Mặc dù lịch sử không có ý nghĩa, nhưng chúng ta có thể cho nó một ý nghĩa.
KARL POPPER
100 năm trước, khi chiếc tàu Rotterdam cập bến cảng New York chủ nhật ngày 2. 4. 1921, Einstein lần đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ, trong một chuyến đi thăm kéo dài gần 2 tháng. Thời gian thấm thoắt. Chuyến đi này, chuyến đầu tiên của ông ra khỏi phạm vi châu Âu, là một sự khám phá thú vị đối với ông, để rồi một thập kỷ sau, ông tiếp tục trở lại thêm 3 lần nữa vào những năm 1930-1931, 1931-1932, và 1932-1933, trước khi ông định cư vĩnh viễn tại Hoa Kỳ. Einstein đã nổi tiếng đối với nước Mỹ từ tháng 11 năm 1919, khi độ lệch ánh sáng ông tiên đoán được đoàn thám hiểm Anh xác nhận. Báo NYT từng tung tin “giật gân” nhất: “Einstein đã phá hủy không gian và thời gian”. Nhưng sự xuất hiện bằng xương bằng thịt của ông đối với họ là một sensation. Einstein lúc đó mới 42 tuổi.
Không ai nghĩ rằng, những chuyến thăm này đóng vai trò “báo bão” cho một cuộc thay đổi địa chính trị: Không những Einstein – “Đức giáo hoàng vật lý” như Langevin từng ví, hay “đứa con” của chủ nghĩa nhân văn và nền khoa học phát triển cao độ của châu Âu – sẽ vĩnh viễn giã từ châu Âu già cỗi chinh chiến suốt các thế kỷ và tàn phá nhau đến kiệt quệ ông đã ngao ngán, mà cả trung tâm học thuật và khoa học lâu đời nhất của châu Âu cũng sẽ chuyển trọng tâm từ Xứ sở buổi chiều sang Tân thế giới. Max Planck từng ví Einstein như một Columbus trong khoa học. Thì giờ đây, vị Columbus khả kính đó đang đứng trước nước Mỹ.
Trước ông cũng khoảng một thế kỷ, từng có học giả từ châu Âu Alexis de Tocqueville đặt chân đến Mỹ – và để lại tác phẩm nổi tiếng Nền dân trị Mỹ. Còn Einstein, một con người rất yêu dân chủ và tự do, nghĩ gì về thể chế chính trị nước Mỹ, và nước Mỹ ngược lại nghĩ gì về Einstein? Thực tế cho thấy những nhận định sinh động của ông về nước Mỹ cũng rất giống cái nhìn của Tocqueville. Einstein yêu nước Mỹ, và nước Mỹ cũng yêu Einstein – một cách cuồng nhiệt. Ông là một nhà truyền giáo giàu nhiệt tình của khoa học, và chính trên đất Mỹ di sản khoa học Einstein sẽ có điều để kiện phát triển mạnh thêm.
Cũng 90 năm trước, năm 1931, Einstein đã đến thăm Đài thiên văn Mount Wilson ở hạt Los Angeles, California, và gặp gỡ các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ như Michelson, Millikan, nhất là nhà thiên văn học Edwin Hubble, người vừa mới quan sát thấy vũ trụ giãn nở, một sự kiện vô cùng có ý nghĩa, cũng như thấy dải Ngân hà của chúng ta không phải là thiên hà duy nhất trong vũ trụ. Ông liền dở bỏ hằng số lambda, một hằng số ông đã gắn vào nhân tạo để giữ cho vũ trụ đứng yên.
Châu Âu đã để lại một di sản giáo dục đại học và khoa học vĩ đại cho nhân loại, nhưng bên cạnh đó là một đống tro tàn cao như núi của sự ngạo nghễ, một cái giá vô cùng đắt làm cho lịch sử vuột khỏi tay họ, trong khi nước Mỹ non trẻ tiếp thu di sản đó để phát triển tiếp như một “sứ mệnh”. Trung tâm học thuật thế giới đã từng ra khỏi Hy Lạp và tiếp tục chuyển hướng trọng tâm.
Bây giờ chúng ta hãy lần theo gót chân của Einstein.
