Khi nhận được bộ 3 cuốn “Quốc Gia Khởi Nghiệp”; “Nghĩ giàu làm giàu”; “Khuyến học” do CHỦ TỊCH VŨ trao tặng, ấn tượng đầu tiên với tôi là câu khẳng định ngay trang 01 “Nước khác làm được thì ta làm được” trong “Quốc gia khởi nghiệp”! Câu nói khiến tôi mường tượng đến câu thơ của Chế Lan Viên, trích trong “Người đi tìm hình của nước”
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con !”
Tuổi trẻ, ai cũng có những hoài bão, những mơ ước sẽ làm được điều gì đó cho chính mình, đóng góp được điều gì đó cho gia đình, xã hội. Nhưng khi “theo đời cơm áo” (*) cùng năm dài tháng rộng, những hoài bão, những khát vọng ấy dần bị lãng quên, cho tới một ngày nó được khơi lên bởi đọc được một số cuốn sách hay, có thể làm thay đổi đời người…
Tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi đọc “Quốc gia khởi nghiệp”! Đất nước Israel – từ trước tới giờ tôi mường tượng về nó là nơi chỉ có bạo loạn, chiến tranh, hoang mạc và những đứa trẻ lớn lên với súng ống, bom đạn.. Vậy nhưng Quốc Gia Khởi Nghiệp đã thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ ấy và dẫn dắt tôi đến với nhiều hệ tư tưởng rất tiến bộ ở một quốc gia tiến bộ! Là một đất nước được gọi là “con nhà nghèo” – nghèo từ tài nguyên, địa lý, thổ nhưỡng cho đến trị an, quốc phòng, chưa kể các mối xung đột về tôn giáo và chủng tộc xảy ra liên miên. Vậy nhưng nhờ tinh thần Chiến binh – tinh thần Sáng tạo có trách nhiệm mà Israel có nền nông nghiệp tiên tiến, phát triển hàng đầu thế giới; trở thành đầu não R&D của các công ty công nghệ toàn cầu như Google, Intel, Microsoft… Khi đọc Quốc gia khởi nghiệp, tôi nhớ đến những lý tưởng, những khát vọng, những hoài bão đã từng có của mình và cũng suy tư câu hỏi “Tại sao họ làm được mà mình không làm được?”.
Quốc gia khởi nghiệp sẽ khiến rất nhiều thứ trong cuộc sống của tôi thay đổi nếu như áp dụng được. Ví dụ như việc “Khi một người làm hỏng việc, điều anh ta cần làm là trình bày cho mọi người biết anh đã rút ra được gì từ những sai lầm đó… Họ học hỏi từ sai lầm của mình và sai lầm của người khác” – Trích chương 5.
Có một điều khiến tôi rất ngạc nhiên, rất nhiều tư tưởng giữa “Khuyến học” và “Quốc gia khởi nghiệp” rất giống nhau!
“Hoài nghi và tranh luận – đó là hội chứng của nền văn minh Do Thái và là hội chứng của người Israel hiện nay” – Trích chương 5, Quốc gia khởi nghiệp! Còn Fukuzawa Yukichi thì cho rằng “Việc tìm kiếm chân lý thường bắt đầu từ sự hoài nghi” – Trích chương 15, Khuyến học. Hai cuốn sách như làm nền tảng cho những tư tưởng, những suy nghĩ mới mẻ về những giấc mơ vĩ đại có thật! Bởi vì nhờ nó mà đã có những Quốc gia vĩ đại !
Tôi mường tượng ra như thế nhưng cũng chưa biết nên bắt đầu thế nào thì “Nghĩ giàu làm giàu” – Napoleon Hill giúp tôi biết, tôi nên làm gì!
Cuốn sách này giúp tôi có một nền tảng về tư duy để “action”, biến những điều mình mường tượng, trăn trở thành những điều gần gũi, cụ thể, với những hướng dẫn rất rõ ràng. Rằng: “Vàng được khai thác từ trong tư tưởng con người nhiều hơn vạn lần so với số vàng được khai thác từ lòng đất” – trích chương 9; hay “đừng bao giờ lo lắng rằng khó khăn sẽ đến với mình, và dù nó có trở thành một thực tế hiện nhiên thì cũng không được phép nản lòng”! – trích chương 11.
Những câu nói này như một chân lý, tiếp thêm cho tôi động lực, khi tôi gặp khó khăn trong công việc. Tôi biết điểm yếu của mình là không giỏi làm các kế hoạch cụ thể cho nên thường mất tự tin khi được cấp trên giao cho việc lập kế hoạch. Nhưng một chút động lực, một chút cố gắng, tôi biết mình sẽ làm được. Bởi vì “hãy chứng minh cho thế giới thấy điều bạn đang muốn làm, nhưng trước hết hãy chỉ ra cụ thể bạn đang muốn làm gì đã” – trích chương 5.
Có câu danh ngôn cho rằng: “Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay” – Tôi thấy điều này rất đúng khi CHỦ TỊCH đã gieo vào lòng bao thế hệ thanh niên như tôi những hoài vọng, mơ ước, từ thông điệp của những cuốn sách mà CHỦ TỊCH lựa chọn và trao tặng!
(*) Ý từ nhạc Trịnh Công Sơn!
Huyền Hoàng – Gia Lai