“Cửa hàng tiện lợi bất tiện” của tác giả Kim Ho-Yeon là một tác phẩm văn học hư cấu, nhưng chứa đựng nhiều chất điện ảnh, khiến độc giả cảm giác như đang xem một một bộ phim điện ảnh hoặc phim truyền hình.
Nhân vật chính của câu chuyện là Dok-go, một người đàn ông vô gia cư ở ga Seoul mắc chứng mất trí nhớ vì nghiện rượu đã gặp một người phụ nữ ngoài 70 tuổi khi anh ta nhặt được chiếc ví chứa hơn 40.000 won và toàn bộ các giấy tờ quan trọng của bà. Để trả ơn, người phụ nữ đã tạo điều kiện cho Dok-go làm việc vào buổi tối tại cửa hàng tiện lợi do bà làm chủ.
Được ứng trước tiền lương để tắm giặt, mua quần áo mới, thuê một chỗ nhỏ trong thành phố để ngả lưng, cuộc sống của người đàn ông thô kệch như một con gấu, mắc tật nói lắp đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi anh cai rượu theo đề nghị của bà chủ.
Nhưng kỳ lạ hơn, việc giao tiếp với Dok-go, làm theo những lời khuyên của anh khiến rất nhiều người lui tới hay liên quan đến cửa hàng tiện lợi đã ‘hóa giải’ được những khúc mắc vô cùng khó gỡ trong cuộc sống của bản thân.
Đó là một người chồng cảm thấy bị coi thường vì kiếm được ít tiền mang về cho gia đình. Ông thấy bị mất kết nối với vợ con, và chỉ cảm thấy hạnh phúc nhất vào mối tối khi ông được tự do với chai rượu và đồ nhậu rẻ tiền mua từ cửa hàng.
Đó là một bà mẹ không thể giao tiếp, khuyên bảo được cậu con trai đang là người thất bại điển hình: nghỉ việc chạy theo đam mê, rồi tay trắng, trầm cảm, trở về sống với mẹ, đâm đầu vào các trò game vô bổ.
Đó là con trai của chính bà chủ cửa hàng, lấy đồng tiền làm mục đích cuộc sống, bị thất bại vì nôn nóng làm giàu, rồi trắng tay khi li dị vợ, đầu tư vào bitcoin, cuối cùng chỉ chăm chăm tìm cách thuyết phục mẹ bán cửa hàng để có vốn làm lại từ đầu…
Dok-go nhìn thấy hai vấn đề nổi cộm trong cuộc sống của những người xung quanh anh. Thứ nhất đó là sự thiếu hụt trong cách thức giao tiếp, kết nối, khiến nhiều người phải chịu một cuộc sống gia đình bất hạnh. Thứ hai đó là thói ham hư vinh, coi trọng tiền bạc, sẵn sàng làm cả những việc bất hợp pháp để kiếm tiền, khiến nhiều người cuối cùng phải gánh chịu thất bại đổ vỡ trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống gia đình.
Bản thân Dok-go khi khôi phục được trí nhớ anh biết mình từng là một bác sĩ thẩm mỹ lành nghề, nhưng vì lối sống đề cao hư vinh và đồng tiền, anh chấp nhận làm việc cho một viện thẩm mỹ không có y đức. Khi góp phần vào cái chết một cô gái trẻ bị chết khi phẫu thuật thẩm mỹ, Dok-go đã bị vợ con từ bỏ. Anh tìm đến rượu để giải sầu, rồi đánh mất trí nhớ.
Sự phân cực trên thế giới đã trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19 bắt đầu từ cuối năm 2019. Tiếp đó các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, khiến nhiều người cảm thấy e dè với thế giới thực và thấy thoải mái hơn khi xuất hiện trong thế giới ảo. Đến nay, khi đã xác định sống chung với căn bệnh Covid, việc giao tiếp, kết nối dường như vẫn là rào cản với không ít người. Bởi thực tế, sự kết nối mang lại niềm hạnh phúc và tình yêu cho mọi người; nhưng rất nhiều khi sự kết nối cũng mang lại sự đau khổ và tổn thương cho những người trong cuộc.