★
Chuyến đi đầu tiên 1921. Ngày 2 tháng 4, 1921, khi chiếc tàu Rotterdam cập cảng New York, đội quân phóng viên ập đến ngay với một cơn giông ánh chớp, cũng như một trận mưa các câu hỏi. Tờ New York Times tường thuật về sự xuất hiện của Einstein: “Einstein rụt rè nhìn một đàn phóng viên chạy tới. Một tay ông cầm ống điếu hiệu Bruyere bóng loáng, tay kia ôm một chiếc vĩ cầm quý giá.” Tất cả đều đổ dồn về câu hỏi: Thuyết tương đối là gì? Ngoài phóng viên ra còn cả một rừng người chào đón ông ở bên ngoài. Einstein không biết tiếng Anh, phải nhờ vợ Elsa dịch lại. Trong cơn náo nhiệt Einstein vẫn còn cắt nghĩa được: “Trước đây người ta đã tin rằng nếu mọi vật biến mất khỏi thế giới thì vẫn còn lại không gian và thời gian, nhưng theo lý thuyết tương đối, không gian và thời gian cũng sẽ biến mất theo cùng mọi vật.”
Rời khỏi tàu, một rừng người còn đông hơn đang hò reo đang chờ đợi ông và các vị khách. Một dòng xe hơi bất tận đang hòa tấu bản nhạc còi để chào mừng. Thay vì đi ngay đến khách sạn, chiếc xe mui trần chở ông chạy một vòng qua Manhattan đến Lower East Side. “Hầu như trên cả đoạn đường hàng ngàn người chào đón ông trên vỉa hè”, báo New York Times viết. Dân chúng đưa tay ra để mong được chạm vào ông. Einstein hoàn toàn xúc động và choáng ngợp. Ông chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng như thế.
Ngày hôm sau, 3 tháng 4, báo NYT viết:
[…] Ông ấy trông giống như một nghệ sĩ – một nhạc sĩ. Vâng, chính thế.
Nhưng dưới mớ tóc bờm xờm là một bộ óc khoa học mà những suy luận đã làm chao đảo những trí tuệ xuất sắc nhất của châu Âu. Một trong những người bạn đồng hành của anh ấy đã miêu tả anh ấy như một ‘nhà vật lý trực quan’, người có trí tưởng tượng suy đoán rất rộng lớn đến mức có thể cảm nhận được các quy luật tự nhiên tuyệt vời từ rất lâu trước khi năng lực lý luận nắm bắt và xác định chúng.
Người đàn ông ấy là Tiến sĩ Albert Einstein, người đề xướng của thuyết tương đối đã mang lại cho thế giới một quan niệm mới về không gian, thời gian và kích thước của vũ trụ.
Sự tò mò và mối quan tâm của người Mỹ đối với thuyết tương đối và ý nghĩa của nó lớn đến độ đại biểu J.J. Kindred của New York yêu cầu Chủ tịch Hạ viện đưa vào Báo cáo của Quốc hội một sự giới thiệu có tính đại chúng về thuyết tương đối.
Einstein và vợ trên tàu Rotterdam lúc cập bến New York. Chaim Weizmann, nhà lãnh đạo Phong trào phục quốc thứ hai từ trái sang, cũng là người tổ chức chuyến đi này để quyên tiền ủng hộ Đại học Hebrew. (Library of Congress, courtesy AIP Emilio Segrè Visual Archives.)
Ngày 8. 4 tại một hội trường gồm 8.000 người đầy nghẹt trong một cuộc vận động tài trợ cho việc thành lập nhà nước Israel, ông có bài “diễn văn” ngắn nhất chỉ có mấy câu: “Nhà lãnh đạo của các bạn, Tiến sĩ Weizmann, đã nói rồi, và ông đã nói rất tốt đẹp cho tất cả chúng ta. Hãy làm theo ông ấy, các bạn sẽ được tốt lành. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói.”[1] Vậy mà tiếng vỗ tay và hoan hô như sấm và cuồng nhiệt không muốn dứt. Ông không thể tưởng tượng nổi tác động của lời nói ông lên đám đông. Adolph Ochs, chủ tờ báo “New York Times” cho rằng, mối quan tâm của quần chúng đến con người của Einstein là “có tính bệnh lý-tâm lý học”. Einstein, cùng với một đoàn đại biểu của Viện hàn lâm quốc gia khoa học Mỹ, được tổng thống Mỹ Harding tiếp tại Nhà trắng, mặc dù buổi gặp nhau trở thành buổi “trình diễn Panthomine” (kịch câm) vui vẻ với nhau, như bà Elsa kể lại, vì cả hai bên không có chung ngôn ngữ.
