trong số các quốc gia của cuộc khảo sát. Các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có tỷ lệ cao hơn các nước châu Âu và Mỹ.
Số liệu nghiên cứu trên đã được thực hiện bởi Tiến sĩ Rainer Zitelmann – tác giả cuốn sách Đọc vị tâm lý của giới giàu và siêu giàu. Trong cuốn sách này, Tiến sĩ Rainer Zitelmann đã cố gắng giải mã những bí ẩn đằng sau kinh nghiệm sống, làm việc của tầng lớp nắm giữ phần lớn của cải trên toàn thế giới.
Tác phẩm này là đúc kết sau hàng loạt những cuộc phỏng vấn với 45 nhân vật ưu tú, tinh hoa. Trong đó, những câu hỏi phỏng vấn được xây dựng dựa trên mô hình “5 tính cách” (Big Five Personalities Model), giải thích cách các đặc điểm hành vi của con người có thể được phân chia thành các tính cách nhất định bao gồm: cởi mở với trải nghiệm, tận tâm, hướng ngoại, bất ổn. Từ đó xác định rõ ràng hơn về những khía cạnh tâm lý nổi bật của từng cá nhân thuộc tầng lớp ưu tú này.
Yếu tố nền tảng quyết định sự giàu có của bạn
“Hãy để tôi kể cho bạn nghe về giới siêu giàu. Họ thực sự rất khác với cả tôi và bạn” – F. Scott Fitzgerald
Vậy họ khác chúng ta như thế nào? Liệu nền tảng học thuật, yếu tố gia đình có ảnh hưởng đến sự thành công của họ hay không?
Những phát hiện chính trong nghiên cứu của Zitelmann chỉ ra rằng tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp là yếu tố cốt lõi giúp một người trở nên giàu có. Ông tiếp tục khẳng định các doanh nhân có lối suy nghĩ khác với người thường, đặc biệt khi so sánh với nhân viên của họ. Trên thực tế, hầu hết tất cả những người được phỏng vấn đều nói rằng họ sẽ không thể đi làm thuê cho một người nào khác.
Ngoài ra, các cuộc phỏng vấn đồng thời tập trung vào việc xác định tầm quan trọng của nền tảng giáo dục, nguồn gốc gia đình và trải nghiệm thời thơ ấu của mỗi người cá nhân. Bên cạnh đó là yếu tố góp phần hình thành nên những đặc điểm tính cách đáng quý như sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thói quen suy nghĩ tích cực, lòng dũng cảm, động lực nội tại, tính cạnh tranh, v.v.
Rainer Zitelmann viết rằng: “Những người có thành tích tốt nhất ở trường học, trớ trêu thay, lại thường không vươn tới được đỉnh cao tuyệt đối của sự giàu có sau này. Như vậy, có thể nói, trình độ học vấn không đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra của cải”.
Về xuất thân và gia thế, trên thực tế, hầu hết những người mà Zitelmann đã nói chuyện (trong số đó có một số người nằm trong danh sách người giàu nhất nước Đức) lại không có hoàn cảnh đặc biệt: Quá giàu hay quá nghèo. “Đa số họ lớn lên trong các gia đình trung lưu của Châu Âu”.
Yếu tố then chốt hình thành nên giới siêu giàu
Theo Zitelmann, đa số các nhân vật trong giới siêu giàu, có hai điểm chung nổi bật: Thứ nhất, hơn một nửa số người được phỏng vấn đã từng tham gia vào các môn thể thao cạnh tranh khi còn là sinh viên. Là những vận động viên thi đấu, họ đã học được cách đón nhận chiến thắng, và quan trọng hơn là đối mặt với những thất bại.
Yếu tố thứ hai, thật ấn tượng khi tìm hiểu cách những cá nhân giàu có này kiếm tiền khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đa số họ không làm những công việc bán thời gian như bạn bè cùng trang lứa, mà thay vào đó, khởi nghiệp và tự kinh doanh.
– Học hỏi từ trường đời
Điều quan trọng đáng nói đến ở đây là giới siêu giàu có cách tiếp cận học tập rất riêng, dường như là phi học thuật. Trong tâm lý học, có sự phân biệt khá rạch ròi giữa 2 loại kiến thức: rõ ràng và tiềm ẩn (explicit knowledge và implicit knowledge).
Việc tiếp thu “kiến thức rõ ràng” đòi hỏi phải rèn luyện, học tập rất nhiều từ sách vở, bởi người dùng cần phải nhớ kỹ những kiến thức được học để sử dụng chúng. Trong khi đó, kiến thức tiềm ẩn lại là thứ có được từ việc vừa học vừa làm – hay nói cách khác, học từ “trường đời”. Có thể nói, giới trí thức có xu hướng xem cách học của họ – học thuật, tiếp thu kiến thức rõ ràng – là phương pháp duy nhất. Đó là lý do tại sao những tiến sĩ, giáo sư ngồi trong tháp ngà học thuật đôi khi xem thường giới doanh nhân, những người thiên về thực chiến. Vậy nhưng, thực tế cho thấy rằng, phương pháp tiếp thu kiến thức tiềm ẩn, đặc trưng cho các doanh nhân và nhà đầu tư, lại không hề thua kém cách tiếp cận hàn lâm.
