Sống trong kỷ nguyên số hoá với sự đổi mới không ngừng về cả mặt công nghệ, chính trị, văn hoá, mỗi cá nhân cần liên tục nâng cấp kỹ năng và tư duy thông qua sự trao quyền, lòng can đảm, sự chủ động để suy nghĩ, hành động và tận dụng tối đa cơ hội của mình. Nhưng đổi mới từ đâu, như thế nào? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong cuốn sách “Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống”.
Cho dù bạn muốn thay đổi sự nghiệp, hình thành những mối quan hệ lành mạnh hơn, bền chặt hơn hay lên kế hoạch cho những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, cuốn sách này sẽ là cuốn cẩm nang không thể thiếu trong hành trình tìm kiếm, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
—–
Tiếp nối cuốn sách “Thực hành tư duy thiết kế” (Design Thinking Playbook), chủ yếu tập trung khơi dậy trong bạn đọc động lực áp dụng tư duy thiết kế trong mọi mặt đời sống, bộ ba tác giả Michael Lerwick, Larry Leifer và Jean-Paul Thommen cho ra mắt cuốn sách “Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống” (Tên tiếng Anh “Design Thinking Life Playbook”) với mục tiêu đi sâu phân tích vai trò và phương pháp thực hành lối tư duy này trong đời sống thường ngày.
Để bắt đầu, chúng ta cần hiểu tư duy thiết kế là gì?
Tư duy thiết kế là gì?
Theo các tác giả, khía cạnh quan trọng nhất của tư duy thiết kế là giải phóng bản thân khỏi những định kiến và các giả định. Bởi chúng ta không thể biết chắc điều gì có thể hay không thể xảy ra trong tương lai, cách duy nhất để tìm ra câu trả là cho phép bản thân vượt qua những nỗi sợ hãi thường trực và từ đó khám phá những tiềm năng to lớn của mình.
Trên thực tế, tư duy thiết kế trở nên quen thuộc khi xuất hiện và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, thậm chí, môn học về “Tư duy thiết kế” đã được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức của nhiều trường đại học danh tiếng thế giới như Stanford hay MIT. Theo đó, ngày càng có nhiều khái niệm về khác nhau về lối tư duy này, nhưng chung quy lại, chúng ta có thể hiểu khái quát tư duy thiết kế là:
- Chúng ta tạm biệt những định kiến về “cách mọi thứ hoạt động”.
- Chúng ta tạm gác lại các kỳ vọng về những gì sẽ xảy ra.
- Chúng ta tò mò để hiểu được sự thật và vấn đề một cách sâu sắc.
- Chúng ta mở ra cho bản thân nhiều khả năng mới.
- Chúng ta hỏi những câu đơn giản.
Tại sao lại cần tư duy thiết kế trong việc thiết kế cuộc đời?
Nếu cuốn sách trước đó – “Thực hành tư duy thiết kế” tập trung vào cách áp dụng lối tư duy này vào công việc kinh doanh, thì cuốn “Tư duy thiết kế trong cuộc sống” lại tập trung vào vai trò và tầm quan trọng của nó trong đời sống thường ngày.
Theo các tác giả, sự thấu cảm và tự tin vào năng lực bản thân là chìa khóa khai mở tiềm năng phát triển của mỗi cá nhân.
Trên thực tế, cuộc sống vốn không diễn ra theo chiều tuyến tính mà sẽ luôn biến đổi không ngừng. Bản thân chúng ta sẽ có lúc phải đối mặt với những sự kiện quan trọng đòi hỏi bạn cần:
- Có khả năng xác định, phân tích vấn đề
- Nhìn nhận vấn đề theo hướng khác, sẵn sàng suy nghĩ vượt lối mòn để tìm ra sáng kiến
- Có tư duy tích cực để trải nghiệm nhiều khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc sống
- Can đảm vượt qua nỗi sợ và sẵn sàng cho những sự thay đổi lớn
Trong trường hợp này, tư duy thiết kế phát huy tác dụng khi đưa ra một chỉ dẫn toàn diện từ bước xác định vấn đề đến đưa ra quyết định.
