Triết học không dành cho riêng ai, mà dành cho mọi người. Mặc dù bao công việc thường nhật đã ngốn hết phần lớn thời gian của chúng ta, nhưng đôi lúc chúng ta phải quay gót để tự vấn về những vấn đề muôn thuở
Tiếp theo Truy tầm Triết học và Hành trình cùng Triết học, dịch giả Lưu Văn Hy và Công ty Văn hoá Minh Trí – Nhà sách Văn Lang lại cho ra mắt một tác phẩm mới về triết học phương Tây.
Dù chỉ mang tên Nhập môn Triết học, nhưng cuốn sách đề cập đến một phạm vi rất rộng các trường phái và các loại hình triết học như Thuyết về tri thức, Triết học tôn giáo, Siêu hình học, cho tới cả Triết học Chính trị và xã hội. Trong mỗi chương, sau phần trình bày tóm lược ý tưởng chủ đạo của một triết thuyết, là các bài đọc trích dịch các tác phẩm của các triết gia chủ chốt. Giống như một cuốn giáo trình tham khảo có giá trị, cuối mỗi chương, đều có phần câu hỏi ôn tập và thảo luận.
Độc giả sẽ thấy ở đây rất nhiều bài luận kinh điển và hấp dẫn về triết học chính trị và xã hội mà có lẽ là lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt như Nền cộng hoà và Phaedo của Plato, Những suy niệm về siêu hình học của Descartes, Phê phán lý trí thuần tuý của Kant, Tổng luận thần học của Aquinas, Những suy tư của Pascal, Thuyết vị lợi của Mill, Vượt lên trên cái thiện và ác của Nietzsche, Tương lai của ảo tưởng của Freud, Khảo luận thứ hai về chính quyền của John Locke, Các nguyên tắc triết học cơ bản về chính quyền và xã hội của Hobbles, Về quyền tự do của J.S. Mill, Lý thuyết về sự công bằng của Rawls, Vô chính phủ, nhà nước và Xã hội không tưởng của Nozick.
Tuy nhiên, triết học là một chủ đề rất khó và nhiều bài luận được viết ra từ thời cổ đại, thậm chí không phải nguyên gốc là tiếng Anh nên bản dịch còn rất nhiều điều cần phải xem xét lại, thậm chí một số thuật ngữ, tôi không hiểu tại sao dịch giả lại dịch như vậy. Điển hình nhất là “State of Nature” được dịch là “trạng thái tự nhiên”, hay City of God lại dịch là Đô thị của Thiên chúa .
Tuy nhiên, dù còn nhiều vấn đề về thuật ngữ và cách dịch còn phải bàn cãi nhưng những tác phẩm dịch thuật của dịch giả Lưu Văn Hy và Minh Trí – Văn Lang thể hiện những nỗ lực lớn lao và rất đáng trân trọng trong bối cảnh nền dịch thuật và xuất bản nói chung đều gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong rằng, các tác phẩm dịch thuật của dịch giả Lưu Văn Hy sẽ là nguồn tham khảo tốt, và là những bước khởi đầu cho việc chuyển tải các tư tưởng triết học của thế giới sang tiếng Việt.
Như trong phần dẫn nhập, tác giả viết “Triết học không dành cho riêng ai, mà dành cho mọi người. Mặc dù bao công việc thường nhật đã ngốn hết phần lớn thời gian của chúng ta, nhưng đôi lúc chúng ta phải quay gót để tự vấn về những vấn đề muôn thuở”. Hy vọng cuốn sách này sẽ mang lại cho độc giả những ý tưởng có vẻ cũ kỹ nhưng lại rất mới lại, để độc giả tự chiêm nghiệm về bản thân mình và về xã hội.
Xin giới thiệu với bạn đọc.
Nguyễn Cảnh Bình
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: