Ra đời trong giai đoạn văn học trẻ đương độ sôi động, Những mảnh mắt nhìn của cây bút trẻ Thái Cường dễ bị nhấn chìm bởi vẻ ngoài khá an toàn và nhạt nhòa. Tuy không gây ấn tượng bởi một bìa sách bắt mắt, nhưng nội dung quyển sách có thể khiến người đọc sống chậm lại, suy tư và chiêm nghiệm nhiều hơn.
Những mảnh mắt nhìn mở đầu với cảnh nhân vật chính – Cao – cùng mẹ dắt ông ngoại đi… bỏ giữa cánh đồng. Lần lượt sau đó, góc khuất mỗi người sẽ dần được hé lộ, lý giải cho hành động kỳ quặc của hai mẹ con. Không chủ định xoáy vào bi kịch gia đình, hầu như mọi tình tiết trong tác phẩm đều không được đẩy lên cao trào.
Với một giọng văn dửng dưng, Thái Cường đã dẫn dắt người đọc đi qua nhiều bi kịch khác nhau, từ việc không được con cháu công nhận của ông Thọ, ám ảnh tuổi thơ không có cha bên cạnh của Mai, quá trình ý thức về giới tính của Nhân… một cách bình thản. Số phận con người hiện lên trên từng trang viết không hề nặng nề, tự nhiên như bước ra từ chính đời thực, khiến người đọc dễ đồng cảm. Mọi biến cố xảy đến dù được mô tả gãy gọn, nhẹ nhàng, nhưng vẫn đọng lại nhiều thâm trầm, sâu lắng.
Được nhiều người nhìn nhận là một quyển “biên niên sử gia đình”, nhưng thực tế Những mảnh mắt nhìn lại ẩn chứa rất nhiều dấu vết lịch sử miền Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến nay. Trong tác phẩm, người đọc sẽ được đưa trở về thời kỳ sử dụng từ mượn tiếng Pháp cực thịnh. Các cụm từ xi-nê, đăng-xê, lăng-xê, phéc-mơ-tuya, ba-đờ-xuy… được lặp đi lặp lại nhiều lần. Các nhân vật đa phần có thú vui đi nhảy đầm, hộp đêm, uống cốc-tai, la-de, viết và trao thư tay… hoàn toàn đối lập với xã hội hiện đại.
Dù là tiểu thuyết, một thể loại hư cấu, nhưng hầu hết các chương trong Những mảnh mắt nhìn đều điểm qua mốc thời gian cụ thể. Các biến cố xảy đến với từng nhân vật phần lớn được đặt trong nhiều thời điểm khác nhau, có liên đới đến lịch sử – xã hội. Chẳng hạn như sự kiện Mai vượt biên sang Mỹ năm 1984, chồng bà Liên suýt bị bắt lính trong đợt trưng cầu dân ý giữa những năm 1950, Bảo Lộc thời trước giải phóng được gọi là B’Lao… Tất cả chi tiết dù nhỏ nhặt ấy đã thể hiện sự tinh ý của Thái Cường trong việc kiến tạo một “phông nền” nhuốm màu hoài cổ cho truyện.
Ngoài yếu tố lịch sử, tác giả còn khéo léo lồng ghép kiến thức khoa học trên nhiều lĩnh vực để tạo độ thuyết phục cho cốt truyện tổng thể. Lối kể chuyện xen lẫn giữa thành ngữ và khẩu ngữ Nam Bộ cũng góp phần tạo nên giọng văn nhiều màu sắc, vừa có chất hào sảng nhưng không quá thông tục, vừa trang nhã mà lại giàu âm điệu.
Giữa muôn trùng tác phẩm “văn chương xa lộ”, đọc Những mảnh mắt nhìn sẽ như bước vào một thế giới khác, không còn bon chen, xô bồ, mà sẽ được gột rửa tâm hồn bởi chất văn dung dị, mộc mạc nhưng vẫn rất “đời”.
Quốc Việt