Bằng giọng văn dí dỏm tinh quái, Nora Ephron sẽ đưa người đọc qua những suy nghĩ chân thực của một người phụ nữ trong cuốn sách “Phát khổ vì cái cổ”
Phụ nữ thường gắn với việc làm đẹp. Phụ nữ thì đương nhiên muốn đẹp, đó là nhu cầu của bản thân họ và cả những người đàn ông xung quanh, ấy vậy nên người ta mới gọi phụ nữ là “phái đẹp’’.
Theo như Nora Ephron – đạo diễn, nhà biên kịch nổi tiếng của Hollywood – chia sẻ trong cuốn tản văn Phát khổ vì cái cổ & những suy tư về việc là phụ nữ, có hai kiểu làm đẹp.
Kiểu thứ nhất là kiểu mà mọi người hay nghĩ khi nhắc đến hai từ “làm đẹp” như thẩm mỹ, nâng mặt, bơm môi… hay theo cách Nora gọi thì đó là những nỗ lực thảm thương để quay ngược lại đồng hồ. Bình thường kiểu này sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tiềm lực tài chính và mong muốn riêng của mỗi người phụ nữ.
Còn kiểu thứ hai được gọi là bảo dưỡng hiện trạng, tức là những thứ phụ nữ phải làm hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.
Đó là việc mà phụ nữ luôn luôn phải để ý nhưng thường đầu óc trên mây và quên béng đi mất, để rồi một ngày bước ra khỏi cửa đi siêu thị và đụng phải một anh từng từ chối họ, và họ buộc phải nấp sau kệ đồ hộp chỉ vì quên không đánh son hoặc đầu bết chưa kịp gội.
Bản thân Nora cũng là một phụ nữ, và bà tôn trọng quyền làm đẹp của mỗi người, nhưng bà cũng chỉ trích một cách châm biếm khi phần đông phụ nữ dành quá nhiều thời gian cho “những thứ hàng ngày cần làm để giữ cho bạn giống ai đó mà chẳng ai ngó ngàng đến nữa.’’
Tóc nhuộm làm thay đổi mọi thứ
Nora Ephron cho rằng công cuộc làm đẹp hàng ngày của phụ nữ bắt đầu từ mái tóc. Một người bình thường sẽ chỉ cần gội đầu hai ngày một lần, hoặc thậm chí có thể dài hơn. Vậy nên bà không thể hiểu được có những người gội đầu hàng ngày vì điều đó là hoàn toàn không cần thiết. Nó sẽ tiêu tốn một giờ mỗi ngày, bảy giờ một tuần chỉ để gội và sấy khô tóc, nghĩa là 365 giờ mỗi năm, tương đương với chín tuần làm việc!
Bà viết: “Có thể điều này có ý nghĩa lúc chúng ta còn trẻ khi số thời gian chúng ta làm cho bản thân trông dễ nhìn có tương ứng với số giờ chúng ta dùng để quan hệ tình dục (thứ rốt cục là một trong những lý do chúng ta tiêu quá nhiều thời gian đến vậy cho việc chải chuốt)”.
Thời gian làm đẹp của phụ nữ, dù với mục đích gì, theo nghiên cứu cũng tương ứng với số giờ quan hệ tình dục của họ.
Sự ra đời hàng loạt của những tiệm làm tóc những tưởng sẽ khiến cho thời gian gội đầu của phụ nữ được rút ngắn lại, thì hóa ra lại không phải vậy. Nghĩ mà xem, trong lúc những người thợ sấy tóc thì ta có thể đọc báo, lướt web, trả lời email hoặc lên mạng xem đồ thì trong vòng một năm bà chỉ bỏ ra ít nhất 80 tiếng để giữ cho tóc sạch và được ép phẳng. Ấy vậy mà tóc nhuộm đã làm thay đổi tất cả.
Tóc nhuộm ra đời khiến phụ nữ trẻ hơn. “Nó là vũ khí quyền năng nhất mà phụ nữ lớn tuổi có để chống lại văn hóa của giới trẻ, và vì nó thực sự thành công trong việc dừng đồng hồ lại (ít nhất khi màu tóc còn chưa phai), nó làm phụ nữ cởi mở tiếp cận những thủ thuật quyết liệt hơn (như nâng mặt)”.