Để bối cảnh câu chuyện diễn ra trong thời điểm trước khi dịch bệnh Covid ảnh hưởng đến thành phố Seoul và con người sống ở đó, tác giả Kim Ho-Yeon chỉ ra cũng như gửi tới độc giả thông điệp: sai lầm trong quan điểm sống và sự mất kết nối luôn là vấn đề lớn trong cuộc sống của nhiều người, chứ không phải đợi đến khi có một loại dịch bệnh kinh hoàng gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống xã hội thì những vấn đề này mới xuất hiện. Và bất cứ ai nếu không biết tỉnh táo, rất có thể sẽ chuốc về bất hạnh cho cuộc sống của mình.
Đây có lẽ chính là lý do khiến “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” được truyền miệng, lan tỏa rộng rãi, đến nay đã có hơn 700.000 độc giả mua tiểu thuyết này. Tác phẩm luôn nằm trong top những cuốn sách bán chạy nhất tại Hàn Quốc, cũng như đoạt giải “cuốn sách năm 2021” của Yes24 – Trang điện tử thương mại hàng đầu Hàn Quốc.
Với nhiều nét văn hóa, cuộc sống tương đồng, độc giả Việt Nam hẳn có thể tìm được nhiều điều thú vị, hữu ích với bản thân khi tìm đọc cuốn tiểu thuyết này.
“Tàu vừa lên cầu bắc qua sông Hàn. Ánh nắng ban mai được phản chiếu trên mặt nước, lấp lánh và sinh động.
Sau khi trở thành người vô gia cư, tuy nói rằng tôi chưa bao giờ rời khỏi ga Seoul và khu vực quanh đó, nhưng thật ra có một lần tôi đã đến sông Hàn. Tôi leo lên cầu và định nhảy xuống. Nhưng tôi đã thất bại. Sau khi trải qua mùa đông này ở cửa hàng tiện tiện lợi, tôi lên kế hoạch sẽ nhảy xuống từ cầu Mapo hoặc cầu Wonhyo. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu.
Sông là nơi con người phải băng qua, không phải là nơi chúng ta tự buông xuôi để rồi chìm nghỉm.
Cầu là phương tiện để băng qua sông, không phải là nơi chúng ta đầu hàng số phận.
Nước mắt vẫn không ngừng rơi. Thật xấu hổ nhưng tôi quyết định sẽ sống tiếp. Tôi sẽ giữ mãi cảm giác tội lỗi này suốt phần đời còn lại để giúp đỡ và san sẻ cho mọi người tất cả những gì có thể, để không tham vọng cho bản thân. Tôi sẽ cố gắng hết sức để cứu người bằng kỹ thuật mà trước kia tôi chỉ vận dụng để làm lợi cho mình. Tôi sẽ tìm lại gia đình để xin họ tha thứ. Nếu họ không muốn gặp, tôi sẽ vẫn ấp ủ nguyện vọng đó cho riêng tôi và quay trở lại. Dù thế nào thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, bất luận là với ý nghĩa ra sao.
Tàu đã băng qua sông. Nước mắt tôi cũng ngừng rơi.”
Tác giả Kim Ho-Yeon đến với nghệ thuật đầu tiên bằng viết kịch bản cho một công ty sản xuất phim sau khi tốt nghiệp đại học. Anh trở thành nhà biên kịch khi kịch bản mà anh hợp tác được dựng thành phim “Double Agent” (Điệp vụ kép). Nơi làm việc thứ hai của anh là Bucheon Cartoon Information Center (Trung tâm thông tin hoạt hình Bucheon). Sau khi tác phẩm Experimental Human Zone (Khu thử nghiệm con người) giành được giải thưởng lớn tại Cuộc thi hoạt hình Bucheon lần thứ nhất, anh trở thành tác giả truyện hoạt hình. Sau đó, Kim Ho-Yeon tiếp tục sự nghiệp tiểu thuyết gia khi giành được Giải thưởng Văn học Segye lần thứ 9 vào năm 2013 với cuốn tiểu thuyết Mangwon-dong Brothers (Anh em nhà Mangwon-dong).