Trong chuyến đi này, Einstein cũng đã có những bài nói chuyện về thuyết tương đối tại các đại học như Chicago, và Princeton. Tại Princeton ông có bốn bài nói chuyện tạo thành nội dung của quyển sách nhỏ Ý nghĩa của Thuyết tương đối (The Meaning of Relativity), quyển sách đầu tiên của Einstein được xuất bản ở Mỹ, và trong những năm sau được bổ sung để trở thành một quyển sách không thể thiếu – một loại ‘kinh thánh’ – cho những ai nghiên cứu thuyết tương đối.
Harvard cũng có mời Einstein đến như một vị khách, nhưng không mời diễn thuyết. Lý do, Harvard là nơi quy tụ nhiều học giả chịu ảnh hưởng rất mạnh của Henri Bergson, triết gia Pháp có ảnh hưởng rất lớn tại Mỹ đầu thế kỷ 20, mà đại diện là nhà triết học William James. Bergson và Einstein sẽ có một cuộc tranh luận nổi tiếng sắp tới khi Einstein từ Mỹ về sang thăm Pháp vào tháng 4, 1922 tới. Tình hình phức tạp hơn khi hiệu trưởng của Harvard, A. Lawrence Lowell, chào mừng Einstein bằng tiếng Pháp, trong khi ông được chào mừng bằng tiếng Đức ở Princeton.
Trước những tiếp đãi hết sức nhiệt tình dành cho ông, Einstein viết trong bài nói về những ấn tượng của ông ở Mỹ năm 1921 được đăng trên tờ Berliner Blatt, ngày 7 tháng 7:
Sùng bái cá nhân trong mắt tôi là một cái gì không chính đáng. Chắc chắn Tự nhiên phân bổ dồi dào các tài năng đa dạng lên trẻ em. Những người may mắn có nhiều, và tôi tin chắc, phần lớn trong họ vẫn còn sống cuộc đời tĩnh lặng và không ai để ý. Tôi cảm thấy không công bằng, vâng, cũng không đẹp, nếu một vài người may mắn này được ngưỡng mộ vô bờ bến, bằng cách người ta thêu dệt cho họ những sức mạnh siêu việt của tinh thần và tính cách. Đó là điều trở thành định mệnh của tôi. Và có một sự tương phản kỳ cục giữa những điều con người gán cho tôi về năng lực và thành tựu siêu việt với sự thật về tôi, những gì tôi có thể làm.
