Đi qua đêm trường Trung Cổ, Châu u tiến vào giai đoạn vàng son nhất về nghệ thuật mà thế giới từng chứng kiến – thời kỳ Phục Hưng. Trong thời kỳ đó, Michelangelo nổi lên như bức tượng đài vĩ đại nhất với những thành tựu không thể đong đếm được.
Cuộc đời của Michelangelo Buonarroti (1475–1564), điêu khắc gia, họa sĩ, kiến trúc sư và thi sĩ, đem đến một cuộc khám phá quan trọng về một thời kỳ độc đáo trong lịch sử nghệ thuật – Thịnh Phục Hưng ở Ý. Chúng ta biết được nhiều điều về thời kỳ này qua con người nghệ sĩ Michelangelo và khối lượng công việc đáng kể của ông. Chúng ta biết thêm về bản thân con người Michelangelo qua những gì ông tiết lộ trong các lá thư viết cho gia đình, bạn bè và các nhà bảo trợ. Ngoài ra, thơ ông cho ta một cái nhìn sâu sắc về những suy nghĩ thầm kín của một con người vĩ đại. Hơn 300 bài thơ còn sót lại. Chúng ta được biết Michelangelo tôn kính thi sĩ người Florence Dante Alighieri (1265–1321), và một số bài sonnet của chính ông, cũng như bức bích họa đầy kịch tính Ngày phán xử cuối cùng (Last Judgement; 1536–1541) của ông trong Nhà nguyện Sistine, đều được truyền cảm hứng từ văn xuôi của Dante.
Và nhiều sự thật chưa từng tiết lộ về Michelangelo đang chờ bạn khám phá qua cuốn sách “Michelangelo: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh” của tác giả Rosalind Ormiston. Nhờ đâu mà tính cách “khó gần” cùng nhiều yêu cầu đòi hỏi của ông vẫn mang lại những đơn đặt hàng? Tại sao nhờ có Michelangelo mà vị thế của giới nghệ sĩ lại được nâng lên một tầm mới? Vì lý do gì mà Michelangelo là người nghệ sĩ phương Tây đầu tiên có tiểu sử được xuất bản khi còn sống dẫu cho vẫn tồn tại những vĩ nhân khác trước và cùng thời với ông? Tất cả sẽ được trả lời trong cuốn sách này!
“Michelangelo: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh” là công trình nghiên cứu đồ sộ và toàn diện nhất bằng hình ảnh về Michelangelo, được giới thiệu và dẫn dắt một cách sinh động trong sách với kết cấu đan xen diễn giải và tranh ảnh màu phong phú. Cuốn sách gồm 2 phần chính, khám phá di sản và ảnh hưởng to lớn của Michelangelo đối với các lĩnh vực đa dạng như nghệ thuật, điêu khắc, văn thơ,…
Phần 1: Michelangelo – Cuộc đời và thời đại:
Bối cảnh gia đình khi Michelangelo được sinh ra cùng những chuyển biến trong xã hội và chính trị Ý khi lớn lên đã định hình tính cách và sự nghiệp của ông, khiến ông hiểu rõ rằng mong muốn của bản thân là trở thành một nhà điêu khắc. Một trong những dấu mốc lớn tạo cơ hội và thúc đẩy tài năng của ông chính là khi được đến nhà Medici, trở thành một thành viên của gia tộc này dưới sự bảo trợ của Lorenzo Vĩ Đại.
Danh tiếng của ông với tư cách một điêu khắc gia, họa sĩ và kiến trúc sư được củng cố ở Florence và Rome. Cuộc sống thời trẻ của ông tại triều đại Florence của gia tộc Medici đã cho ông quen biết các vương công và giáo hoàng tương lai, và cho ông biết về Chủ nghĩa Nhân văn và Chủ nghĩa Tân Plato. Những kiến thức này, kết hợp với các niềm tin Cơ Đốc giáo của mình, có ảnh hưởng đến công việc của ông. Tài năng điêu khắc của Michelangelo được công nhận khi ông tạo ra bức tượng cẩm thạch Đức Mẹ Sầu bi (1498–1500) tuyệt đẹp tại Rome và bức tượng khổng lồ David (1501–1504) tại Florence. Các bức bích họa của ông trên vòm trần của Nhà nguyện Sistine ở Vatican (1508–1512) đã khẳng định tài năng đặc biệt của ông. Ông được ca ngợi là thiên tài, một vinh dự mà ông rất xứng đáng được nhận.