Không dừng lại ở lý thuyết suông, cuốn sách cung cấp cho bạn đọc nhiều công cụ bổ trợ để việc áp dụng tư duy thiết kế đạt được hiệu quả tối ưu, mang đến cho bạn một cuộc sống hiệu quả, trực quan và hạnh phúc.
Cuốn sách “Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống” mang đến cho bạn những giải pháp gì?
Cuốn sách được chia làm 2 phần chính: Các chiến lược, kỹ thuật giúp bạn hành động hiệu quả và những quyết định to lớn trong cuộc sống, trọng tâm là lập kế hoạch phát triển sự nghiệp của mỗi con người.
Phần 1: Các chiến lược và kỹ thuật giúp bạn hành động hiệu quả
Trong phần đầu của cuốn sách, tác giả trình bày các chiến lược và kỹ thuật giúp bạn hành động hiệu quả để trả lời được những câu hỏi cốt lõi: Tôi thích gì? Điều gì cướp năng lượng của tôi và làm cách nào để tôi nạp lại chúng? Tôi có thể tự bắt đầu và thử nghiệm những thay đổi nhỏ nào? Làm cách nào để tôi thực hiện những thay đổi đó?
Để trả lời được những câu hỏi này, chúng ta cần sử dụng một số kỹ thuật cơ bản nhằm: khám phá nhu cầu của bản thân, tìm kiếm ý tưởng mới và sẵn lòng thử nghiệm điều gì đó mới mẻ trước khi chúng ta bắt đầu sự thay đổi theo các bước lặp lại. Theo đó, các bước của quá trình này bao gồm:
Suy ngẫm, chấp nhận và thấu hiểu
Chúng ta cần thấu hiểu cuộc sống và bản thân mình hơn bằng cách tìm ra những vấn đề có thể được giải quyết, chúng ta là ai, làm gì và thu được kinh nghiệm gì. Trong bối cảnh này, nhận thức lại vấn đề (reframe) là một công cụ quan trọng giúp chúng ta thoát khỏi lối mòn nhận thức.
Viết nhật ký năng lượng
Nhật ký năng lượng, theo gợi ý của tác giả, miêu tả hoạt động hằng ngày, những sự kiện đã diễn ra và cảm nhận về chúng. Đây chính là điểm khởi đầu hiệu quả để đi sâu vào trọng tâm, biết mình cần gì, thiếu gì và mong muốn thay đổi điều gì.
Tích hợp sự quan sát của mọi người và nhận thức của chúng ta
Ngoài những suy nghĩ chủ quan về bản thân, chúng ta cũng cần tìm hiểu nhận thức của người khác về mình. Đây là phần quan trọng của sự tự suy ngẫm vì nó cung cấp thông tin khách quan về khả năng, thế mạnh và tiềm năng phát triển của chúng ta.
Xác định quan điểm
Dựa trên sự thấu hiểu chính mình thông qua các phương pháp nêu trong, việc tiếp theo của chúng ta là xác định quan điểm. Đây là bước cực kỳ quan trọng cho các giai đoạn sau, khi chúng ta tập trung tìm kiếm ý tưởng cho sự thay đổi của mình.
Tìm kiếm và lựa chọn ý tưởng
Để phục vụ cho việc tìm kiếm và lựa chọn ý tưởng, cuốn sách “Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống” gợi ý = nhiều kỹ thuật sáng tạo, chẳng hạn brainstorming (động não) và brainwriting (thảo luận viết) viết ra ý tưởng, sử dụng phép loại suy… để có được ý tưởng mới. Đây là những cách hiệu quả để có được những ý tưởng bứt phá.
Thiết kế, thử nghiệm và thực thi kế hoạch cuộc đời
Các trực quan hóa về kế hoạch cuộc đời có thể được sử dụng để thiết kế giải pháp dựa trên cơ sở ý tưởng đã chọn. Tuy nhiên, những ý tưởng này chỉ là giả thuyết cho đến khi chúng được đưa vào thực nghiệm. Kinh nghiệm thực tế là điều rất quan trọng khi cho phép ta nhận được phản hồi và cuối cùng, thiết kế lặp đi lặp lại một cuộc sống khiến chúng ta hạnh phúc hơn.
