Những uẩn khúc về cuộc đời Tổng đốc Lê Hoan (1856-1915) đã tồn tại nhiều năm nay trong giới sử học và trong dư luận xã hội. Tác phẩm Tổng đốc Lê Hoan của tác giả Phan Trường Sơn vừa mới được xuất bản sẽ làm rõ hơn công và tội của vị sĩ phu này.
Lê Hoan theo sử sách chính thống và trong dư luận xã hội từ trước tới nay đều cho là một kẻ bán nước, hại dân, làm tay sai cho Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Nhưng sự thật có phải như vậy. Tất cả các dữ liệu về cuộc đời Lê Hoan đã được tác giả Phan Trường Sơn kết nối lại theo trình tự thời gian và đặc biệt được sắp xếp trong một cuốn sách tiểu sử thì chúng ta có thể phát hiện ra rất nhiều điều hầu có thể giải đáp.
Đó chính là nội dung cuốn sách Tổng đốc Lê Hoan ( 1856-1915) của tác giả Phan Trường Sơn do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa mới ấn hành, cuốn sách dầy 271 trang, trình bày đẹp và trang trọng. Bằng giọng văn nhẹ nhàng như kể chuyện, tác giả đã trình bày lại toàn bộ cuộc đời của Lê Hoan từ khi sinh ra trong một gia đình trí thức và quan lại, được giáo dục đạo lý thánh hiền từ nhỏ đến những tháng ngày gian khổ khi mồ côi mẹ từ sớm, những năm tháng chiến đấu anh dũng chống giặc Pháp khi Pháp mới chiếm thảnh Hà Nội lần thứ nhất và lần thứ hai, và đến quá trình làm quan cho triều đình nhà Nguyễn .
Dù lên tới quyền cao chức trọng tột bực (chức quan cuối cùng của ông là: Thái tử thiếu bảo Vũ Hiển điện đại học sĩ tước Phú hoàn tử, tổng đốc 4 tỉnh Ninh – Thái -Hải – Yên ), tức là nằm trong tứ trụ triều đình , nhưng vẫn âm thầm tổ chức hoặc giúp đỡ các cuộc kháng chiến chống Pháp trên khắp cả nước, chấn hưng văn hoá dân tộc, xây dựng đền chùa và nhiều hoạt động cho dân cho nước , và cho tới cái chết đầy oan khuất của Lê Hoan. Cuốn sách cũng cung cấp cho chúng ta rất nhiều bằng chứng, từ các hồ sơ lưu trữ thuộc đia của Pháp, những tài liệu mật trong sở mật thám pháp , các báo chí xuất bản ở Pháp và Việt nam trong thời kỳ đó cùng với các tài liệu của Viện Hán Nôm , Viện khoa học xã hội Việt Nam hay các nghiên cứu của các nhà sử học trong và ngoài nước…
Cuộc đời của Lê Hoan có thể mãi mãi vẫn là một ẩn số, nhưng văn chương của ông, đặc biệt là cuốn sách Việt Lam Xuân Thu thì rõ ràng thể hiện ông là một con người yên nước, thiết tha với vận mệnh dân tộc . Qua sự tôn vinh người anh hùng dân tộc Lê Lợi và những lý tưởng cách mạng ông đã thể hiện rõ lập trường yêu nước thương dân của mình. Để góp phần làm rõ những uẩn khúc của lịch sử cũng như góp thêm một tiếng nói phản biện, cuốn sách Tổng đốc Lê Hoan (1856-1915 ) của tác giả Phan Trường Sơn là một tác phẩm như vậy.