Mục tiêu xuyên suốt của cuốn sách, đó là cho người đọc thấy được cách thương mại định hình thế giới trong quá khứ và sẽ sắp đặt nên thế giới trong tương lai, bất kể chúng ta có thích điều này hay không
“Mục tiêu xuyên suốt của cuốn sách, đó là cho người đọc thấy được cách thương mại định hình thế giới trong quá khứ và sẽ sắp đặt nên thế giới trong tương lai, bất kể chúng ta có thích điều này hay không.”
Vào năm 2006, các quốc gia trên thế giới đã xuất khẩu 11.8 nghìn tỉ đô la Mỹ hàng hóa và dịch vụ. Con số này vượt xa Tổng sản phẩm quốc nội của bất kì nước nào khác trên thế giới ngoại trừ Mỹ – quốc gia đã xuất khẩu hơn 1 nghìn tỉ USD. Thương mại thế giới tăng gần gấp đôi trong chưa đầy một thập kỉ, và tăng lên một cách chóng mặt từ sau Thế chiến thứ hai.
Thế giới đan kết với nhau tựa như trò chơi đan dây của thương mại – điều chưa từng diễn ra trước đây. Nó vốn đã có sẵn những hậu quả khủng khiếp và sẽ có nhiều hơn thế nữa. Nhưng trong khi gần đây thương mại thế giới được nói đến rất nhiều trong các bản tin, đặc biệt là trong suốt năm bầu cử này, bản thân nó có một lịch sử rất dài. Như William J. Bernstein đã đề cập rất rõ (bằng sự hài hước của chính mình và sự thú vị) trong cuốn “Lịch sử giao thương” rằng nó là thế lực chính trong việc điều khiển toàn bộ lịch sử loài người.
Adam Smith đã giải thích trong cuốn “The Wealth of Nations” (Của cải của các dân tộc) rằng con người, và chỉ có con người mới được phú cho “khuynh hướng vận chuyển, đổi chác và trao thứ này để lấy thứ khác.” Quan trọng không kém là những thứ như kĩ năng và tài năng không giống nhau ở mỗi người, và nguồn tài nguyên của thế giới cũng không được phân bố bằng nhau trong tự nhiên. Chính vì loài người cũng có khuynh hướng tấn công người khác, chúng ta luôn buôn bán những gì chúng ta muốn hoặc cướp đoạt nó. Thực sự có thể nói rằng cuốn sách của Bernstein là lịch sử của những cuộc giao thương đầu tiên, nó là một cách nhìn mới mẻ.
Lưỡng Hà cổ đại được phú cho những vùng đất màu mỡ, nước từ sông Tigris và Euphrates nhưng lại thiếu đá và gỗ để xây dựng, cũng như thiếu kim loại như đồng để sản xuất công cụ và vũ khí. Tuy nhiên, người Sumer có nguồn lương thực dư thừa để buôn bán, vì vậy họ có thể giao thương để đổi lấy đá từ gần thượng nguồn của những dòng sông, gỗ từ nơi mà giờ chúng ta gọi là Lebanon (Liban) và kim loại từ Sinai, Cyprus (Cộng hòa Sip) và các nơi khác.
Nền mậu dịch cổ đại có tiềm năng rất lớn. Chỉ một vụ đắm tàu Thời đại đồ đồng vào khoảng năm 1350 TCN ở gần Bodrum – một thị trấn ven biển Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thiệt hại hơn 10 tấn đồng và một tấn thỏi thiếc cùng với các hàng hóa khác như ngà voi. (Tỷ lệ lý tưởng của đồng và thiếc để tạo ra đồng điếu là 10-1)
Vào thời La Mã, các hạm đội tàu chiến lớn đã vận chuyển ngũ cốc của Ai Cập, rượu của Hy Lạp, đồng và bạc của Tây Ban Nha, cùng hàng trăm mặt hàng khác quanh khu vực Địa Trung Hải. Người Ấn Độ đã kiếm được số tiền La Mã khổng lồ nhờ bán những thứ gia vị mà người La Mã thèm muốn, đặc biệt là hồ tiêu. Tơ lụa Trung Quốc có giá trị bằng vàng được vận chuyển qua trung tâm Châu Á trên Con đường tơ lụa để tìm đến các khu chợ ở phương Tây.
