Baoquocte.vn. Với mục đích giới thiệu triết học khắc kỷ cho các độc giả mới làm quen, Công ty sách Nhã Nam đã phát hành cuốn sách Thuyết khắc kỷ của Tiến sĩ John Sellars.
Bất kỳ ai cũng đã từng băn khoăn và trăn trở về cách phân biệt đúng sai, sinh mệnh có ý nghĩa gì và rằng hạnh phúc đang nằm ở nơi đâu. Bằng việc bước chân vào thế giới quan của các nhà khắc kỷ, bước vào hành trình suy tư chiêm nghiệm, độc giả có thể tự tìm cho mình câu trả lời xác đáng.
Đóng vai trò là một cuốn sách dẫn nhập cho người mới về thuyết khắc kỷ, Tiến sĩ John Sellars đã trao cho độc giả một chiếc chìa khóa mở ra tiềm năng dẫn tới hạnh phúc nơi tâm tưởng của mỗi người.
Khắc kỷ là khổ hạnh?
Thuyết khắc kỷ được chia thành 6 chương, dẫn dắt độc giả nhập môn tìm hiểu từ hệ thống các triết gia khắc kỷ cổ đại, tới giới thiệu quan niệm triết học của các tác giả này cùng với các kiến giải dễ hiểu về các học thuyết triết học của phái khắc kỷ. Độc giả cũng sẽ được biết đến những ảnh hưởng sâu sắc của thuyết khắc kỷ đến triết học phương Tây sau này.
Chương 1 à phần dẫn nhập nhằm giới thiệu chủ nghĩa khắc kỷ cho tất cả độc giả dù chưa có bất kỳ kiến thức nào về triết học cổ đại hay triết học nói chung. Tại đây, tác giả đã dành nhiều thời gian để giải thích Thuyết khắc kỷ là gì?, sức hấp dẫn của thuyết khắc kỷ tới từ đâu và điểm mặt những triết gia khắc kỷ nổi bật từ sơ kỳ tới hậu kỳ.
Đặc biệt, tác giả khẳng định, triết học khắc kỷ không đơn thuần là các tuyên bố triết học về bản tính của thế giới hay những điều phải trái đúng sai mà trên hết đây là một thái độ, một lối sống.
Để tiếp tục khai mở cho độc giả, chương 2 tập trung xem xét quan niệm triết học của các triết gia khắc kỷ vĩ đại nhất và cách họ cấu trúc hệ thống triết học của mình.
Ở đó, tác giả khẳng định, cốt lõi của triết học khắc kỷ là lý tưởng về nhà hiền triết khắc kỷ, được mô tả là một người làm chủ được nghệ thuật sống và do đó luôn hành động đúng đắn trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Khi làm chủ nghệ thuật sống, nhà hiền triết sẽ hoàn toàn thoát ly khỏi những căn bệnh của linh hồn.
Chương 3, 4 và 5 đưa ra những cách giải thích về các học thuyết Triết học của phái khắc kỷ được sắp xếp theo sự phân chia diễn ngôn triết học khắc kỷ thành ba bộ phận: logic học, vật lý học và đạo đức học.
Thuyết khắc kỷ vẫn tồn tại như là một phong trào triết học về cách sống trong thế giới cổ đại khoảng 500 năm. Nhưng tác động của nó không dừng lại ở đấy.
Kể từ độ thuyết khắc kỷ bị suy tàn trong khoảng thế kỷ III, các ý niệm và văn bản của khắc kỷ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng. Chương 6 trình bày sơ lược về tác động sau này của thuyết khắc kỷ đến các triết gia sau này.
Chìa khóa cho hạnh phúc
Có thể thấy rằng, có tương đối ít triết gia cổ đại tự xưng mình là một nhà khắc kỷ với những người đương thời. Tuy vậy, thuyết khắc kỷ đã có một ảnh hưởng lan tỏa và rộng khắp tới tư tưởng phương Tây.
Nó trở thành nền tảng trí tuệ cho rất nhiều nhân vật chủ chốt như Augustine, Abelard, Erasmus và Montaigne; thâm nhập vào các cuộc thảo luận triết học của thế ký XVII và góp phần vào sự phát triển của triết học hiện đại sơ kỳ.
Cùng với đó, các tác gia khắc kỷ như Seneca và Epictetus tiếp tục thu hút những độc giả mới và các chi tiết của lý thuyết đạo đức học khắc kỷ ngày càng được chú ý trong các thảo luận triết học đương đại.
Tóm lại, chủ nghĩa khắc kỷ không chỉ là một chủ nghĩa của sự hà khắc và khổ hạnh. Đây là một lối sống tích cực, ở đó hầu như mọi bất hạnh trên đời đều bắt nguồn từ việc ta nghĩ rằng mình có thể kiểm soát được mọi thứ, trong khi thực ra ta đã đặt lầm hạnh phúc của mình vào những thứ ta không kiểm soát được.
Vậy nên chiếc chìa khóa cho hạnh phúc không nằm ở đâu khác mà nằm trong chính tư tưởng của ta, chỉ cần ta có thể phân biệt đúng đắn những gì “thuộc về ta” và “không thuộc về ta”.
Tiến sĩ John Sellars giảng dạy triết học tại Đại học Royal Holloway, Anh Quốc. Các công trình nghiên cứu của ông tập trung vào lịch sử Triết học, chủ yếu là Triết học cổ đại và những ảnh hưởng sau này của nó.
Ông đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu về thuyết khắc kỷ, với những tác phẩm chính như: The Art of Living: The Stoics on the Nature and Function of Philosophy, Lessons in Stoicism, The Fourfold Remedy: Epicurus and the Art of Happiness…
Theo Báo Quốc tế