Tiếng nói của Benazir Bhutto và Malala Yousafzai
Đó là hai trong những người phụ nữ tiêu biểu được tác giả Yvette Cooper – đại biểu quốc hội tại nước Anh, chọn lựa bài diễn văn in để trong cuốn sách Khi phụ nữ lên tiếng- 35 bài diễn văn của những người phụ nữ làm thay đổi thế giới.
Benazir Bhutto được bầu làm Thủ tướng Pakistan vào năm 1988 và là nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước Hồi giáo này. Khi ấy bà 35 tuổi. Chiến thắng này đến với bà sau nhiều năm tha hương, bị bắt và bỏ tù.
Trong nền dân chủ mong manh của Pakistan, một người phụ nữ có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử, hứa hẹn cải cách nền dân chủ, chính trị và kinh tế của đất nước là một điều phi thường.
Benazir Bhutto đã phải đối mặt với sự phản kháng nội bộ liên miên bởi vì cánh tả và liên minh quân sự luôn tìm cách triệt tiêu tiếng nói của bà.
Tại hội nghị quốc tế thứ 4 của Liên hợp quốc họp tại Bắc Kinh năm 1995, cùng với Hillary Clinton, Benazir Bhutto đã có bài phát biểu mạnh mẽ kêu gọi bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ.
Như thường lệ, bài phát biểu của bà là một bài diễn văn dũng cảm, thách thức chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, và cả góc nhìn quốc tế về Hồi giáo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bà bị Taliban ám sát sau đó.
Vẫn là một phụ nữ Hồi giáo, nhưng Malala Yousafzai không phải là một chính trị gia. Khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 7/2013, Malala mới chỉ là một cô gái 16 tuổi, chín tháng trước bị Taliban bắn vào đầu vì đấu tranh không mệt mỏi để nữ giới được đến trường.
Nhắc đến sự kiện bị bắn, bài phát biểu của cô có đoạn: “Chẳng có gì thay đổi trong cuộc đời tôi, trừ một điều: sự yếu đuối, nỗi sợ hãi và vô vọng đều đã chết. Sức mạnh, quyền lực và lòng dũng cảm đã được sinh ra. Tôi vẫn là Malala. Tham vọng của tôi vẫn còn nguyên đó. Hy vọng của tôi vẫn không thay đổi. Và giấc mơ của tôi vẫn phải vẹn toàn”.
Bài phát biểu đó đã có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ người nghe cũng như truyền thông quốc tế, là lời đáp lại đầy thách thức với sự tàn bạo của Taliban, những kẻ đã không thể dập tắt được tiếng nói của cô.
Theo tác giả Yvette Cooper, tranh biện là huyết mạch của nền dân chủ. Ngôn từ có thể châm ngòi cho lòng thù hận và gieo rắc những mầm mống độc hại, nhưng cũng có thể chữa lành và kêu gọi đoàn kết cộng đồng.
Và bên cạnh các vị vua, thủ tướng, tổng thống, nhà lãnh đạo nắm trong tay sức mạnh có thể thay đổi hoàn toàn một đất nước, thì còn có rất nhiều người, trong đó có nhiều phụ nữ đã tạo ra những phong trào bằng cách đi hết thị trấn này đến thành phố khác, phát biểu, diễn thuyết để thuyết phục mọi người thay đổi quan điểm, vì sự tốt đẹp hơn của xã hội.
Bằng việc ra mắt cuốn sách, Yvette Cooper đã chứng minh rằng, trong lịch sử của nhân loại, có nhiều người phụ nữ đã can đảm, táo bạo đã dùng tiếng nói của mình khơi dậy sự thay đổi, và xoay chuyển dòng lịch sử. Từ đó bà mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ, dám mạnh mẽ cất lên tiếng nói, dù phải đối diện với sự phản đối hay đe dọa…
Bà viết: “Mỗi người phụ nữ trong cuốn sách đều có mục đích và quyết tâm khi cất lên tiếng nói của mình. Mỗi người đều thể hiện tài lãnh đạo và sức mạnh dù phải đối diện với khó khăn. Và họ đã chứng minh rằng phụ nữ có thể hùng biện một cách đầy thuyết phục và mạnh mẽ”.
Bà trùm truyền thông Arianna Huffington
Năm 2006, Arianna Huffington lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới của tạp chí Time. Năm 2012, bà được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Cuộc đời của Arianna Huffington có nhiều sự kiện đáng nhớ, nhưng nổi bật nhất là vai trò của bà trong việc sáng lập và là Tổng Biên tập của trang báo điện tử khổng lồ The Huffington Post (Mỹ), tiếp đó là sự kiện bà thành lập công ty Thrive Global, một công ty khởi nghiệp về công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Ở tuổi 54, sau thất bại có thể làm nhiều người gục ngã: thất bại trong sự nghiệp chính trị, ly hôn với chồng, mất cha mẹ và người bạn tri kỷ, Arianna Huffington vẫn quyết tâm xây dựng trang web – tờ báo điện tử của riêng mình.
Mặc kệ sự bỉ bôi của nhiều người cũng như nhiều đơn vị truyền thông, cùng với những cộng sự đầu tiên của mình, bà đã từng bước xây dựng The Huffington Post – thường được gọi tắt là HuffPost – trở thành tờ báo điện tử đầu tiên tại Mỹ có lượng truy cập vượt qua cả The New York Times và giành được giải thưởng Pulitzer.
Từ đế chế truyền thông kỹ thuật số có khoản đầu tư chỉ hơn 1 triệu USD vào năm 2003, Arianna Huffington đã bán Huffinton Post cho AOL vào năm 2011 với giá hơn 300 triệu USD. Sau đó bà vẫn tiếp tục đóng góp sức lực quan trọng cho sự phát triển của HuffPost với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Biên tập của tờ báo điện tử hàng đầu này.
Công ty Thrive Global, được bà thành lập vào tháng 6/2016 sau khi quyết định rời xa HuffPost, cũng phát triển ngoạn mục kể từ đó đến nay với mối quan hệ đối tác với hàng loạt các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới.
Và cuốn sách Arianna Huffington- Bà hoàng truyền thông và chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quan về cuộc đời và sự nghiệp của Huffington, gồm cả thất bại cũng như thành công đáng ngưỡng mộ của bà.
Tác giả cuốn sách là Leah McGrath Goodman – một nhà báo điều tra, tác giả và diễn giả của nhiều bài viết từng đoạt giải thưởng về chủ đề tài chính tại Mỹ và Anh quốc. Từng viết cho nhiều tờ báo danh tiếng như CNN, Bloomberg, Marie Claire, tạp chí Forbes, Financial Times, Barron’s, The Wall Street Journal.., cô hiện là biên tập viên tài chính cho Newsweek.
Được viết dựa trên các cuộc phỏng vấn và nghiên cứu toàn diện, cuốn sách cho thấy một Arianna Huffington thông minh, sắc sảo và thường gây sửng sốt. Đồng thời, những kinh nghiệm kinh doanh của bà được tác giả chia sẻ trong cuốn sách cũng là những kiến thức quý giá cho bất kỳ doanh nhân nào, đặc biệt là những người đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và chăm sóc sức khỏe con người.
Theo Báo Quốc tế