Lời tựa cho bản tiếng Việt cuốn sách Lưỡi gươm (Le Fil de L’épée), tác giả Charles de Gaulle.
“Các quốc gia chỉ có những vĩ nhân một cách bất đắc dĩ”
(Charles Baudelaire,
Thi sĩ Pháp Thế kỷ 19)
LỊCH SỬ, lịch sử được ghi lại (nhưng ai ghi?), không đi kèm với chữ “nếu”. Nhưng mọi cái nhìn về LỊCH SỬ (cái nhìn của ai?) đều phảng phất dai dẳng đâu đó cái chữ “nếu”. Nếu Julius César không vượt sông Rubicon, nếu Charles de Gaulle không vượt biên sang Anh, để thành lập phong trào kháng chiến? Nếu ngày 20 tháng 1 năm 1946 Charles de Gaulle không rút lui, vì “những định kiến và thù hằn chính trị đang làm thay đổi tận cùng tâm hồn con người” (Hồi ký của Charles de Gaulle)? Tháng 11 năm 1946, nền Đệ tứ Cộng hòa ra đời ở Pháp, ngày 19 tháng 12 năm 1946, công cuộc toàn quốc kháng chiến nổ ra ở Việt Nam. Nếu, năm 1959 Charles de Gaulle không quay trở lại chính trường? Nhưng năm 1962, Pháp trao trả độc lập cho Algérie. Nếu, năm 1959 Charles de Gaulle không đắc cử Tổng thống? Năm 1968, Charles de Gaulle từ chức. Quyết định từ chức được đưa ra nhanh đến mức, “Pilate chưa kịp rửa tay” (François Mauriac), Jésus Christ tự bước tới cây Thánh giá. Để cảnh báo nước Pháp về nguy cơ rơi vào một chế độ độc tài. Nói câu cuối cùng, năm 1968, “Vive la France!” – “Nước Pháp muôn năm!”, cũng là câu kết thúc lời kêu gọi Kháng chiến ngày 18 tháng 6 năm 1940.
Charles de Gaulle, ngay từ đầu, “đã luôn có một ý niệm dứt khoát về nước Pháp” (lời Charles de Gaulle). Ý niệm nào? Về nước Pháp với công cuộc chinh phục thuộc địa? Charles de Gaulle từ thiếu thời đã không mấy tự hào về tấm bản đồ Đế chế Pháp thế kỷ 19 có những vùng màu hồng đánh dấu các thuộc địa. Chính Charles de Gaulle là người đã góp phần xóa bớt những chỗ màu hồng đó. Ý niệm về nước Pháp của Charles de Gaulle được nuôi dưỡng từ suối nguồn cổ xưa hơn nhiều. Vốn Cổ học Hi-La đáng nể, và cả danh mục sách của các sử gia viết bằng tiếng La Tinh sau này. Nhuần nhuyễn văn chương, triết học cổ điển Pháp, và cả nhiều tác gia hiện đại, trong đó đáng kể là Henri Bergson, người bạn của gia đình ông, người có ảnh hưởng tới quan niệm của ông về chỉ huy quân sự và được nhắc tới trong Lưỡi gươm. Charles de Gaulle là con người Âu châu-Cựu Lục địa đích thực. “Người La Mã là những kẻ đầu tiên tạo dựng nên nền văn minh vô thần” (André Malraux ghi lại lời của Charles de Gaulle). “Quân đội phải duy trì cái trật tự Cổ điển” (Lưỡi gươm). Thật dễ hiểu khi trong giai đoạn Thế chiến II và ngay sau đó, Charles de Gaulle là người “khó gần” dưới con mắt mấy “Ông lớn”, Churchill, Stalin, và Eisenhower, và dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle, nước Pháp rút khỏi khối NATO, phản đối Anh Quốc gia nhập Cộng đồng Âu châu! Ý niệm của Charles de Gaulle về nước Pháp từ đầu đến cuối, bao giờ cũng gắn với khái niệm cao cả, hiểu theo nghĩa “Cổ điển” gắn liền với Âu châu Cựu Lục địa như vậy. Hành động của ông, từ đầu đến cuối, luôn cao cả. Không một giai đoạn nào trong cuộc đời của ông, ta có thể phát hiện thấy ở đó sự “tầm thường”, sự hạ thấp cái ý niệm cao cả của ông. Có phải vì vậy mà Charles de Gaulle – con người cao cả trong sự nghiệp Giải phóng, thì lại bị coi là kẻ “lỗi thời” trong Thời bình, khi mọi thứ “rơi trở lại mặt đất”?