Phần 2: Bộ sưu tập hình ảnh:
Nhiều mối quan hệ mới của ông được hình thành, ông cũng tiếp nhận nền giáo dục với chủ nghĩa Nhân văn và tư tưởng Tân Plato. Và chính những mối quan hệ này, cùng với tài năng không thể phủ nhận của ông, trong suốt cuộc đời đã mang lại vô số đơn đặt hàng từ nhiều gia tộc đứng đầu các thành bang và các giáo hoàng, với những tác phẩm để đời nâng địa vị của điêu khắc gia nói riêng, và của giới nghệ sĩ nói chung lên một vị thế quan trọng trong xã hội Phục Hưng Ý.
Bộ sưu tập hình ảnh được chia thành bốn phần: điêu khắc, hội họa, kiến trúc và các hình họa. Việc xem xét kỹ càng từng nhánh làm nổi bật những kỹ năng nghệ thuật độc đáo, được xác định rõ ràng trong một con người vô cùng tài năng, đầy tham vọng. Từ một khởi đầu vững vàng, ông đã tạo ra một tác phẩm điêu khắc đứng độc lập bậc thầy, Đức Mẹ Sầu bi, và bức tượng cẩm thạch khổng lồ David, nhưng đặt hàng điêu khắc vào năm 1505 của ông, để làm lăng mộ cẩm thạch rộng lớn cho Giáo hoàng Julius II, bị trì hoãn khi Giáo hoàng truyền lệnh cho ông trang trí vòm trần rộng lớn của Nhà nguyện Sistine vào năm 1508. Sự thích nghi với việc vẽ bích họa của Michelangelo cho thấy ông là bậc thầy đích thực của nghệ thuật hội họa. Vòm trần Sistine, ra mắt vào năm 1512, khẳng định thiên tài nghệ sĩ của ông. Từ sau cái chết của Julius II, vào năm 1513, số phận của Michelangelo nằm trong tay của các giáo hoàng tiếp theo, tất cả đều dùng ông để tạo ra các kiệt tác điêu khắc, hội họa, và trong những năm cuối đời ông là kiến trúc, để thỏa mãn sự vui thích của họ. Trong phần cuối của gallery hình ảnh, các hình họa của Michelangelo cung cấp thêm một góc nhìn khác, tiết lộ cách tiếp cận mang tính kinh tế, rõ ràng của ông trong việc thiết kế.
Cuốn sách “Michelangelo: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh” được minh họa tuyệt đẹp với các bức tranh, tác phẩm nổi tiếng của Michelangelo, cùng tranh ảnh tư liệu trong và sau thời đại mà ông sống. Tất cả đều được in màu rõ nét với chất lượng cao, giúp bạn đọc cảm nhận rõ nhất cái đẹp và dụng ý nghệ thuật mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Chứa đựng khối lượng thông tin lớn cùng kho tàng hình ảnh đồ sộ, nhưng mỗi cuốn sách vẫn rất thuận tiện cho việc tra cứu do cách phân bổ tư liệu hợp lý. Đây là cuốn sách thích hợp để tìm kiếm, tham khảo thông tin một cách linh hoạt và nhanh chóng.
VỀ TÁC GIẢ
Rosalind Ormiston là nhà lịch sử nghệ thuật và kiến trúc, và là tác giả của những cuốn sách về các nghệ sĩ bao gồm Leonardo da Vinci, Michelangelo Rembrandt, Vincent Van Gogh, Paul Gauguin, Egon Schiele, Alphonse Mucha, Edward Hopper, J.M.W. Turner và Pablo Picasso. Ngoài ra, Rosalind Ormiston giảng dạy lịch sử nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế, lịch sử nhiếp ảnh, vật liệu và văn hóa thị giác, tại Đại học Kingston, London, từ năm 2002-2012.