Khi phương Tây sụp đổ vào cuối thời cổ đại, thương mại đường dài cũng chấm dứt. Một số đồng tiền La Mã niên đại sau năm 180 sau Công nguyên được tìm thấy ở Ấn Độ, khi nền kinh tế La Mã bắt đầu không còn giao dịch bằng vàng và bạc. Người Ả Rập đã thống trị các tuyến thương mại chính của Ấn Độ Dương sau khi Hồi giáo nổi lên. Và lúc Tây Âu hồi sinh nền kinh tế của mình, một nền thương mại sôi động đã phát triển giữa các cường quốc đang lên ở Venice và Trung Đông. (Venice cung cấp nô lệ từ Crimea và Caucasus để đổi lấy gia vị và đường).
Khi Ottoman chinh phục Constantinople, họ đã đóng cửa tuyến đường biển đến Crimea. Người châu Âu bắt đầu tìm kiếm các tuyến đường khác để tiếp cận nguồn tài nguyên của phương Đông và loại bỏ giới trung gian.
Năm 1492, Columbus đi về hướng tây và tình cờ đến Tân Thế giới. Năm 1498, Vasco da Gama đã đến Ấn Độ sau đó đi vòng quanh mũi phía nam châu Phi. Nhờ có thương mại, thế giới hiện đại đã bắt đầu.
Lịch sử thương mại toàn cầu là câu chuyện dài và đồ sộ đến mức Bernstein có thể rất dễ tạo nên một cái kết đột ngột cho cuốn sách, nhưng thật may mắn là ông đã không làm vậy. Bằng cách đề cập đến nhiều khía cạnh trên nhiều chủ đề thay vì viết theo trình tự thời gian, ông đã cho thấy việc loài người và các quốc gia đối mặt với những vấn đề hệt như nhau hết lần này đến lần khác như thế nào, và thường giải quyết chúng với cùng một cách ra sao với không đầy 500 trang sách.
Chẳng hạn, vùng đất cằn cỗi và ít mưa của Hy Lạp cổ đại đồng nghĩa với việc địa hình không có nhiều khả năng trồng lúa, nhưng lại rất tốt cho sự sinh trưởng của nho và ô liu. Để xuất khẩu rượu vang và dầu ôliu, Athens đã phát triển ngành công nghiệp gốm sứ nhằm cung cấp các lọ đựng để vận chuyển những sản phẩm này.
Khi thương mại của Hy Lạp và các thuộc địa phát triển một cách rực rỡ dọc chiều dài cũng như bề rộng của Địa Trung Hải và Biển Đen, họ cần sức mạnh của Hải quân để ngăn chặn cướp biển. Chính vì kiểm soát được các điểm tắc nghẽn như Dardanelles và Bosporus, những nơi kết nối với các vùng đất giàu có của Ukraine bây giờ nên Đế quốc của người Athens đã rất phát triển.
Sự tiếp nối này của thương mại, các thuộc địa, sức mạnh hải quân và đế quốc lặp đi lặp lại ở Venice và Cộng hòa Genoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Ngay cả những điểm ùn tắc chiến lược cũng vẫn y hệt như cũ: Suez; eo biển Hormuz dẫn đến Vịnh Ba Tư; eo biển Malacca dẫn tới Đông Á; Bosporus và Dardanelles. Chỉ khác ở chỗ, bây giờ không phải nô lệ và gia vị vượt qua những vùng đất này nữa mà thay vào đó là dầu.
Bernstein là một nhà văn tuyệt vời và biết cách kể một câu chuyện thú vị. Ông đã làm được rất nhiều điều trong cuốn sách này; từ Chuyến hành trình xung quanh thế giới của Francis Drake (chuyến hành trình xứng đáng với những nhà tài trợ của nó, trong đó có cả Nữ hoàng Elizabeth I, 50 bảng Anh cho mỗi lần tài trợ.) cho đến Cái chết đen theo sát hành trình của thương mại khi nó tàn phá Châu Âu và vùng Trung Đông.
Thế nhưng Berstein chưa từng đánh mất đi đặc trưng trong mục tiêu xuyên suốt của mình, đó là cho người đọc thấy được cách thương mại định hình thế giới trong quá khứ và sẽ sắp đặt nên thế giới trong tương lai, bất kể chúng ta có thích điều này hay không.
“Lịch sử giao thương” là một cuốn sách tuyệt vời.