Content được cho là một nghề dễ tiếp cận. Tuy nhiên, để sống tốt và phát triển thì ngoài tư duy ngôn ngữ, người làm content còn phải đáp ứng được nhu cầu từ cả phía khách hàng và thương hiệu. Bằng cách trình bày độc đáo, kết hợp kiến thức lý thuyết và thực tiễn, cuốn “Hơi thở con Sen” cung cấp cho cả những người mới vào nghề hay đã có kinh nghiệm cái nhìn tổng quát và kiến thức quý giá để không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong ngành này.
“Chủ quán trà đá” kể chuyện làm content
Tác giả Phùng Thái Học là Founder của cộng đồng “Tâm Sự Con Sen”, một trong những cộng đồng chuyên môn lớn nhất trong lĩnh vực content với hơn 400 nghìn thành viên tính tới thời điểm ra mắt cuốn sách.
Đồng thời, anh cũng là Founder của TAT Academy – Trường Tiếng Anh Giao Tiếp Nội Trú học 1-1 với giáo viên bản ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Là CEO tại WOW Agency với 12 năm kinh nghiệm Digital Marketing và Content Marketing, anh đã tham gia tư vấn chiến lược vận hành Digital Marketing cho nhiều doanh nghiệp SME và là một trong những nhân vật có tiếng nhất trong cộng đồng sáng tạo nội dung tại Việt Nam.
Học nghề – Làm nghề “con sen”
“Hơi thở con sen” là đúc kết của hơn mười năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung của tác giả Phùng Thái Học. Cuốn sách như một tấm bản đồ cho hành trình vào nghề, chứa đựng nhiều bài học quý giá trên hành trình phát triển sự nghiệp của người làm content, giúp họ có hành trang cùng sự tự tin để tiến xa hơn nữa.
Cuốn sách được lên ý tưởng theo concept “hai nửa lộn ngược”, một nửa nói về ngành, nửa còn lại nói về con người. 2 nửa có 2 cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là đưa ra các hướng dẫn bài bản, cụ thể và dễ hiểu để cả dân chuyên và không chuyên đều có thể dễ dàng nắm bắt và áp dụng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa nhiều ví dụ, minh họa sống động, gần gũi và liên quan mật thiết đến thị trường Việt Nam, giúp độc giả trong nước dễ hình dung hơn về cách học và làm nghề.
Học nghề “Con sen”
Nửa đầu của cuốn sách mang tên “Học nghề” tập trung vào khía cạnh con người, viết về những tư duy Marketing mà một người làm Content cần biết. Hướng tới độc giả mới chập chững bước vào nghề, tác giả Phùng Thái Học dẫn dắt bạn đọc làm quen và học hỏi kiến thức nền tảng qua 7 chương sách, với 37 bài học quan trọng mà bất cứ một content writer nào cũng cần nắm rõ.
Vẽ hình mê cung – Thế giới content là vô cùng rộng lớn
Tám tiêu chí phân loại content là nội dung đầu tiên được đề cập, theo đó, content có thể được phân chia dựa theo: cấp độ công việc, định dạng, kênh, vai trò, phong cách, mục tiêu, ngành dọc và giai đoạn.
Theo tác giả, thế giới của content rất phức tạp và việc hiểu được 8 cách phân loại trên sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn đủ rộng, để từ đó bắt đầu hành trình một cách nhanh nhất. Ngoài ra, đây cũng là cách để họ tránh được cạm bẫy liên quan đến nhận thức, cản trở quá trình học hỏi và phát triển sau này.
Nhu cầu khách hàng và content có giá trị
Sự hình thành và phát triển nhu cầu của khách hàng có thể chia thành sáu cấp độ nhu cầu. Trong đó, có ba cấp độ được cho là đáng lưu tâm nhất bao gồm nhóm khách hàng chưa có nhu cầu (nhóm lạnh), khách hàng đang tìm kiếm giải pháp và nhóm khách hàng đang phân vẫn chưa đưa ra được quyết định do thiếu động lực hoặc niềm tin (nhóm khách hàng nóng). Nắm bắt nhu cầu khách hàng là bước đầu tiên và quan trọng bậc nhất trong việc sản xuất nội dung phù hợp.
