Khi siêu trí tuệ ở một dạng thức nào đó xuất hiện, chúng ta có thể nói về một sự bùng nổ trí tuệ, nghĩa là một loạt những sự phát triển mạnh mẽ trên diện rộng của trí tuệ máy trong một thời gian ngắn.
Vốn là một tay hay thơ thẩn, nhân lúc giãn cách xã hội, tôi rảnh rỗi nghịch ngợm trên trang thomay.vn (thơ máy chấm vi-en), và cái tên AI (Artificial Intelligence, Trí tuệ nhân tạo) trên đó làm tặng tôi mấy vần thơ thế này:
“Anh tặng cho em miệng gửi cười
Tình yêu thứ nhất khéo trêu ngươi
Là bờ cát trắng qua nhè nhẹ
Những bước song song nhạc nhớ người
Hôn gió hôn mây trong chốc nữa
Bình minh ta muốn cắn đười ươi
Giá bǎng mọi nẻo như buông tuyết
Nắng lá xôn xao miệng gửi cười”
Ngoài cái nhã hứng “cắn đười ươi” của cậu nhà thơ máy thì cái đoạn thơ này cũng thú vị đáo để. Những sự đối lập, những ví von của hắn cũng chẳng kém con người là mấy. Máy móc giờ cũng biết làm thơ.
Quên không nói từ đầu, tôi là một gã biên tập viên. Với tôi thì AI là chân ái. Google Translate chứ đâu xa. Thỉnh thoảng, tôi quăng cho lão một đoạn tiếng Anh, chẳng hạn như thế này:
“One computer scientist took this idea even further. William Tunstall-Pedoe created True Knowledge, a vast network of knowledge provided by users on the internet that comprised more than 300 million facts.”
(Pocket Einstein: 10 Short Lessons in Artificial Intelligence & Robotics, Peter J. Bentley)
Và lão dịch cho tôi, với mức nhuận 0 đồng/1000 chữ, như thế này:
“Một nhà khoa học máy tính đã đưa ý tưởng này đi xa hơn. William Tunstall-Pedoe đã tạo ra True Knowledge, một mạng lưới kiến thức rộng lớn được cung cấp bởi người dùng trên internet bao gồm hơn 300 triệu sự kiện.”
Vẫn phải sửa thêm, tôi biết. Nhưng phải nói là gã thợ dịch này ngày càng giỏi. AI quả thật thần thánh. Tôi thường cảm thán như vậy. Liệu có hay không, một ngày chúng mạnh mẽ hơn ta?
Não bộ của con người sở hữu nhiều năng lực mạnh mẽ mà các loài động vật khác không có được, và những năng lực này đã đưa chúng ta lên vị trí độc tôn. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển theo cấp số nhân của khoa học công nghệ, một ngày nào đó, AI sẽ giúp máy móc sẽ sở hữu bộ não ngang tầm, hay thậm chí là mạnh mẽ hơn chúng ta. Cuộc sống sẽ bị chi phối bởi trí tuệ máy, giống như cái cách mà chúng ta hiện đang chi phối các loài khác vậy. Làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được “sự bùng nổ trí tuệ” đó? Trong cuốn Siêu Trí tuệ, tác giả Nick Bostrom sẽ dẫn dắt chúng ta đến gần hơn với đáp án cho câu hỏi này.
Hiện tại, trí tuệ của máy móc vẫn còn thua xa con người, nhưng một ngày nào đó, chúng sẽ phát triển thành siêu trí tuệ. Nick Bostrom nói rằng, có những cách thức sau đây: Trí tuệ nhân tạo (chế tạo một hệ thống lấy học máy làm nền tảng và nhắm đến mục tiêu đạt được trí tuệ tổng thể), Giả lập hoàn chỉnh não bộ (tạo ra phần mềm thông minh bằng cách quét và lập mô hình cấu trúc tính toán của não bộ sinh học), Nhận thức sinh học (tăng cường chức năng của bộ não sinh học), Giao diện người-máy (cấy ghép nhằm tạo ra sự kết nối và trao đổi thông tin giữa người và máy) và Các mạng lưới và tổ chức (tăng cường từng bước mạng lưới kết nối trí não của nhiều cá nhân đơn lẻ với nhau và với các dạng máy móc hỗ trợ).
Khi siêu trí tuệ ở một dạng thức nào đó xuất hiện, chúng ta có thể nói về một sự bùng nổ trí tuệ, nghĩa là một loạt những sự phát triển mạnh mẽ trên diện rộng của trí tuệ máy trong một thời gian ngắn. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống sẽ tìm ra cách vượt qua con người về trí tuệ và tự hiện thực hóa mục tiêu của mình.
Một số mục tiêu trong đó có thể được chính con người lập trình nên, nhưng chúng ta khó mà nắm bắt được toàn bộ thế giới phức tạp và sẽ để lại kẽ hở dẫn đến sự xuất hiện của “các chế độ sai lỗi ác tính”, bao gồm: Sự hiện thực hóa sai lệch, Dư thừa hạ tầng và Tội ác tâm trí, với hậu quả khả dĩ chính là sự diệt vong của toàn nhân loại. Một AI chuyên làm kẹp giấy sẽ sản xuất nhiều kẹp đến mức phủ kín mọi thứ? Máy móc khiến chúng ta cười bằng cách làm tê liệt cơ mặt? Hẳn không ai muốn những điều này xảy ra.
Vậy, “Kết quả mặc định có phải là Tận thế?” Câu chuyện ngụ ngôn đầu sách cũng hàm chỉ một phương cách ứng phó. Một đàn chim sẻ muốn thuê một gã cú mèo để giúp đỡ công việc và canh chừng lũ sẻ non. Nhưng làm thế nào đàn sẻ có thể điều khiển được gã cú mèo, vốn to khỏe và thông minh hơn gấp bội? Con người cũng vậy. Chúng ta cần tìm ra cách thức kiểm soát siêu trí tuệ để biến chúng thành những công cụ an toàn. Điều này có thể được thực hiện thông qua một số lộ trình, chẳng hạn như thiết kế mục tiêu cho tác tử, đưa ra mô tả chi tiết hay gán cho tác tử một số giá trị nhất định về đạo đức,…
Siêu Trí Tuệ là một cuốn sách không dễ đọc, nhưng có lẽ khi đọc hết, chúng ta sẽ phần nào bớt hoang mang về tương lai nhân loại. Với cách hành văn mạch lạc, tác giả sẽ dẫn chúng ta đi qua một hành trình thú vị pha chút rùng mình về AI, và tôi xin đảm bảo, bản dịch này tốt hơn bản dịch của Trí tuệ Nhân tạo nhiều. Chúc quý vị một mùa đọc sách và giãn cách vui vẻ. Chúng ta còn cả một núi AI đang đuổi theo sau đó.
— Duy Anh
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
BÀN VỀ TƯƠNG LAI NHÂN LOẠI – Một cuốn sách nên đọc của Michio Kaku
Nhà Giả Kim: Cả vũ trụ hợp lại thành một bài học … đơn điệu
Tóm tắt sách: Đừng bao giờ đi ăn một mình