Ông viết tiếp về người Mỹ:
Ý thức về sự việc đặc biệt này sẽ làm cho tôi không thể chịu nổi, nếu không có một sự an ủi dễ chịu này: Đó là, trong thời đại đang bị phê phán là duy vật chủ nghĩa của chúng ta, có một dấu hiệu chứng minh rằng họ (người Mỹ) đã tạo ra những anh hùng từ con người, với những mục đích hoàn toàn nằm trong lãnh vực tinh thần và đạo đức. Điều này chứng minh rằng, nhận thức và sự công bằng được một phần lớn con người đặt lên cao hơn sở hữu và quyền lực. Ở mức độ đặc biệt lớn, theo những trải nghiệm của tôi, thái độ duy lý tưởng này còn đang ngự trị trong nước Mỹ vốn bị quy là đất nước đặc biệt chạy theo chủ nghĩa duy vật chất. […]
Tôi có một sự ngưỡng mộ nồng nhiệt dành cho những thành tựu của các viện nghiên cứu khoa học Mỹ. Chúng ta không công bằng khi tìm cách quy sự ưu việt ngày càng tăng của nền nghiên cứu Mỹ thuần túy nhờ vào sự phồn vinh ưu việt; chính sự tận tụy, kiên nhẫn, và một tinh thần đồng đội, và năng khiếu hợp tác đã đóng một phần vai trò quan trọng cho sự thành công.[2]
Phải nói rằng, chính nước Mỹ bằng những cuộc tiếp đón nồng hậu vượt mọi sự tưởng tượng con người đã giúp Einstein trở thành siêu sao, một biểu tượng đại chúng. Nước Mỹ ngưỡng mộ và tán dương ông hơn cả sức chịu đựng của ông. Những khám phá khoa học của Einstein gây ấn tượng lên người Mỹ hơn mọi thứ khác. Người Mỹ xem ông là một “Columbus mới của khoa học, cô đơn chèo thuyền qua các vùng biển mới của tư duy” như chủ tịch Đại học Princeton chào đón ông bằng tiếng Đức.[3] Trong 8 tuần lễ của chuyến thăm, có hơn 160 bài báo và essays được viết về ông trong những tờ báo và tạp chí tên tuổi nhất của nước Mỹ. Họ viết bất cứ những chi tiết gì về Einstein. Hai từ Einstein bán chạy nhất. Hơn nữa, Einstein tỏ ra là một biểu tượng mới của nhà khoa học: rất con người, một nghệ sỹ, người “sành điệu”, “một tay cầm ống điếu, một tay xách đàn vĩ cầm”, có thể tiếp cận được cho công chúng chứ không phải đóng kín trong tháp ngà học thuật, xa lạ với thế giới.
Đối với người Do Thái ở Mỹ, tấm gương Einstein chứng tỏ, khoa học có thể là một chọn lựa của cuộc sống, một lý tưởng, một nghề mà người Do Thái có thể tham gia và vươn lên những cấp độ cao nhất. Người Do Thái có thể bị hạn chế tham gia các định chế xã hội, nhưng không thể bị hạn chế khỏi các đền thờ của khoa học và những cơ hội mở ra. Khoa học là một phương tiện giúp họ có thể thoát khỏi bức tường của các ghettos và thật sự hội nhập như những công dân của các quốc gia phát triển. Thế kỷ 20 là thế kỷ của khoa học đang lên, lan tỏa từ châu Âu sang Hoa Kỳ.
★
Chuyến đi thứ hai 1930-1931. Mười năm sau, trong chuyến thăm diễn ra vào mùa đông 1930 đến đầu năm 1931 tại Viện công nghệ CalTech ở California theo lời mời của Robert Millikan, Einstein còn được đón tiếp hoành tráng hơn mười năm trước. Chuyến đi này có ý nghĩa quyết định tương lai của Einstein và của sự phát triển khoa học Mỹ. Ngay khi tàu dừng chân ở New York trước khi đi tiếp sang phía Tây, Einstein lại bị bao vây bởi phóng viên. Ông tuyên bố:
Khi tôi sắp đặt chân lại lên đất nước Hoa Kỳ, sau khi vắng mặt mười năm, suy nghĩ đầu tiên hết trong tôi là đất nước này hôm nay có ảnh hưởng lớn nhất lên trái đất….tạo thành một tiền đồn của lối sống dân chủ….Đất nước của các bạn đã chứng minh, bằng lao động tay chân và trí óc, rằng tự do cá nhân tạo ra một nền tảng tốt cho lao động sáng tạo hơn bất cứ thế chế chuyên chính nào….Vị thế chính trị và kinh tế của các bạn mạnh đến nổi…các bạn có thể bẻ gãy truyền thống chiến tranh mà châu Âu đã đau khổ trong suốt lịch sử của mình…Định mệnh đã đặt sứ mạng lịch sử này vào tay các bạn….Được truyền cảm hứng từ những niềm hy vọng này, tôi xin chào các bạn cùng mảnh đất của các bạn. Tôi hăm hở làm mới lại các mối quan hệ cũ và mở rộng sự hiểu biết của tôi dưới ánh sáng của những gì tôi sẽ nhìn thấy và học hỏi trong lúc tôi ở với các bạn.[4]
100 năm trước, 1831, Alexis de Tocqueville cũng từng đến Tân Thế giới, và ngưỡng mộ nền Dân chủ Mỹ, được ông đúc kết trong tác phẩm bất hủ Democracy in America – Nền dân trị Mỹ – của ông. Einstein nhìn thấy nước Mỹ như thần Athena đang lớn lên, không bị nhuốm bẩn bởi một quá khứ tối tăm ảm đạm của châu Âu, trong sáng và thuần khiết, có tri thức và minh triết, nhưng cũng có sức mạnh và sứ mệnh để sửa cho thẳng lại lịch sử đã bị cong. Ngược lại, một nước Mỹ nhiệt tình và say mê biết ngưỡng mộ giá trị của một vị anh hùng đang đứng trước mình, biểu tượng lớn nhất của tự do tư duy và khám phá.
