Nhiều người trong chúng ta đều mang trong mình một em bé đau khổ. Đó là nỗi lòng của những em bé đã từng trải qua thời gian khó khăn, khốn khổ về sự lạm dụng trong quá khứ. Cho dù chuyện đã xảy ra rất nhiều năm, cho đến khi “em bé” trưởng thành nhưng vẫn mang trong mình những vết sẹo chưa thể lành.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một con người thánh thiện, vì lòng nghiêm cung và đức tin lớn. Ngài là một học giả thông tuệ. Những phát kiến cho hòa bình của Ngài đều được áp dụng, sẽ dựng lên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân dân. Cuốn Thiền sư và em bé 5 tuổi của thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp mỗi người giải thoát chính mình khỏi những đau khổ và mang lại nhiều sự trị liệu.
Trong mỗi chúng ta ai cũng có khuynh hướng chạy trốn khổ đau. Chúng ta nghĩ rằng đi tìm kiếm khoái lạc sẽ giúp ta tránh được khổ đau. Nhưng kỳ thực không phải như vậy. Nó sẽ làm ta cằn cỗi không lớn lên được, và hạnh phúc của ta cũng héo mòn theo.
Chúng ta có thể nhận ra rằng khổ đau và hạnh phúc có mặt trong nhau. Thông thường chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã có quá đủ khổ đau rồi và ta muốn một cái gì khác, như hạnh phúc chẳng hạn. Chúng ta muốn trốn chạy khổ đau và tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng thực sự là hạnh phúc đã có rồi, trong khổ đau ta có thể tìm thấy an lạc. Nếu chạy trốn khổ đau ta sẽ ít có cơ hội hơn để tìm thấy hạnh phúc.
Hạnh phúc không thể có được nếu không có sự hiểu biết, lòng từ bi và tình yêu thương. Tình yêu thương cũng không thể có được nếu ta không hiểu được nỗi đau của ta và của người khác. Tiếp xúc với nỗi đau giúp ta vun trồng hiểu biết và tình thương. Không có hiểu biết và yêu thương, chúng ta không thể hạnh phúc được và chúng ta không thể làm người khác hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều có hạt giống từ bi, tha thứ, bao dung, an vui và không sợ hãi. Nếu chúng ta liên tục trốn tránh khổ đau thì không có cách nào cho những hạt giống ấy lớn lên được.