Các vĩ nhân lịch sử đều có nhu cầu tự nhiên là tự tạo dựng huyền thoại (mythomanie). Ngay cả những người tiếp xúc gần gũi với họ cũng không dễ ghi lại “tiểu sử” của họ. Napoléon thích độc thoại hơn là đối thoại. Voltaire trò chuyện cùng Fredrick Đại đế của nước Phổ, nhưng sau đó quên hết. Tương tự, Diderot rất thân thiết với Nữ hoàng Nga Catherine nhưng cũng chẳng thể nói gì nhiều về “Bà Vua” Khai minh vĩ đại này. Vĩ nhân thì ở trên “đỉnh núi”, lẫn trong những đám mây. Vì thế, viết tiểu sử đâu phải đơn thuần là ghi chép, cóp nhặt, thu gom những tình tiết, những giai thoại những câu nói tình cờ buột miệng, thông minh hay ngớ ngẩn, gay gắt hoặc dí dỏm. Cũng vì lẽ đó, tưởng như ngược đời, “tiểu sử” đáng đọc nhất, nếu có thể gọi như thế, về Charles de Gaulle, chính là những cuốn sách do chính Charles de Gaulle viết. Ngoại trừ, giá như đó là trường hợp độc nhất, đó là những trang do nhà văn, bộ trưởng văn hóa André Malraux viết về Charles de Gaulle, có thể đó là những trang viết đẹp nhất, cảm động và chính xác nhất về Charles de Gaulle. André Malraux tựa như là một hình ảnh chân thực về Charles de Gaulle, một alter ego, một cái gì đó để Charles de Gaulle nhận ra mình ở trong đó – “ngồi đối diện tôi là Thủ tướng Michel Debré. Bên phải tôi bao giờ cũng là André Malraux. Ông bạn thiên tài này bao giờ cũng ở bên cạnh tôi” (Hồi ký của Charles de Gaulle). André Malraux cũng là một “ca” thích tạo dựng huyền thoại, nhìn mọi thứ đều nhuốm màu lý tưởng, trong cả tư cách người viết văn lẫn chính khách bộ trưởng. Nhưng cả Charles de Gaulle và André Malraux đều là những con người hành động. “Khởi thủy là Lời? Không! Khởi thủy là Hành động”, câu nói của Faust được Charles de Gaulle dùng làm đề từ cho chương đầu của Lưỡi gươm. Còn André Malraux, “Con người là tổng số những gì hắn làm”.
Nếu như bộ hồi ký của Charles de Gaulle là một thứ “biên bản” tường thuật đời ông, thì Lưỡi gươm là một “sáng tác”, một sáng tác văn chương đích thực, xét cả về mặt văn phong lẫn tư tưởng. Một sáng tác dành cho số phận của tác giả cuốn sách, dù nội dung liên quan đến lĩnh vực quân sự. Lưỡi gươm được xuất bản năm 1932, được dựa trên ba bài nói chuyện của Charles de Gaulle năm 1927 tại Trường Quân sự cấp cao. Tiểu thuyết gia Pháp François Mauriac, Nobel Văn chương năm 1952, đã viết, “Mười sáu năm trước khi xảy ra đại thảm họa mà khi đó không ai có thể lường trước được, không ai có thể tưởng tượng nổi, thì viên tướng trẻ ba mươi bảy tuổi này đã biết trước điều gì mình sẽ phải làm và điều gì tất sẽ xảy ra”.
Điều gì tất sẽ phải xảy ra? Đó là mối nguy gặp phải của kẻ thắng trận. Sau Thế chiến I, nước Pháp thắng trận nhưng kiệt quệ. Kiệt quệ về mặt vật chất là đương nhiên, nhưng kiệt quệ về mặt tinh thần thì mới đáng nói. Bỗng nhiên mọi thứ đều trở nên tầm thường, bị “giải ảo”. Quân đội, mới hôm qua còn trong ánh hào quang có phần bí ẩn, kiêu hùng, xa cách khó gần, thậm chí “dữ dằn”, thì nay trở nên mất hết nhuệ khí, chịu vô vàn sức ép từ sự xâm lấn của xã hội thường dân. Nghề binh trở thành “bình thường”, như mọi nghề nghiệp khác. “Người ta lựa chọn nghề nghiệp vì thấy thích thú hơn là thấy xứng đáng” (Lưỡi gươm). Lớp cựu quân nhân già nua thì bất lực, ngồi than vãn và hồi tưởng lại quá khứ, còn lớp trẻ thì mất phương hướng, thất vọng hoặc vỡ mộng với nghiệp nhà binh. “Nước Pháp sẽ phải trả giá vì điều này”, lời tiên tri của Lưỡi gươm!
Charles de Gaulle cùng với Winston Churchill và F.D. Roosevelt
Charles de Gaulle chủ trương quân đội phải là một “đẳng cấp” độc lập, thậm chí “cô độc”, đứng tách riêng. Quan niệm” của Charles de Gaulle về nhuệ khí quân đội, về tinh thần ái quốc dường như gần với khái niệm “sùng kính”– piété –, của người La Mã, một kiểu lòng ái quốc cực đoan, thậm chí giống như là một thứ tôn giáo. Nhuệ khí quân đội, đó là thứ “đồng lương duy nhất dành cho những quân nhân xứng đáng”, đặc biệt là “vào đêm trước của cái ngày đòi hỏi quân đội phải có nỗ lực to lớn” (Lưỡi gươm). Lại một lời tiên tri nữa của Lưỡi gươm!
