(HNMCT) – Paris – Hà Nội, Paris – Sài Gòn, Hà Nội – Paris, những chuyến bay đi – về giữa Đông – Tây của tác giả Nuage Rose (Bùi Thị Hồng Vân) trong 120 ngày chứng kiến và trải nghiệm diễn biến dịch Covid-19 ở cả Việt Nam và Pháp. Sau một độ lùi thời gian, chị đã chọn viết một phần ký ức không quên về “thời Covid” trong cuốn sách mới được ra mắt: “120 ngày mây thì thầm với gió”.
Sẽ thật khó nếu phải gọi tên thể loại cho cuốn sách “120 ngày mây thì thầm với gió”. Đó vừa là những trang nhật ký, ghi chép rõ tháng ngày, nhân vật, sự kiện xen lẫn cảm xúc, suy nghĩ cá nhân, vừa là áng văn chương với những ngắt nhịp, gieo vần thơ ca, nhưng cũng là thiên phóng sự đầy kịch tính và là cuốn tài liệu với những ghi chú, thống kê liên quan đến dịch Covid-19 mà độc giả, nếu muốn tra cứu, có thể quét mã QR ở cuối trang sách để truy cập các đường link đã được tác giả nhắc đến.
Lấy bối cảnh từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2020, câu chuyện của Nuage Rose được tái hiện thành các tuyến di chuyển song song giữa Việt Nam và Pháp, giữa tiếng còi xe cứu thương cứu hỏa và những phản chiếu của tâm hồn, giữa những nỗi niềm dành cho nơi mình sinh ra, lớn lên và nơi đã chở che mình trưởng thành… Từ cảm xúc của một người trải qua chuỗi tháng ngày cách ly ở Việt Nam, chứng kiến hành trình của chiếc khẩu trang từ chỗ bị coi thường trở thành món quà vô giá ở Pháp, và cả khi “một mình trong lặng lẽ, sốt, đau” bởi đã bị lây nhiễm…, “120 ngày mây thì thầm với gió” được viết một cách chân thực, đầy bất ngờ và hết sức xúc động.
Theo nhà văn, nhà báo Dương Thành Truyền, “120 ngày mây thì thầm với gió” là “một câu chuyện được kể trong khung quy chiếu ba chiều”.
Chiều dọc, là dòng thời gian, tính đúng 120 ngày, như chiếc đồng hồ cổ chạy theo quả lắc gõ từng nhịp qua lại giữa sự sống và cái chết, giữa được và mất, giữa đi và về.
Chiều rộng, là khoảng cách không gian Paris – Hà Nội, nối taxi – sân bay với khoang máy bay, nối căn phòng – ban công với phía ngoài ô cửa, nối máy tính – điện thoại với tin tức thời sự hằng ngày, nối xe cứu hỏa – bệnh viện với khu cách ly tập trung, nối khẩu trang – quần áo bảo hộ với những hoạt động phòng chống dịch, nối gia đình – quê hương với niềm tin vào đất nước.
Và chiều sâu, là cuộc gọi tên không ngừng những cảm xúc hôm nay, những ám ảnh hôm qua của một người đang lắng nghe từng thớ thịt, từng ô phổi, từng hạt máu của cơ thể mình, đang lắng nghe sợi nhớ sợi thương, từng tiếng nấc của ký ức mình, đang lắng nghe từng cơn sóng, từng cơn bão, từng cơn địa chấn diễn ra trước mắt mình.
“120 ngày mây thì thầm với gió” do NXB Trẻ ấn hành.
Theo Báo hanoimoi