Có thể lấy kỹ năng bán hàng như một ví dụ điển hình. Trong nhiều nghiên cứu về sự thành công, khả năng bán hàng thường bị đánh giá khá thấp. Tuy vậy, trong chuỗi phỏng vấn của mình, Zitelmann đã chứng kiến hầu hết những cá nhân siêu giàu đều cho rằng: kỹ năng bán hàng đã góp phần đáng kể vào thành công của họ, bất kể với ngành nghề nào. Thực tế, Họ không được rèn luyện khả năng bán hàng ở trường học, mà thay vào đó là trong các hoạt động buôn bán tự do và kinh doanh từ sớm.
– Dũng cảm đối mặt với thất bại
Một điểm chung nữa của giới siêu giàu, theo Zitelmann, là cách họ đối mặt với khó khăn, thử thách và đặc biệt là thất bại. Thông thường, con người có xu hướng tự hào về thành công của mình, nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm để chấp nhận sự thất bại và nhận trách nhiệm về phần họ: “Tôi không thể thăng tiến trong sự nghiệp là do lỗi của sếp tôi”, “Vì người bạn đời của tôi, mà cuộc hôn nhân của tôi thất bại”, “Tôi không thể trở nên giàu có, vì tôi sinh ra trong một gia đình nghèo”, v.v.
Các tỷ phú lại có thái độ hoàn toàn khác, thay vì tìm cách đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh, họ tìm kiếm nguyên nhân của các vấn đề ở chính bản thân họ. Họ không bao giờ coi mình là nạn nhân của bất cứ ai. Họ cũng không lấy những diễn biến tiêu cực của thị trường làm cái cớ cho sự thất bại. Thay vào đó, họ luôn nhận trách nhiệm về mình cho bất kỳ vấn đề nào xảy đến với bản thân họ, đội nhóm hay công ty của họ. Thái độ này cho họ cảm giác rằng “nếu đó là lỗi của tôi, thì tôi có quyền và có thể thay đổi nó!” Chính vì vậy, khi đối mặt với thất bại, họ không chỉ cố gắng khôi phục hiện trạng mà còn biến khó khăn, thử thách thành cơ hội cho riêng mình.
– Can đảm “đi ngược dòng”
Bên cạnh hai yếu tố chính kể trên, một điểm chung khác nữa của giới siêu giàu, như đã đề cập chính là việc họ đủ can đảm để “đi ngược dòng”.
Theo Zitelmann, nếu làm mọi thứ theo cách giống với số đông, chúng ta sẽ không thể mong đợi đạt được những thành công vượt trội. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta sẽ mãi dừng chân ở vị trí tàm tạm mà nhiều người khác đều có khả năng với tới, mà không thể ghi tên mình vào nhóm thiểu số của giới siêu giàu.
“Nếu bạn muốn đạt được nhiều hơn số đông, bạn phải hành động khác đi, và để hành động khác, bạn phải suy nghĩ khác”
– Tự tin vào khả năng và bản năng của mình
Theo một triệu phú được phỏng vấn, “Tự tin vào khả năng của mình” có nghĩa là “Tin tưởng rằng bạn sẽ luôn tìm ra giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào, dựa trên trí tuệ, khả năng và mạng lưới quan hệ mà bạn tạo ra”.
Thêm vào đó, niềm tin vào bản năng của chính mình cũng cực kỳ quan trọng. Đây có lẽ là một trong những đặc điểm nổi bật của giới tinh hoa giàu có, khi họ có thể đưa ra những quyết định rất bản năng nhưng cực kỳ đúng đắn.
Đôi nét về tác giả
Rainer Zitelmann có bằng tiến sĩ lịch sử và xã hội học. Ông là tác giả của 21 cuốn sách thành công đặc biệt ở châu Á. Tác phẩm “Đọc vị tâm lý của giới giàu và siêu giàu” được xuất bản gần đây của ông là một nghiên cứu về các mô hình hành vi dẫn đến thành công về mặt kinh tế của những cá nhân vượt trội, nằm trong nhóm người giàu thiểu số. Đây là cuốn sách đầu tiên nhằm mục đích lấp đầy những lỗ hổng trong nghiên cứu hàn lâm về việc tạo ra của cải, áp dụng phương pháp nghiên cứu hàn lâm nghiêm ngặt vào các mô hình hành vi dẫn đến thành công về kinh tế.
Một số lời nhận xét về cuốn sách từ các trang nhật báo lớn:
“Cuốn sách của Zitelmann có tầm quan trọng lớn vì nó cung cấp lời giải thích cho sự thành công của nền kinh tế thị trường và và sự thịnh vượng của xã hội chúng ta. Nó tập trung vào doanh nhân. Trên thực tế, cuốn sách của Zitelmann xứng đáng là một văn bản tiêu chuẩn cho các bộ trường Tài chính – kinh tế hiện tại và tương lai. Tất cả mọi người có khát vọng kinh doanh nên đọc cuốn sách này” – The Huffington Post.
“Cuốn sách này thú vị vì hai lý do: Thứ nhất, Zitelmannn đã thành công tóm tắt tình hình nghiên cứu về bản chất của doanh nhân. Thứ hai, ông đồng thời tiết lộ động cơ và quan điểm rất riêng của các triệu phú thông qua một loạt đoạn trích nguyên văn từ các cuộc phỏng vấn chuyên sâu. Nếu quan tâm đến bản chất của tinh thần doanh nhân, bạn đọc chắc chắn sẽ tìm thấy những gì mình đang tìm kiếm và hơn thế nữa”. – Harvard Business Manager
– Trạm Đọc trân trọng giới thiệu tới các bạn độc giả cuốn sách “Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu” –