Giai đoạn chuyển giao giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20 cũng đồng thời là một bước thay đổi quan trọng trong chế độ thuộc địa của Pháp tại Đông Dương. Đây là thời điểm quá trình xâm chiếm thuộc địa bắt đầu từ năm 1858 kết thúc, người Pháp thực hiện việc chuyển giao quyền lực từ chế độ quân quản sang chính quyển dân sự qua thành lập Liên bang Đông Dương (1887) để hướng tới khai thác thuộc địa.
Tuy nhiên, mười năm đầu tiên của định chế dân sự này thể hiện rõ sự bất ổn với 12 toàn quyền cả chính thức lẫn tạm quyền nối nhau chỉ từ tháng 11/1887 đến tháng 2/1897, cùng bộ máy chính quyền chưa định hình rõ ràng và tình hình kinh tế, tài chính thảm hại, thường xuyên phải nhờ tới chính quốc cung cấp kinh phí bổ sung. Để trở thành một thuộc địa ổn định, có tiềm năng mang lại lợi ích cho nước Pháp, rõ ràng cần tới một sự thay đổi lớn lao tại Đông Dương.
Và Paul Doumer, vị toàn quyền đầu tiên và hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất, hoàn tất trọn vẹn một nhiệm kỳ 5 năm tại Đông Dương, đã đặt được nền móng cho sự thay đổi được kỳ vọng ở nước Pháp nhưng không mấy người dám hy vọng có thể trở thành hiện thực đó. Paul Doumer đã để lại khi hết nhiệm kỳ một Đông Dương có hệ thống chính quyền được thiết lập tương đối hoàn chỉnh, hệ thống về cơ bản sẽ tiếp tục vận hành trơn tru tới năm 1945. Ông cũng đã đặt nền móng cho sự phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Dương, nhất là hạ tầng giao thông, cũng như khoa học, giáo dục v.v.
Nếu như Đông Dương đã chuyển mình đáng kinh ngạc trong nhiệm kỳ toàn quyền của Doumer, thì ở chiều ngược lại, nhiệm kỳ này cũng là vốn liếng chính trị rất có sức nặng của Doumer để ông có vị trí vững chắc hơn trên chính trường Pháp. Cũng chính vì ý thức được điều này nên Doumer, một chính khách sắc sảo và thấu hiểu sức mạnh của quảng bá công chúng, đã viết cuốn ký sự “Xứ Đông Dương” ngay khi hết nhiệm kỳ quay về chính quốc để giới thiệu cho công chúng Pháp biết đến xứ thuộc địa còn xa lạ nhưng đầy hứa hẹn này, đồng thời phản bác lại những chỉ trích nhằm vào mình.
Cuốn ký sự đậm màu sắc tự truyện này là một tư liệu thú vị từ góc nhìn của người trong cuộc cho những ai quan tâm tìm hiểu về tình hình Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm tháng bản lề đó, đầy ắp những biến cố có ảnh hưởng lâu dài đến tận ngày nay tại Việt Nam.
Tuy nhiên, như bất cứ tác phẩm tự truyện nào khác, cuốn ký sự được viết không lâu sau khi nhiệm kỳ toàn quyền của Doumer kết thúc, nên chưa thể cung cấp cái nhìn toàn diện về tác động của những gì Doumer đã làm, nhất là những khía cạnh tiêu cực, những ảnh hưởng dài hạn. Cái nhìn toàn diện như vậy chỉ có thể tìm được qua một nghiên cứu khoa học tham khảo nhiều góc nhìn, cả ủng hộ lẫn phản đối, và được thực hiện đủ muộn sau các biến cố để sự hồi cứu cho phép đánh giá đúng, sai, tiêu cực, tích cực một cách khách quan sau thử thách của thời gian.
Trong trường hợp của Paul Doumer, đáng tiếc là cho tới nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về nhân vật này, dù rằng vị trí của ông trên bức tranh chính trị Pháp trong thời kỳ đệ tam cộng hòa là không thể chối cãi (Một nghiên cứu ước tính có tới 25000 đường phố trên khắp nước Pháp mang tên của Paul Doumer!!!).
Năm 2004, Amaury Lorin cho xuất bản cuốn sách “Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902): bàn đạp thuộc địa” (Paul Doumer, gouverneur général de l’Indochine (1897-1902): le tremplin colonial), nằm trong tủ sách Nghiên cứu châu Á. Đây là một trong những công trình nghiên cứu chuyên sâu về giai đoạn thuộc địa của nước Pháp, một giai đoạn nhạy cảm với nhiều khoảng tối liên quan tới chủ nghĩa thực dân.