Phần 2: Những quyết định to lớn trong cuộc sống, trọng tâm là lập kế hoạch phát triển sự nghiệp của mỗi con người
Phần thứ hai đề cập đến những quyết định và thay đổi to lớn trong cuộc sống. Trọng tâm là lập kế hoạch chuyên môn và sự nghiệp – vẫn luôn là công việc chúng ta phải thường xuyên đối mặt, từ tuổi đi học đến lúc nghỉ hưu.
Những câu hỏi trọng tâm mà chương này chú trọng giải đáp gồm có:
- Kỹ năng và tài năng của tôi là gì?
- Tôi có thể áp dụng chúng ở đâu để mang lại lợi ích?
- Làm cách nào để tìm ra những gì tôi thích nhằm đưa ra lựa chọn phù hợp với quá trình học tập, nghề nghiệp, sự nghiệp?
- Làm cách nào để tôi chọn lựa giữa các phương án khác nhau?
- Làm thế nào để tôi chuẩn bị rời khỏi vùng an toàn của mình và bắt đầu thay đổi?
Để trả lời cho những câu hỏi này, các tác giả gợi ý chúng ta cần đi theo những bước sau:
Thiết kế con đường sự nghiệp
Mỗi người có một con đường sự nghiệp khác nhau và tất cả đều có khả năng đạt tới sự thành công khi bản thân cảm thấy hạnh phúc với những việc mình làm. Khi thiết kế con đường sự nghiệp, chúng ta cần học cách suy nghĩ mở và phá cách để tưởng tượng, suy ngẫm về nhiều kịch bản cuộc đời nhất có thể. Việc này giúp chúng ta có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan và khả năng thích ứng linh hoạt.
Đánh giá, thử nghiệm và thực thi các phương án
Việc thoát khỏi vùng an toàn của bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy vậy, việc này là cần thiết để khai phá tối đa tiềm năng của bản thân. Đặc biệt là khi chúng ta đã thiết kế được con đường sự nghiệp cho mình.
Câu hỏi để suy ngẫm về các phương án
Để giúp người đọc xác định được liệu bản thân đã sẵn sàng cho sự thay đổi hay chưa, cuốn sách cung cấp chuỗi các câu hỏi đánh giá. Nên nhớ, những thay đổi lớn lao đều đem lại tác động. Và để rời khỏi vòng lặp, chúng ta thường phải điều chỉnh triệt để cấu trúc, quy trình và quy tắc.
Đôi nét về các tác giả cuốn sách “Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống”
Cuốn sách “Tư duy thiết kế trong cuộc sống” được viết bởi bộ ba tác giả Michael Lerwick, Larry Leifer và Jean-Paul Thommen là những chuyên gia hàng đầu về tư duy thiết kế ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á.
Tiến sĩ Michael Lewis là một diễn giả nổi tiếng và đang giảng dạy tư duy thiết kế tại nhiều trường đại học khác nhau. Michael đồng thời là một nhà lãnh đạo tư tưởng trong việc áp dụng nhiều tư duy khác nhau để giải quyết các vấn đề cực kỳ khó khăn, đồng thời được công nhận ở cấp quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và quản lý sự thay đổi.
Tiến sĩ Jean-Paul Thommen là huấn luyện viên, nhà quản lý, phát triển sinh viên trong nhiều năm, và là người tạo dựng nền móng cho lĩnh vực Coaching (Tạm dịch: Huấn luyện). Ông là giáo sư đại học, giảng dạy về lĩnh vực lãnh đạo, phát triển tổ chức và đạo đức kinh doanh, đồng thời phụ trách tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ về các chủ đề này.
Tiến sĩ Larry Leifer là một trong những người tiên phong có tầm ảnh hưởng lớn đến chủ đề tư duy thiết kế trên thế giới. Ông đã giới thiệu tư duy thiết kế trên toàn cầu và hướng dẫn nhiều công ty, những người thực hành đổi mới sáng tạo và các nhóm sinh viên trong việc tìm kiếm cơ hội thị trường mới. Bên cạnh đó, ông còn là một giáo sư về thiết kế kỹ thuật và là giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Thiết kế tại Stanford (CDR) và Chương trình nghiên cứu tư duy thiết kế Hasso Plattner tại Stanford.
– Trạm Đọc –