Tiếp đó, để tạo ra content có giá trị, chúng ta cần phải tự đặt câu hỏi rằng: Liệu mình đang nói thứ mình có, hay là thứ mà người khác thực sự cần?
Lời giải cho câu hỏi trên có liên quan trực tiếp đến hai khía cạnh: tính năng và lợi ích. Trong khi “tính năng” gắn liền với sản phẩm thì “lợi ích” lại gắn với khách hàng và nhu cầu thực sự của họ.
Sáng tạo nội dung – Từ nghiên cứu đến thực hành
Theo tác giả, nền tảng của sáng tạo chính là sự hiểu biết về sản phẩm và khách hàng. Chính vì vậy, người làm content cần hiểu được phương pháp đào sâu, khai thác tất cả các thông của sản phẩm dưới đa dạng góc nhìn, đồng thời xác định phân khúc và nắm bắt tâm lý, chân dung khách hàng hiệu quả.
Trong chương gần cuối của cuốn sách, tác giả Phùng Thái Học giới thiệu đến độc giả mô hình AIDA, không quên đào sâu từ khái niệm, cách sử dụng đến các biến thể hiện tại của mô hình này. Khi bàn về vấn đề sáng tạo, anh đặt ra vấn đề cho 2 nguyên tắc chủ chốt: nguyên tắc tập trung và số lượng. Cùng với đó, các khía cạnh về tính thống nhất của Traffic và Content, hay phương pháp phân phối và đo lường hiệu quả cũng được đề cập.
Làm sao để sống tốt với nghề Content?
Phần còn lại của cuốn sách được lấy tựa đề “làm nghề” – dành riêng cho những “con sen” muốn theo đuổi lĩnh vực này. Phần sách gồm 6 chương chia theo 27 bài học sẽ là những trăn trở và khó khăn mà bất cứ ai từng làm trong lĩnh vực từng gặp phải.
Tầm quan trọng của content marketing và cách mà cách mọi thứ bắt đầu
Theo tác giả, dù không hề có một xuất phát bài bản, không hề có người dẫn dắt, nhưng bằng kỹ năng tự học, chúng ta vẫn có thể sống tốt với nghề. Bất cứ cơ hội nghề nghiệp nào cũng đáng quý, miễn là ta biết chắt chiu và tận dụng.
Dù muốn tiến xa ở bất cứ vị trí nào trong Digital Marketing, kiến thức content vẫn là thứ mà các bạn độc giả cần phải nắm chắc.
Định vị bản thân
Vì thế giới content quá rộng lớn, hành trình trở thành chuyên gia content là khá mơ hồ, xa xăm. Tuy vậy, lộ trình trở thành chuyên gia của một phần trong đó, được mô tả chi tiết trong chương tiếp theo của cuốn sách, thì rõ ràng hơn rất nhiều.
Theo đó, mỗi người nên chọn lấy một định vị cho bản thân, bằng cách phối hợp 8 tiêu chí phân loại content. Định vị này chính là mục tiêu để học và làm cho thật giỏi. Chọn được phân khúc hấp dẫn và phù hợp sẽ cho ta một sự khởi đầu tuyệt vời.
Tăng tốc về đích
Kiến thức được được phân loại thành 3 dạng: Kiến thức để làm thì lưu trữ cẩn thận, phục vụ việc tra cứu; kiến thức để tư duy thì đào sâu suy nghĩ, hiểu về bản chất, ghi nhớ lâu dài, kiến thức để chém gió thì chịu khó mang ra bàn luận để mở mang đầu óc. Để đào sâu, nắm bắt và ghi nhớ những kiến thức này, theo anh Thái Học, chia sẻ là phương pháp tốt nhất.
Trên thực tế, người làm nghề content có rất nhiều hướng pháp triển (lên marketing tổng thể, chuyển sang lĩnh vực khác, trở thành freelancer, tự mở kinh doanh, v.v). Để thực sự trở nên xuất sắc, ngoài kiến thức cơ bản, họ còn cần phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm mình tạo ra, chuyên nghiệp hoá các dịch vụ đi kèm và xây dựng thương hiệu cá nhân.