“Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” – Phiên Bản Đặc Biệt – được in màu hoàn toàn và gắn với tranh minh họa, là ấn phẩm mới của NXB trẻ, kỷ niệm 40 năm thành lập, dự kiến sẽ được lên kệ vào tháng 4 này.
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được biết đến là một trong những tác phẩm bán chạy nhất nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đến với tác phẩm này, độc giả sẽ được quay ngược thời gian, trở về thăm tuổi thơ và tình bạn dễ thương của 4 bạn nhỏ. Những trò chơi dễ thương thời bé, tính cách thật thà, thẳng thắn một cách thông minh và dại dột, những ước mơ tự do trong lòng… khiến cuốn sách có thể làm các bậc phụ huynh lo lắng rồi thở phào. Nguyễn Nhật Ánh viết ở mặt sau cuốn sách rằng: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em“.
“Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” – Phiên Bản Đặc Biệt là ấn phẩm mới của NXB trẻ, kỷ niệm 40 năm thành lập, dự kiến sẽ được lên kệ vào tháng 4 này. Tác phẩm lần này được in màu hoàn toàn, gắn với tranh minh họa mới của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường – họa sĩ đã có nhiều năm gắn liền tên tuổi của mình với các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Độc giả sẽ có cơ hội hình dung câu chuyện rõ nét hơn thông qua những mẩu truyện được dựng từ chính nội dung của cuốn sách. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” không chỉ dành cho con trẻ mà còn có ích cho người lớn trong mối quan hệ với con trẻ.
Tác phẩm đạt giải thưởng văn học Asean 2010. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng như Tiếng Anh, Nhật, Hàn, Thái và phát hành tại nhiều nước thế giới.
“Một câu chuyện ngụ ngôn làm say lòng người lớn và trẻ em. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ sẽ chiếm cảm tình của độc giả Mỹ” – Amazon.
“Tác phẩm đầy mê hoặc này – gợi nhớ đến Hoàng tử bé của Saint-Exupery – đã khắc họa một cách tài tình sự đa cảm của tuổi thơ đối lập với những phi lý của thế giới người lớn” – Publishers Weekly
Nhà văn Thái Lan Binlah Son đã nhận xét rằng: “Tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ giúp tôi nhận ra ba điều khác biệt. Khác biệt giữa thế giới trẻ em và thế giới người lớn. Khác biệt giữa trẻ em Việt Nam và trẻ em Thái Lan. Cuối cùng là khác biệt giữa những người đã đọc cuốn sách này và những người chưa đọc cuốn sách này. Tôi tiếc cho ai chưa đọc nó”.
Về tác giả:
Nguyễn Nhật Ánh (1955) được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim như: Kính vạn hoa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, … Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, mối quan hệ giữa truyện của ông và tranh của Đỗ Hoàng Tường không chỉ dừng lại ở việc gắn bó với nhau hơn 30 năm mà còn gắn kết với nhau qua những phát hiện bất ngờ như: em trai của hai ông là bạn của nhau, cha của hai người ngày xưa cũng là bạn. Do vậy, nhà văn kết luận: Tôi và Đỗ Hoàng Tường gắn kết với nhau đến hiện nay giống như duyên trời định.