Quãng đời chính khách dang dở của Charles de Gaulle gợi ý liên hệ tới vấn đề về mối quan hệ giữa chính trị với các lĩnh vực khác hoặc đúng hơn là mối quan hệ giữa chính trị và đạo đức. Chính trị, theo quan niệm của Max Weber (chắc hẳn Charles de Gaulle có đọc Weber, trong Lưỡi gươm có nhiều dẫn chiếu tới xã hội học), bao hàm những hoạt động mang tính “dẫn hướng” (directive), nó có khuynh hướng đi tới cái “tiến bộ”, hay đúng hơn nó có khuynh hướng tiến hóa tùy thời, vì thế tưởng như chính trị vốn dĩ là không tuân theo các nguyên tắc đạo đức. Trong khi các lĩnh vực khác tuy tiến hóa song vẫn phải duy trì cái “đặc tính riêng” của nó (ethos), như thế, cách nào đó, tức là bị kìm giữ bởi cái truyền thống. Charles de Gaulle, một cách nhất quán, chủ trương duy trì tinh thần “truyền thống” của quân đội, không bị biến chất vì thời thế.
Charles de Gaulle là con người đạo đức, hiểu theo nghĩa “cổ điển” của từ này, dù trong tư cách quân nhân hay trong tư cách chính khách, giữa một thế giới của nền chính trị tầm thường, đảng phái. “Người ta đốn những cây sồi/Để làm giàn thiêu dũng sĩ Hercules” (Victor Hugo).
Charles de Gaulle hai lần lui về sống tại quê ở làng Colombey-les-Deux-Eglises. Trong căn phòng ở góc nhà, nơi ông dành phần lớn thời gian trong ngày ở trong đó, ông có thể ngắm mặt trời lặn từ nhiều hướng mà không có gì vướng tầm mắt. Và đêm xuống “tôi ngắm nhìn những vì sao và ngộ ra sự vô nghĩa của mọi điều” (Hồi ký Charles de Gaulle).
Ngày 9 tháng 11 năm 1970, Cây Sồi Già lặng lẽ ra đi. Tại ngôi làng Colombey-les-Deux-Eglises nơi ông được sinh ra trước đó đúng 80 năm, cũng vào một ngày mùa đông. Nước Pháp bỗng nhớ tới người anh hùng của họ. Cuộc vĩnh biệt Charles de Gaulle, theo lời kể của André Malraux, trời mưa, dòng người, từng đợt, cuồn cuộn đổ ra từ các con phố, từ các nhà ga tầu điện ngầm, đi qua biển người khổng lồ trên các vỉa hè Paris, lặng lẽ tiến về Khải Hoàn Môn, đêm hôm đó, những bó hoa ướt đẫm nước mưa không còn thuộc về riêng ai nữa, người ta truyền tay nhau những bó hoa, đêm hôm đó, chính trị không còn ý nghĩa nữa, người biểu tình năm 1968 đi lẫn cùng những người phản-biểu tình trên quảng trường Bastille năm đó, cựu quân nhân, người sống sót ở trại tập trung Ravensbrück đi bên cạnh người kẹp nách tờ L’Humanité, thanh niên hippi cuộn mình trong chiếc áo poncho để thò ra ngoài bông cẩm chướng, một phút mặc niệm ở Phi châu, cờ rủ tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh … không phải là một đám tang, không có nghi lễ mai táng, nhưng Trái đất đang chào một con người vừa nằm xuống, một lễ mai táng thực sự đang diễn ra đồng thời cũng trong cơn mưa, ở làng Colombey-les-Deux-Eglises, phụ nữ ãm con nhỏ ra đứng đón chiếc xe tăng chở cỗ quan tài tiến vào làng, mưa càng nặng hạt, nhưng người ta gập ô lại, chỉ xòa ô ra khi lễ tang kết thúc, trên mộ chí ngôi mộ được đặt cạnh ngôi mộ của con gái ông, Anne, chỉ có dòng chữ, “Charles de Gaulle, 1890-1970”.
Không còn Tướng de Gaulle hay cựu Tổng thống Cộng hòa Pháp nữa, chỉ còn lại huyền thoại Charles de Gaulle. Ôi, con người không thể sống thiếu huyền thoại. Nhưng hậu thế không luận anh hùng ở thành hay bại, mà ở tầm nhìn dài hạn dành cho đất nước họ.
Dịch giả Phạm Anh Tuấn
*LƯỠI GƯƠM – Bàn về nghệ thuật chỉ huy, Charles de Gaulle, Thi Hoa dịch, Phạm Anh Tuấn hiệu đính, Sao Bắc Media và Nxb Thế Giới xuất bản tháng 10/2014