Đến San Diego, Einstein phát biểu trên radio rất hồ hởi:
Các bạn đã có một lối sống mà qua đó chúng ta tìm thấy niềm vui của cuộc sống và niềm vui của lao động được phối hợp hài hòa. Thêm vào đó là tinh thần của tham vọng tràn ngập trong con người các bạn và dường như để làm cho lao động hàng ngày giống như một đứa trẻ hạnh phúc đang chơi đùa.[5]
Từ lúc chiếc tàu Belgenland cập bến ở San Diego, như một tờ báo tường thuật,
Sự đón tiếp của người Cali dành cho Einstein một phần là màn trình diễn kinh doanh, một phần là sự sùng bái anh hùng, và một phần là cảm xúc đích thực. Các nhóm trẻ em trong trang phục học sinh trường hải quân hát nhạc cho ông và nhét các vòng hoa vào tay ông, hai dàn nhạc hòa điệu chào mừng…[6]
Einstein được gặp những nhà khoa học hàng đầu của Mỹ: Albert Michelson, Edward Morley, hai tác giả của thí nghiệm đi tìm gió ether một cách vô vọng, hay hệ quả của nó là tính hằng số của vận tốc ánh sáng, giúp Einstein đưa nó lên thành định đề trong thuyết tương đối hẹp, một kết quả mà, như Einstein thừa nhận với Michelson, lúc bấy giờ đã 89 tuổi, nếu không có, thì thuyết tương đối hẹp chỉ là tư biện; gặp Edwin Hubble, người một năm trước đã quan sát được sự chuyển dịch đỏ của ánh sáng từ các thiên hà xa, điều đồng nghĩa với sự giãn nở của vũ trụ. Rất ấn tượng trước kết quả này, Einstein đã dỡ bỏ “hằng số vũ trụ” lambda Λ trong phương trình của ông, điều cho phép các phương trình tái giải thích sự tiến hóa của vũ trụ một cách tự nhiên, và hằng số mà cuối thế kỷ 20 đã làm một cuộc trở lại ngoạn mục trong vũ trụ học.
Một sự kiện cảm động được ghi lại trong nhật ký của bà Helen Dukas mà Abraham Pais được đọc và ghi lại ngắn ngủi về một “phụ nữ lớn tuổi (Helen Keller) bứt khỏi hàng rào cảnh sát, chạy tới nắm lấy hai tay Einstein, và nói ‘Bây giờ tôi có thể nhắm mắt một cách bình yên’; rồi bà sờ đầu và mặt ông, khiến Einstein chảy nước mắt”.[7]
Ông tiếp tục được gặp nhà làm phim câm và tài tử huyền thoại Charlie Chaplin, và được xem buổi trình diễn đầu tiên phim “Ánh sáng đô thị”. Khi phim vừa dứt, mọi người đứng dậy và vỗ tay như sấm hoan hô hai vị anh hùng của ngành điện ảnh và ngành vật lý. Einstein hỏi Chaplin ý nghĩa về sự hoan hô này. Chaplin nói: “Dân chúng hoan hô tôi vì họ hiểu tôi, còn họ hoan hô ông vì không ai hiểu ông”.
“Dân chúng hoan hô tôi vì họ hiểu tôi, còn họ hoan hô ông vì không ai hiểu ông.”
