Người Do Thái là dân tộc vĩ đại. Sự kiệt xuất của những con người nhỏ bé ấy không phải là thứ ngẫu nhiên. Phương pháp giáo dục ưu việt chính là chìa khóa tạo nên những thiên tài.
Chỉ chiếm 0,02% dân số thế giới, thế nhưng người Do Thái đã dành tới hơn 100 giải Nobel ở nhiều lĩnh vực với tỉ lệ 11%. Đây là một con số đáng nể mà khó có chủng tộc nào có thể vượt qua.
Không chỉ có vậy, có rất nhiều tỉ phú nổi tiếng thế giới là người Do Thái. Số lượng bằng phát minh, sáng chế mà các nhà khoa học và kĩ sư người Do Thái đang nắm giữ sẽ khiến nhiều người phải giật mình.
Tại sao một dân tộc nhỏ bé lại trở nên ưu việt tới vậy? Phải chăng điều đó đều nhờ vào trí thông minh thiên bẩm và nguồn gen vượt trội? Trong khi cả thế giới ca ngợi thành công của những nhà khoa học Do Thái thì các nhà giáo dục học lại dành nhiều lời khen cho phương pháp giáo dục toàn diện và hiệu quả của những bà mẹ Do Thái.
Vậy các bà mẹ Do Thái đã làm cách nào để biến một đứa bé ham chơi thành một con người ham khám phá? Tất cả đều được bật mí qua cuốn sách Bí mật Do Thái- khơi dậy tài năng trẻ của tác giả Michal Nahari Larkin B.Ed người đã có hơn 3 thập kỷ gắn bó với giáo dục mầm non.
Thay vì áp đặt, hãy dẫn dắt trẻ đến với đam mê
Trong cuốn sách của mình tác giả Michal Nahari Larkin B.Ed cho rằng: mô hình “giáo dục một chiều”, khi mà cha mẹ hay thầy cô luôn ra lệnh cho trẻ mà không hiểu đứa bé muốn gì là một phương pháp phản giáo dục. Dù là ở trường hay ở nhà, thì chúng ta cũng nên lấy đứa trẻ làm trung tâm cho việc dạy và học. Trước khi lên kế hoạch dạy điều gì và dạy như thế nào, hãy thử tìm hiểu xem bé muốn gì và dạy theo thiên hướng của trẻ.
Cốt lõi của giáo dục là sự dẫn dắt, hãy dựa vào cá tính của trẻ, để lôi kéo sự chú ý của bé đến những điều mà cha mẹ muốn dạy. Nếu con bạn thích học vẽ, thay vì việc bắt đứa trẻ ngồi vào bàn và cầm cây bút màu, thì cha mẹ có thể lấy giấy ra để vẽ và hỏi xem bé có thích tham gia cùng không? Sự hào hứng của cha mẹ lúc vẽ tranh sẽ truyền cho con trẻ một nguồn năng lượng tích cực với hội họa.
Sự áp đặt của cha mẹ cũng như thầy cô rất dễ gây nên sự nhàm chán đối với trẻ. Từ sự chán nản, các biểu hiện tiêu cực hơn như: chống đối, bất hợp tác, nghịch ngợm, quậy phá… sẽ dễ dàng xuất hiện. Vì vậy, sự tương tác hai chiều là rất cần thiết trong quá trình dạy và học.
Các bạn đừng giữ khư khư suy nghĩ: “Con còn quá bé bỏng, chẳng thể làm nổi việc gì” và làm hết mọi thứ cho con. Hãy bắt đầu bằng sự tôn trọng và trao cho trẻ quyền làm những gì mà bé thích trong một khuôn khổ nhất định.
Thay vì chọn sẵn cho con quần áo để đi chơi công viên vào ngày chủ nhật, hãy để bé mặc những gì mà bé thích. Người Do Thái có một quan niệm rất hay rằng: chỉ những đứa trẻ tự lập và biết mình muốn gì mới có thể sáng tạo.
Muốn nhàn nhã, hãy sớm đưa con vào khuôn khổ
Các bậc phụ huynh hãy tận dụng giai đoạn vàng từ 0 đến 5 tuổi để dạy bé thật nhiều điều hữu ích và giúp con định hình tính cách. Những việc làm tốt được lặp đi lặp lại khi còn nhỏ sẽ dễ dàng tạo thành thói quen ở con khi trưởng thành. Cha mẹ nên hiểu rằng: chúng ta không thể ở bên con cái cả ngày để chăm sóc và bảo ban chúng, vậy nên hãy giúp con hình thành những thói quen tốt để có thể tự chăm sóc và lo liệu tốt cho cuộc sống của mình.
Giáo dục là cả một nghệ thuật và nó cũng cần sự sáng tạo. Không có công thức chung nào để tạo ra một thiên tài hay một đứa trẻ ngoan. Hãy dựa vào thiên hướng và cá tính của con bạn để tìm ra phương pháp giáo dục thích hợp nhất với bé.
Trong quá trình đồng hành cùng con, các bậc cha mẹ nên linh hoạt, đừng quá cứng nhắc và rập khuôn trong mọi vấn đề. Bởi làm như vậy, vô hình trung bạn đã tạo cho con trẻ những áp lực không đáng có.
Nhưng các bậc phụ huynh nên nhớ rằng, đưa con vào khuôn khổ không có nghĩa là áp đặt vô điều kiện. Hãy dành cho trẻ sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của trẻ. Nếu thấy mình được coi trọng, bé sẽ dễ dàng thổ lộ những mong muốn và ý tưởng của bản thân, từ đó sẽ dễ dàng kích thích tinh thần học hỏi và tư duy sáng tạo ở trẻ.
Bí mật Do Thái- khơi dậy tài năng trẻ là một cuốn cẩm nang hữu ích cho các bậc cha mẹ đang có con ở tuổi mẫu giáo. Không cần phải giỏi các môn khoa học tự nhiên hay thông thạo nhiều thứ tiếng, bạn vẫn có thể trở thành người thầy tuyệt vời của con. Bé có thể học các kiến thức về tự nhiên và xã hội ở trường, nhưng việc hình thành nhân cách và những thói quen tốt ở trẻ là trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Bởi vì cha mẹ chính là người hiểu bé nhất!
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục mầm non, tác giả Michal Nahari Larkin B.Ed đã có những phân tích chuẩn xác và khách quan về tâm sinh lý của con trẻ ở độ tuổi này. Hy vọng rằng chúng sẽ là cơ sở để các bậc phụ huynh đồng hành và tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả cho con yêu.