Quyền lực biển còn là một biên niên sử thú vị về hải quân, cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những cuộc giao tranh vĩ đại trên biển, từ Trận Salamis, Hải chiến Lepanto, Trận chiến Đại Tây Dương cho tới các cuộc xung đột tàu ngầm trong Chiến tranh lạnh.
Từng là Đô đốc duy nhất giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh NATO và được coi là một trong những đô đốc đáng ngưỡng mộ nhất trong thế hệ mình, có lẽ không ai hiểu rõ về sức mạnh của đại dương hơn Đô đốc James G. Stavridis. “Quyền lực biển: Lịch sử và địa – chính trị của các đại dương trên thế giới” của Stavridis là một tác phẩm nổi bật dành cho những ai muốn tìm hiểu tầm ảnh hưởng của các đại dương đối với sự thịnh-suy, hưng-vong của các quốc gia và dân tộc trên thế giới.
Vào thời La Mã, nhà triết học và nhà thơ Lucretius đã viết như sau: “Thật là thú vị biết bao khi ngọn gió biển thổi mạnh, ta đứng nơi bờ và nhìn ra ngoài khơi, thấy các người đi biển trong cơn bối rối”. Kể từ cuối những năm 1500, không nhà nước, đế chế hay quốc gia nào có thể chỉ huy những đỉnh cao quyền lực toàn cầu mà không sử dụng một lực lượng hải quân thống trị. Biển cả và đại dương giữ vai trò quan trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng, bởi chúng chính là tuyến đường quan trọng nhất kết nối những vùng đất xa xôi và các dân tộc lại với nhau.
Với tư cách là một thủy thủ, vừa cách xa đất liền cả một đại dương, nhưng đồng thời cũng kết nối với một chuỗi dài liên tục những con người từng lên đường ra khơi, trong cuốn sách Quyền lực biển, Stavridis sẽ đem đến cho bạn đọc một hành trình đáng nhớ qua tất cả các vùng biển quan trọng nhất trên thế giới; một góc nhìn đa chiều về các đại dương, sức mạnh hải quân định hình vận mệnh của các quốc gia và hình thành thế giới chúng ta đang sống ngày nay cũng như thế giới chúng ta sẽ sống trong tương lai.
Với bảy chương sách về các khu vực hàng hải có ý nghĩa chiến lược, tác giả giải quyết các vấn đề chính sách hiện nay từ bối cảnh của lịch sử hàng hải, kết hợp cùng những câu chuyện cá nhân với giọng kể tự nhiên và gần gũi. Văn phong của ông phù hợp cho cả những độc giả hầu như chưa có nhiều kiến thức nền về các vấn đề an ninh quốc gia và hải quân, nhưng thông điệp mà ông truyền tải không hề mang lại cảm giác hời hợt hay tẻ nhạt.
- Chương 1: Thái Bình Dương – Mẹ của các đại dương;
- Chương 2: Đại Tây Dương – Cái nôi của chế độ thực dân;
- Chương 3: Ấn Độ Dương – Biển của tương lai;
- Chương 4: Địa Trung Hải – Nơi cuộc chiến trên biển bắt đầu;
- Chương 5: Biển Đông – Khu vực tiềm tàng xung đột;
- Chương 6: Caribê – Vùng biển sa lầy trong quá khứ;
- Chương 7: Bắc Băng Dương – Triển vọng và nguy cơ;
- Chương 8: Biển ngoài vòng pháp luật – Đại dương là hiện trường phạm pháp;
- Chương 9: Mỹ và các đại dương – Chiến lược hải quân trong thế kỷ XXI.
Quyền lực biển còn là một biên niên sử thú vị về hải quân, cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những cuộc giao tranh vĩ đại trên biển, từ Trận Salamis, Hải chiến Lepanto, Trận chiến Đại Tây Dương cho tới các cuộc xung đột tàu ngầm trong Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những phân tích hết sức nhạy bén về các địa điểm có khả năng xảy ra các cuộc xung đột hải quân lớn trong tương lai, đặc biệt là Bắc Băng Dương, Đông Địa Trung Hải và Biển Đông.
“Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều tập đoàn quốc gia lớn mạnh trong suốt 2.000 năm qua đều chịu ảnh hưởng của sức mạnh biển, và điều đó vẫn đúng cho đến ngày hôm nay. Biển cả thực sự là một nhà, đặc biệt với tư cách một thực thể địa – chính trị, và sẽ tiếp tục tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến diễn biến của các sự kiện toàn cầu – từ tình trạng căng thẳng cao độ trên Biển Đông đến nạn buôn lậu cocain trên Biển Caribê, nạn cướp biển trên bờ biển châu Phi, với sự tái xuất đáng tiếc của cuộc chiến tranh lạnh mới trên khoảng trống Greenland – Iceland – Anh ở Bắc Đại Tây Dương. Một số nhà quan sát có thể không quan tâm đến địa – chính trị của đại dương, nhưng chúng sẽ ám ảnh chính sách và lựa chọn của chúng ta trong thế kỷ XXI đầy hỗn loạn này. Đại dương sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mọi khía cạnh trong nỗ lực của con người…” (Trích phần Giới thiệu: Biển cả là một nhà)
VỀ TÁC GIẢ
James G. Stavridis (Sinh năm 1955): Cựu Đô đốc Hải quân Mỹ, là đô đốc đầu tiên và duy nhất từng đảm nhiệm vị trí Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh NATO, Hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts và hiện là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tập đoàn đầu tư Carlyle, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Quỹ Rockefeller.