CHAPLIN
“Tại sao không ai hiểu tôi và mọi người lại thích tôi?”
EINSTEIN
Có một bà triệu phú muốn tặng CalTech số tiền 10.000 đô la, chỉ để được thăm Einstein. Nhưng Einstein đã từ chối. Đối với Einstein, Mỹ là quốc gia đã dành cho ông đầy những sự ngạc nhiên và thú vị, một quốc gia mà cứ mỗi hai người có chiếc ô tô, và các siêu thị được tổ chức rất khoa học như ông nhận xét. Riêng Pasadena ông cho rằng đó là “thiên đường” để sống.
★
Chuyến đi thứ ba 1931-1932. Lần này diễn ra từ tháng 12, 1931 đến tháng 3, 1932, Einstein cũng làm việc tại Pasadena. Trong nhật ký hành trình, Einstein ghi “Hôm nay tôi quyết định, tôi sẽ cơ bản từ bỏ vị trí tại Berlin của tôi và sẽ làm thân một con chim di trú cho phần đời còn lại của tôi. Chim hải âu vẫn hộ tống con tàu, mãi mãi lượn trên đôi cánh. Chúng là các đồng nghiệp mới của tôi.” Einstein quyết định ở Berlin nửa năm, Mỹ nửa năm. Lần này, Einstein được giới thiệu gặp nhà giáo dục đại học hàng đầu của Mỹ Abraham Flexner. Ông cùng với hai nhà hoạt động nhân ái Louis Bamberger và người chị em, Bà Felix Fuld, đang muốn xây dựng một viện nghiên cứu mới tại Princeton. Từ 1930, gia đình Bamberger đã tiến hành thành lập Viện nghiên cứu cao cấp Princeton và mời Flexner làm giám đốc. Viện có mục tiêu tạo ra một “nền học thuật trình độ cao nhất trong nhiều lãnh vực” với những người đàn ông và phụ nữ được thu hút bởi tiếng gọi của nó, không phân biệt giới tính, tôn giáo hay chủng tộc. Làm theo mô hình nào? Đứng trước các mô hình tham khảo All Souls College, Oxford, Collège de France, và Viện Rockefeller Nghiên cứu Y khoa, Flexner đã chọn mô hình Đại học Johns Hopkins, và tấm gương của vị Chủ tịch đầu tiên Daniel Coit Gilman của nó. Vì sao? Flexner viết trong Tự thuật của mình:
Khi nhìn lại, chủ tịch Gilman đã tỏ ra có tầm nhìn và sự can đảm không ai sánh nổi trong lịch sử giáo dục đại học Mỹ. Ông Gilman đã đặt thành một tấm gương mà một số nhà quản lý đại học đã noi theo: ông du hành qua nước Mỹ và Tây Âu để hội ý với các học giả và nhà khoa học xuất sắc của thế giới trước khi lấy quyết định về một chọn lựa (bổ nhiệm) quan trọng. Sau khi đã chọn xong những con người then chốt, ông để họ hoạt động độc lập. Sáu mươi năm sau, để tạo ra Viện Nghiên cứu Cao cấp và tuyển chọn nhân sự ban đầu của nó, tôi đã tiếp thu các làm của Gilman.[8]
Sự lập lại của lịch sử. Hơn nửa thế kỷ trước, Johns Hopkins, với Gilman được xem là những vị “anh hùng” của đổi mới giáo dục đại học Mỹ, chính là đại học đầu tiên đã tổ chức lại để phát triển Wissenschaft, khoa học và học thuật, theo mô hình đại học nghiên cứu Đức (Humboldt) hình thành tại Berlin từ 1810. Sự thành công của Johns Hopkins đã truyền cảm hứng sang các đại học khác lần lược cũng đi theo như Harvard, Cornell, Stanford, Chicago …[9] Học thuật theo tinh thần Đức đã phát triển thành một cuộc cách mạng ở Mỹ. Nay Flexner hành động đúng theo tinh thần ấy. Lần này ông muốn du nhập các tinh hoa thượng thặng của Đức và châu Âu vào. Einstein là người Flexner mời làm giám đốc đầu tiên của Trường Vật lý của Viện. Thỏa thuận đạt được vào mùa hè năm sau, khi Flexner thăm Einstein tại nhà nghỉ mát ở Caputh, Berlin. Einstein rất hào hứng với ý tưởng của Flexner: “Ich bin Flamme und Feuer dafür” (Tôi ủng hộ với tất cả lửa nhiệt tình). Sau đó, khi thương lượng về lương, Einstein chỉ đặt ra yêu cầu $3.000/năm. “Tôi có thể sống ít hơn không?”, Einstein hỏi. Nhưng Flexner cuối cùng đã tăng lên $15.000 (tương đương với $273.000 thời giá năm 2014). Còn nhân sự cho các viện khác như các tên tuổi Kurt Gödel, John von Neumann, Hermann Weyl, theo sau, do không ai khác hơn là Hitler cung cấp! Trong chuyến đi này, Einstein cũng gặp J. Robert Oppenheimer và Linus Pauling, bên cạnh nhiều nhân vật hàng đầu khác của Mỹ.
