“Giấy tờ này chính thức trao cho người cầm quyển sách quyền vĩnh viễn được hạnh phúc, vì bất kỳ lý do nào hay không cần lý do nào. Không ai được xâm phạm lên quyền này”.
Là một tu sĩ Phật giáo trong hơn 30 năm, Ajahn Brahm là trụ trì và người điều hành tâm linh của Hội Phật Giáo Tây Úc. Ông nổi tiếng trên toàn thế giới với tư cách là một bậc thầy tinh thần và diễn giả nổi tiếng.
Độc giả đã từng được thưởng thức những triết lý sống đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc của ông qua hai cuốn sách Ai Đổ Đống Rác Ở Đây? bao gồm 108 câu chuyện chứa đầy sự hài hước, tính nhân văn và thiện ý; và “Hạnh phúc đến từ sự biến mất”, một tác phẩm soi sáng về niềm vui của con đường từ bỏ và vươn tới niết bàn trong Phật Giáo.
Với sự khôn ngoan đi cùng với tuổi tác, Ajahn Brahm lại chia sẻ thêm 108 câu chuyện về những người bình thường chống lại thách thức của mỗi ngày mới trong cuốn “Buông bỏ buồn buông”. Chính sự nhẹ nhàng, thâm thúy trong cách kết thúc mỗi chương sách khiến người đọc không có cảm giác nặng nề hay đang bị dạy đời.
Tác giả lưu ý rằng trong Phật giáo, tức giận và xúc phạm đối phương được xem là “sự điên rồ tạm thời”. Nhìn hành vi từ quan điểm đó, chúng ta có thể đáp lại sự vô lý của người đời bằng sự đồng cảm và công bằng, hơn là giận dữ hoặc hờn dỗi. Khi hiểu ra người kia cũng không cố tình làm đau hay tấn công bạn, bạn có thể trả lời họ bằng tình yêu hơn là “ăn miếng trả miếng”. Bạn chỉ thầm nghĩ: “Thật tội nghiệp! Họ đang giận quá mất khôn. Không sao cả, mình sẽ cho họ sự bao dung cần thiết để kiềm chế cơn tức này lại”.
Album thường là nơi lưu giữ kỷ niệm đẹp nhất của chúng ta: lễ tốt nghiệp, cuộc đi chơi, lễ cưới, hay bất cứ thứ gì đáng nhớ, đáng cười, đáng yêu. Tuy vậy, album trong đầu bạn lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó chứa rất nhiều những đau buồn, nước mắt, lời xỉ vả, cay đắng, thù hận… Nhiều người thậm chí còn để những ký ức tồi tệ ám ảnh cả cuộc đời của mình. Vì vậy, Brahm đề nghị bạn thường xuyên thực hiện một cuộc thanh trừng những hình ảnh tiêu cực ra khỏi đầu mình.
Ông viết: “Hãy xóa bỏ các ký ức không tạo động lực. Nhét chúng vào thùng rác. Chúng không thuộc về album này. Để thế chỗ nó, hãy thêm một niềm vui khác mà bạn lấy từ album vui vẻ ngoài đời kia. Nó là những khi bạn làm lành với người bạn đời, khi ta cảm nhận được lòng tốt thực sự, hoặc bất cứ khi nào đám mây tách ra và mặt trời tỏa sáng với vẻ đẹp phi thường. Giữ những bức ảnh này trong bộ nhớ của bạn. Sau đó, khi rảnh rỗi, bạn sẽ thấy mình lật mỗi trang album với sự bình an, hoặc thậm chí là cả tiếng cười”.
Chúng ta bị làm phiền không chỉ bởi quá khứ đau buồn mà còn bởi sự căng thẳng của hiện tại. Nếu bạn cầm một cái cốc trong 10 giây, bạn sẽ chẳng cảm thấy có vấn đề gì. Nhưng nếu cầm trong 10 phút, 30 phút, bạn sẽ thấy tay mình mỏi rã rời và các cơn đau sẽ xuất hiện. Không ai ngu ngốc khi giữ một vật nặng trong cả tiếng đồng hồ, nhưng bạn lại hay có thói quen làm việc để “nốt cho xong”, đẩy bản thân vào trạng thái quá tải.
Vì vậy, Brahm khuyên rằng chúng ta nên cho mình nghỉ ngơi nửa giờ vào giữa ngày để giảm tải áp lực từ công việc. “Nếu bạn không học cách trút bỏ gánh nặng và nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy stress, chất lượng công việc của bạn sẽ giảm sút, năng suất của bạn sẽ xuống dốc và mức độ căng thẳng của bạn sẽ tăng lên. Nhưng nếu bạn cho mình nghỉ ngơi 30′ vào giữa ngày, thì 30′ mà bạn mất đi sẽ được đổi lại bằng chất lượng công việc cao hơn và thời gian hoàn thành nó cũng ngắn hơn”.
Trong cuộc đời, muốn làm thứ gì, bạn phải được cấp phép: Giấy phép lái xe, Chứng chỉ hành nghề, Bằng Đại học… Vì nỗi ám ảnh này, Brahm tự kết thúc cuốn sách này bằng tờ “Giấy phép Hạnh phúc” mà ông chứng nhận. “Giấy tờ này chính thức trao cho người cầm quyển sách quyền vĩnh viễn được hạnh phúc, vì bất kỳ lý do nào hay không cần lý do nào. Không ai được xâm phạm lên quyền này”.
Nếu bạn cần sự chấp thuận của người khác rồi mới dám hạnh phúc, Brahm sẽ tặng bạn món quà mà bạn luôn mong mỏi. Bạn có thể hạnh phúc ngay bây giờ!
Trạm Đọc tổng hợp