Nhưng đi nhuộm tóc lại là một việc chiếm thời gian khủng khiếp. Bạn bước chân vào một tiệm tóc với mục đích ban đầu chỉ là muốn một màu tóc mới tươi trẻ hơn, nhưng người thợ làm tóc sẽ khéo léo gợi ý cho bạn thêm các công đoạn uốn xoăn, uốn cụp, dập xù, hoặc thậm chí cả gảy highlight. Vậy là bạn sẽ mất cả ngày chủ nhật chỉ để ngồi ê mông ở tiệm tóc và chờ đợi thuốc nhuộm ngấm vào tóc, hoặc chờ được tẩy tóc và nhuộm chỉ vài sợi highlight sáng màu.
Chăm sóc da cũng là một công trình cầu kỳ khác. Ngày nay, các sản phẩm chăm sóc da có nhiều tên gọi với nhiều công dụng khác nhau: kem mặt, kem bôi tay, kem toàn thân, kem chân, kem mắt… chứ không còn là “kem dưỡng da” đơn thuần nữa.
Những lọ kem mặt dần được hét lên với giá cắt cổ để đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng của chị em. Dù biết đắt, nhưng trong một khoảnh khắc lóe sáng ngắn ngủi, phụ nữ tin chúng sẽ là câu trả lời cho mọi chuyện. Và nhiều tháng sau, thương thay khi một nửa trong số chúng vẫn đang nằm im sau tủ kính hoặc trên bàn trang điểm của các chị em.
Những cái cổ xệ xấu xí
Nếu khuôn mặt của bạn có vết nhăn, hay tàn nhang, hay mụn thì đừng quá lo lắng, vì ít nhất vẫn có cách để cải thiện nó. Nhưng nếu bạn có một cái cổ xệ thì thật chia buồn, chẳng có cách nào để che giấu nó ngoài việc đeo khăn và mặc áo cao cổ.
Nora Ephron sau nhiều lần cố gắng cải tạo cái cổ đã nhận ra rằng những cái cổ sẽ bắt đầu dở chứng ở tuổi bốn mươi ba. “Khuôn mặt chúng ta là lời nói dối và cổ là sự thật. Bạn phải cưa một cái cây gỗ đỏ để biết nó bao nhiêu tuổi, nhưng bạn không cần phải làm vậy với một phụ nữ, vì có thể nhìn vào cái cổ”.
Điều đau lòng là phụ nữ không thể phẫu thuật thẩm mỹ cho cái cổ của mình mà không đi kèm với việc nâng mặt. Bởi căng da cổ sẽ đồng nghĩa với căng da mặt. Và nếu bạn chấp nhận một khuôn mặt cứng đơ đáng thương để được một cái cổ đẹp thì điều đó thật tốt. Còn nếu không thì bạn phải chung sống với nó cả đời và cố gắng không nhìn vào gương mỗi ngày khi bạn càng ngày càng già đi.
Có thể Nora Ephron chẳng phải là một chuyên gia sắc đẹp được phụ nữ yêu mến, nhưng bà biết cách có thể khiến người ta trẻ ra vài tuổi bằng sự hài hước của mình qua những bộ phim và cuốn sách bà viết.
Dí dỏm và sắc sảo đến tinh quái, cuốn tản văn Phát khổ vì cái cổ của Nora Ephron sẽ đưa người đọc đi qua những suy nghĩ chân thực nhất của một người phụ nữ, về việc làm đẹp.
Nora Ephron là đạo diễn, biên kịch người Mỹ đã 3 lần được đề cử giải Oscar cho kịch bản gốc xuất sắc nhất. Bà được biết đến rộng rãi qua các bộ phim When Harry met Sally, Sleepless in Seattle, Julie & Julia, You’ve Got Mail… Nora qua đời ở tuổi 71 do căn bệnh viêm phổi vào năm 2012.
Theo Thu Hoài – news.zing.vn