Ý nghĩa của việc Einstein định cư tại Mỹ đối với ngành khoa học và học thuật của quốc gia này được tóm tắt súc tích nhất trong bình luận của Paul Langevin, người bạn thân của ông, và là nhà vật lý hàng đầu của Pháp, như sau: “Đó là một sự kiện quan trọng giống như việc dời tòa thánh Vatican từ Rome về Tân Thế giới. Vị Giáo hoàng Vật lý đã đổi chỗ, và Hoa Kỳ giờ đây trở thành trung tâm của các ngành khoa học.”[10] Einstein đã giúp đỡ rất nhiều người được nhận vào Mỹ. Trong số 1600 học giả nhập cư, có khoảng một phần ba là các nhà khoa học. Đó là một cuộc di tản chất xám, của văn hóa, khoa học, học thuật sang Tân Thế giới.
Nhưng không phải Einstein luôn luôn được tiếp đón nồng nhiệt. Ông cũng bị một số ít chống đối quyết liệt nhằm ngăn cản ông vào nước Mỹ. Trước chuyến đi dứt khoát của Einstein sang Mỹ cuối 1932, một “Hội phụ nữ yêu nước” viết thư cho Bộ ngoại giao Mỹ yêu cầu không cho Einstein nhập cảnh. Họ kết án Einstein là lãnh đạo một nhóm cộng sản-vô chính phủ có âm mưu lật đổ, và khuyến cáo rằng thuyết tương đối mang tính lật đổ, được thiết kế để thúc đẩy tình trạng vô chính phủ và hủy hoại nhà thờ và nhà nước. Người ta nhớ lại các cha dòng Tên cũng từng bảo vệ toán hình học Euclid chống lại toán vi tích phân vào thế kỷ 17 với những lý do gần như thế. Einstein trả lời một cách dí dỏm qua Associated Press: “Tôi chưa bao giờ bị cho leo cây một cách thô thiển như thế bởi phái đẹp, cũng chưa bao giờ như thế bởi nhiều thành viên của họ như thế cùng một lúc!”[11] Einstein gặp ít khó khăn với tòa đại sứ Mỹ ở Berlin vì chuyện này, nhưng cuối cùng cũng được cấp visa nhập cảnh Mỹ.
★
Chuyến thăm thứ tư 1932-1933. Chuyến thăm diễn ra từ tháng 12, 1932 đự kiến đến tháng 3, 1933, cũng tại Pasadena. Lần này Einstein có bức tranh nổi tiếng chụp tại Pasadena chạy xe đạp nghiêng người theo đường cong với nét mặt vui tươi. Bức ảnh này như minh họa điều mà Einstein đã viết cho con trai thứ hai Eduard năm 1930: “Con người giống như chiếc xe đạp. Chỉ khi nào nó chạy, nó mới giữ được thăng bằng một cách dễ chịu.”
Khi rời Mỹ, Einstein phát biểu trước báo chí: “Đối với tôi, Hoa Kỳ bộc lộ mình là một tân thế giới của sự quan tâm dứt khoát (commanding interest). Đó là một thế giới của tình huynh đệ, của sự hợp tác, trong khi châu Âu là thế giới của chủ nghĩa cá nhân.”