Với tinh thần khoa học nghiêm túc, A.Lorin đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu phong phú: tài liệu lưu trữ của Phủ Toàn quyền Đông Dương, tài liệu lưu trữ của Bộ Thuộc địa cũng như tham khảo báo chí địa phương (Đông Dương) và chính quốc (Pháp) đương thời. Nhờ nguồn tư liệu ấy, cộng với phong cách phân tích, tổng hợp chặt chẽ, A.Lorin đã tái tạo được một bức tranh sống động, toàn diện về giai đoạn Paul Doumer giữ chức toàn quyền Đông Dương.
Đó không chỉ là việc thiết lập các tổ chức, định chế cho hệ thống chính quyền thuộc địa mà còn là mối quan hệ rắc rối giữa chính quyền Đông Dương với chính quốc, nhất là với Bộ Thuộc địa và Bộ Ngoại giao Pháp, hai bộ “đồng chủ quản” các thuộc địa ở các khía cạnh khác nhau nhưng lại thường xuyên xung đột, cạnh tranh ảnh hưởng. Nghiên cứu của Lori đã cho thấy một Doumer vừa cương quyết vừa linh hoạt trong việc tranh thủ tối đa huy động nguồn lực cần thiết từ chính quốc (nhất là tài chính) cho việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Dương, đồng thời cũng phát huy tối đa nội lực của Đông Dương để giúp chính quyền của thuộc địa duy trì sự độc lập, chủ động trong quyết sách.
Kết quả là một Đông Dương ngày càng tạo được tín nhiệm về mặt tín dụng cho việc huy động vốn từ chính quốc, đồng thời cũng ngày càng chủ động về ngân sách, và đáng kể nhất là chuyển mình ngoạn mục từ thâm hụt ngân sách liên miên sang lần đầu tiên có thặng dư ngân sách. Đây chỉ là một trong nhiều khía cạnh của hoạt động đa dạng như các mảnh kính vạn hoa đủ màu sắc của vị toàn quyền trẻ tuổi nhất của Đông Dương cho tới thời điểm đó, có lẽ cũng là dấu ấn quan trọng nhất Doumer để lại làm nền tảng cho các đồng nhiệm kế tiếp.
Tuy nhiên, Lori, với tác phong khoa học chân thực, đã không ngần ngại đề cập thẳng thắn đến những mặt trái trong các quyết sách của Doumer, đặc biệt là trong chính sách thuế khóa nặng nề (vốn lại trở nên càng hà khắc hơn bởi sự lạm dụng quyền lực của hệ thống quan liêu các cấp, cho tới tận hào lý ở địa phương) đã trở thành một trong những nguyên nhân thổi bùng lên sự bất bình không thể dung hòa của người dân bản xứ, gốc rễ sâu xa làm rạn nứt chể độ thuộc địa Pháp tại Đông Dương.
Mọi công cuộc lớn từng được thực hiện trong lịch sử loài người đều là thành quả của những con người đầy khiếm khuyết. Paul Doumer, trong cái nhìn khách quan, khoa học của Lori, cũng không ngoại lệ. Những kết quả, vai trò của ông trong quá trình thực dân hóa và khai thác thuộc địa ở Đông Dương đã và hẳn sẽ còn gây nhiều tranh cãi, tạo ra nhiều đánh giá khác nhau tùy thuộc vào góc độ, vị trí của mổi người quan sát, vào việc những kết quả, vai trò đó đem tới tác động tiêu cực, hay tích cực cho ai.
Song có một điều không thể chối cãi, đó là nhiệm kỳ Toàn quyền tại Đông Dương của Paul Doumer chính là bàn đạp tạo nên cú bật cho cả sự phát triển của chế độ thuộc địa Pháp tại đây cũng như cho sự nghiệp chính trị của vị toàn quyền sau này. Chính Paul Doumer cũng đã không giấu diếm thể hiện thẳng thắn kỳ vọng đó trong ký sự “Xứ Đông Dương” của mình. Song tất nhiên bản thân Doumer cũng không thể lường hết những tác động thực tế, nhất là dài hạn, mà “bàn đạp” ông đã tạo dựng đem đến cho Đông Dương và cho chính mình.
Đây chính là nơi “Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902): bàn đạp thuộc địa” bổ sung như một phần hậu truyện cho những ai còn băn khoăn muốn tìm hiểu thêm sau khi đã đọc qua cuốn ký sự “Xứ Đông Dương” của Paul Doumer. Việc cuốn sách của A. Lorin được dịch và công bố tại Việt Nam là cơ hội tuyệt vời để các độc giả quan tâm tới lịch sử nước nhà có dịp tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về một thời kỳ, một nhân vật đã để lại nhiều ảnh hưởng lâu dài tới giai đoạn sau của tiến trình lịch sử tại Việt Nam.
Độc giả quan tâm có thể đặt mua cuốn sách Paul Doumer- Toàn quyền Đông Dương (1897-1902) tại ĐÂY. Hãy nhập mã “doccungtram” vào phần ghi chú để được giảm giá thêm 10% nhé bạn.
Lê Đình Chi