Bạn cứ tưởng mình đang “mua” hạnh phúc, nhưng thực ra bạn chỉ đang tích trữ thêm nhiều gánh nặng với đống đồ không cần thiết
Bạn đã bao giờ nhìn quanh ngôi nhà và thấy choáng ngợp trước số lượng đồ đạc mà mình có chưa? Hàng triệu người khác cũng đang làm nô lệ cho các cuộc chạy đua mua sắm, để rồi vẫn cảm thấy bất mãn như trước khi họ “rước” đồ về nhà.
Nhưng mọi thứ đang bắt đầu thay đổi. Có một phong trào mới chống lại văn hóa tiêu dùng vô tâm, nhằm hướng chúng ta đến một cuộc sống trọn vẹn hơn: chủ nghĩa tối giản. Mục đích của nó là giúp bạn loại bỏ những đồ đạc không cần thiết, để dành sức lực cho những việc quan trọng nhất.
Tác giả của cuốn sách “Sống Tối Giản”, Joshua Becker “giác ngộ” khi anh quyết định dọn dẹp đống lộn xộn trong gara của mình. Công việc lẽ ra chỉ mất vài phút, nhưng nó lại tiêu tốn của anh cả vài giờ vất vả. Khi đang phân loại, anh nghĩ về những lần cố gắng sắp xếp của mình trước đây. Tại sao mỗi khi dọn xong anh lại cảm thấy chán nản đến vậy? Tại sao dọn mãi mà không bao giờ hết? Tại sao mua nhiều hơn, nhưng anh vẫn không hạnh phúc hơn?
Đang vật lộn với sự chán chường này, cô bạn hàng xóm bỗng ghé qua và kể rằng con gái cô vừa trở thành một người theo chủ nghĩa tối giản. Nó luôn nhắc nhở cô rằng chúng ta không cần tất cả những thứ mình sở hữu.
Đó là một sự bừng tỉnh. Anh đã ở đó, lãng phí thời gian phân loại những thứ không cần thiết thay vì đầu tư chúng cho gia đình! Sau khi nói chuyện với vợ, anh quyết định bắt đầu giảm số lượng đồ đạc mình sở hữu và lập ra Becoming Minimalist, một blog ghi lại lối sống mới của anh. Chính những bài học sâu sắc trong hơn 10 năm tập sống khác đã tạo ra cuốn sách đầy thú vị này.
Nhưng chúng ta nên bắt đầu từ đâu. Đúng là con đường dẫn đến chủ nghĩa tối giản không hề dễ dàng. Tuy nhiên, có một số chiến lược có thể giúp bạn đạt được điều đó. Cách tốt nhất để bắt đầu cuộc hành trình là làm rõ lý do tại sao bạn muốn đến đích ngay từ đầu. Nói cách khác, chủ nghĩa tối giản có thể mang lại cho bạn điều gì?
Tác giả đưa ra rất nhiều lợi ích. Có lẽ bỏ bớt tiền mua quần áo sẽ giúp bạn đỡ “cháy túi” vào cuối tháng. Hoặc tiết kiệm 20% lương sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu “về hưu sớm” mà mình hằng mơ ước. Điều quan trọng là bạn phải tự hỏi bản thân câu hỏi này bởi vì chủ nghĩa tối giản không chỉ là việc dọn đồ: Nó là sự tập trung vào những thứ thực sự có ý nghĩa trong đời.
Bước tiếp theo là hãy chia đồ đạc của bạn thành các loại khác nhau. Bắt đầu bằng cách xác định những thứ dễ “chia tay” nhất. Những quyết định khó khăn về các đồ vật có giá trị tình cảm có thể chờ đợi được. Đó chính xác là những gì Joshua đã làm.
Sau khi quyết định sống tối giản, anh ấy bắt đầu xử lý chiếc xe của mình. Nó chứa đầy những thứ lộn xộn, vô dụng như đĩa CD cũ, đồ chơi và kính râm không đeo – chính xác là những thứ dễ dàng giải quyết mà không phải quá đau lòng. Chẳng bao lâu sau chiếc xe của anh đã vô cùng gọn gàng, chỉ còn lại những thứ thực sự cần thiết.
Sau khi bạn đã bỏ đi những đồ đạc kém ý nghĩa nhất, bây giờ đến phần khó khăn: xử lý những đồ có giá trị tình cảm. Lo lắng hay hối hận về việc bỏ đi những kỷ vật quý giá là cảm giác bình thường. Do đó, cách tốt nhất là bạn hãy “vứt đồ” một cách có hệ thống.
Trước hết, hãy xem lại các đồ vật “thương mến” của bạn và quyết định cái nào là quan trọng nhất. Một điều mà nhiều “môn đồ” hay hỏi tác giả là họ nên làm gì với những cuốn sách của mình. Ý nghĩ đánh mất cả thư viện bạn đã xây dựng trong nhiều năm thật là đau buồn. Chẳng phải mỗi cuốn đều nói lên một câu chuyện về cuộc đời bạn hay sao?
Ồ không. Sách không xác định bạn là ai. Mọi người thường giữ chúng vì đủ loại lý do không liên quan, như họ muốn khoe đống sách hay đơn giản chỉ là “tiếc của”. Nhưng điều đó sẽ không làm bạn hạnh phúc. Vì vậy, hãy giữ những tác phẩm tuyệt đối yêu thích của bạn và cho đi phần còn lại. Hành động tử tế đó thực sự sẽ mang lại ý nghĩa cho bạn.
Nếu bạn vẫn còn nuối tiếc, hãy thử sống thiếu nó một thời gian. Khi Courtney Carver được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng, cô bắt đầu tìm cách cắt bỏ những nguồn căng thẳng để ngăn tình trạng bệnh tiến triển. Cô nhận ra rằng đống đồ được tích lũy trong nhiều năm là một tác nhân chính. Thế là cô ấy bắt đầu thử nghiệm.
Cô thử loại bỏ nhiều đồ vật khác nhau khỏi nhà trong vài tháng. Sau đó, nếu cô ấy không nhớ chúng, chúng có thể đi. Cô cũng áp dụng nguyên tắc này vào tủ quần áo của mình, tung ra một dự án 333. Cô thử chọn 33 món quần áo và cất vào tủ trong ba tháng. Khi nhận ra rằng mình không lưu luyến chúng như cô tưởng, cô sẽ đem hết số đồ đó đi quyên góp.
Hàng trăm nghìn người đã sử dụng các loại chiến lược này và nhận ra rằng họ có thể sống trong một ngôi nhà gọn gàng, mà không phải hy sinh mọi thứ mà mình yêu mến.
Nói tóm lại, “Sống Tối Giản” là một liều thuốc vô cùng kịp thời cho cơn nghiện mua sắm ngày nay. Bạn cứ tưởng mình đang “mua” hạnh phúc, nhưng thực ra bạn chỉ đang tích trữ thêm nhiều gánh nặng với đống đồ không cần thiết. Tuy nhiên, giải phóng đồ đạc không chỉ giúp tạo thêm không gian trong tủ quần áo, phòng ngủ, hay gara. Nó là việc chuyển hướng thời gian, năng lượng và tiền bạc của chúng ta đến những thứ thực sự khiến cuộc đời này đáng sống.
Nhập mã TIKITDT9 giảm thêm 5% khi mua sách do “Sống Tối Giản” do Tiki Trading phân phối: http://bit.ly/songtoigian-tk. Thời hạn sử dụng: đến hết ngày 31/10/2020. Số lượng mã giảm giá có hạn.
Trạm Đọc tổng hợp | Nguồn ảnh sưu tầm