Tháng 3, 1933, khi nghe tin Hitler lên nắm quyền, Einstein đã chọn cuộc sống lưu vong ở Mỹ. Ông sống và làm việc ở Princeton cho đến cuối đời, tổng cộng 22 năm.
Khi Einstein và gia đình được công nhận quốc tịch Mỹ năm 1940, ông tham gia một buổi phát thanh trong chuỗi “Tôi là một người Mỹ” được tài trợ bởi Sở di trú và Nhập quốc tịch. Một đoạn phát biểu của Einstein có nội dung sau đây:
Tôi cảm nhận rằng, ở Mỹ sự phát triển của cá nhân và các năng lực sáng tạo là khả dĩ, và đối với tôi, đó tài sản quý giá nhất trong cuộc sống. Trong một vài quốc gia, con người không có quyền chính trị cũng không có cơ hội để phát triển trí tuệ tự do. Nhưng đối với phần lớn người Mỹ, một tình huống như thế là không thể tha thứ được…Tôi kết luận từ những gì tôi thấy ở người Mỹ, từ lúc tôi đến đây, rằng họ không phù hợp để sống dưới một hệ thống toàn trị, do tính khí hay truyền thống của họ. Tôi tin rằng nhiều người trong họ sẽ thấy cuộc sống không đáng sống trong những hoàn cảnh như thế. Do đó, việc gìn giữ và bảo vệ những quyền tự do này lại càng quan trọng hơn đối với họ. […]
Tôi tin nước Mỹ sẽ chứng minh rằng dân chủ không chỉ là một hình thức chính thể dựa lên một Hiến pháp lành mạnh, mà còn, thực tế, là một cách sống gắn liền với một truyền thống vĩ đại, truyền thống của sức mạnh đạo đức. Ngày nay hơn bao giờ hết, định mệnh của loài người tùy thuộc vào sức mạnh đạo đức của con người.[12]
Còn đây là một giai thoại Helen Dukas kể cho nhà vật lý Abraham Pais nghe, và được ông ghi lại. Trong lúc một viên chức cao cấp đọc một bài diễn văn trong buổi tiếp tân quan trọng dành cho Einstein thì vị khách được vinh danh lấy bút ra và bắt đầu viết vội vàng viết các phương trình trên mặt trái của tờ chương trình ông có trong tay, quên hết mọi thứ xung quanh. Khi bài diễn văn chấm dứt, tiếng hoan hô nổ rang như sấm. Tất cả mọi người đều đứng dậy, vỗ tay và hướng về Einstein. Helen rỉ tai ông rằng ông nên đứng dậy, và ông đã làm điều đó. Nhưng do không còn biết rằng sự tung hô kia là dành cho ông, nên ông cũng vỗ tay theo, cho đến khi Helen nói ông với ông rằng chính ông là người mà khán giả đang hoan hô.
Einstein là nhà khoa học đã chinh phục cả châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Hoa, nói chung chinh phục được cả thế giới. Với vị thế của một nhà cách mạng khoa học huyền thoại, ông đồng thời cũng thổi luồng gió mới mãnh liệt của khoa học và tính đại chúng của nó như chưa bao giờ xảy ra ở qui mô và mức độ như thế cả. Đại chúng hóa khoa học “được mùa” từ đó. Dòng chảy của thuyết tương đối ngày nay vẫn chưa hề suy suyển, có lẽ còn mạnh hơn, trở thành chuyện thường ngày. Trước ông, Galilei từng là người đã đem khoa học và khai sáng vào đại chúng.
Câu chuyện của Einstein trên nước Mỹ còn dài. Những ưu điểm của nước Mỹ mà ông yêu mến cũng không ngăn cản được ông lên án chủ nghĩa kỳ thị và chiến dịch “săn cộng sản” McCarthy hoành hành nước Mỹ sau Thế chiến II. Để biết nhiều hơn, xin xem bài Einstein, Sự nổi tiếng và Nước Mỹ trong quyển sách Albert Einstein-Mặt nhân bản, nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
Nguyễn Xuân Xanh
1.4. 2021
_____