Là nguồn cảm hứng cho độc giả trên khắp thế giới trong gần một thế kỉ qua, “Đi tìm lẽ sống” là một cuốn sách mà tất cả chúng ta có lẽ đều nên đọc một lần trên con đường đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời của mình.
Trong một cuộc khảo sát của thư viện Quốc hội Mĩ năm 1991, các độc giả được hỏi về cuốn sách nào đã tạo nên thay đổi thực sự trong cuộc đời của họ. Cuốn “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl nằm ở trong top 10 của danh sách này.
Đánh giá cuốn sách này là một công việc khó khăn. Các ghi chép, thuyết trình của Frankl nghiễm nhiên luôn được coi là những tài liệu quý giá mà bất kì sinh viên tâm lý học nào cũng nên đọc. Bản tái bản của cuốn sách còn có thêm lời tựa súc tích của Harold Kushner và những chỉnh sửa sau này của tác giả. Nhưng quan trọng nhất đó là nội dung chính của cuốn sách từ năm 1946 thì vẫn còn nguyên vẹn.
Trong cuộc diệt chủng Do Thái của Đức Quốc Xã, Frankl đã bị giam cầm 3 năm ở các trại tập trung Auschwitz và Dachau. Một trong những khía cạnh căn bản trong cuốn sách của Frankl là vấn đề của sự sinh tồn. Mặc dù ông đã chứng kiến, và trực tiếp trải nghiệm nhiều điều kinh hoàng và dã man, cuốn sách Đi Tìm Lẽ Sống không tập trung nhiều chi tiết vào những điều Frankl đã trải qua mà nhấn mạnh nhiều hơn về việc thời gian sống dưới chế độ của Phát xít Đức đã cho ông thấy khả năng sinh tồn và chịu đựng phi thường của con người trong những điều kiện khắc nghiệt nhất như thế nào.
Bìa sách Đi tìm lẽ sống (Bản tiếng Việt được xuất bản bởi Nhà Xuất bản Trẻ)
Nửa đầu của cuốn sách nỗ lực trả lời chỉ một câu hỏi: “Từng ngày sống trong trại tập trung được phản chiếu trong tâm trí của một tù nhân ra sao?”. Frankl đưa ra những trường hợp của những tù nhân tìm được hi vọng và ý chí để tiếp tục sống dù dưới những sự tra tấn kể cả về thể xác và tinh thần, tất cả những điều mà, đối với Frankl, là minh chứng cho tầm quan trọng của những gì được biết đến như là việc tìm ra ý nghĩa sống bất kể hoàn cảnh cá nhân.
Trong nửa sau của tác phẩm, Frankl miêu tả các liệu pháp triết học của mình. Ngay từ đầu thập niên 20, Frankl đã tự mình mở rộng các liệu pháp tâm lý tới những chiều trải nghiệm tâm linh và triết học của con người. Trong cùng thời gian này, nhánh phân tâm học của Sigmund Freud đang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn châu Âu. Cách tiếp cận của Freud hầu như không cân nhắc tới khía cạnh tâm linh và triết lý, những điều mà Frankl cho rằng là nền móng cần được khai phá.
Frankl coi cách tiếp cận của Freud như là một sự cay nghiệt gò ép tâm thần con người vào một vài yếu tố ít ỏi và thiếu đi sự thăm dò về ý nghĩa của sự hiện sinh. “Đi tìm lẽ sống là động lực chính yếu của con người và nó không phải là sự hợp lý hóa của các xu hướng sinh tồn bản năng”, Frankl viết. Frankl tự gọi cách tiếp cận của mình là liệu pháp ý nghĩa. Mục đích của liệu pháp ý nghĩa là tập trung tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống cũng như là cách mà con người tìm kiếm nó.
Lý thuyết của Frankl cho rằng có 3 khả năng cơ bản của con người đó là tự giải phóng, tự siêu việt và khả năng kết nối một cách tâm linh với các thực thể khác qua cả không gian lẫn thời gian.
Nói cách khác, con người không thể tránh né khổ đau, nhưng họ có thể tìm ra ý nghĩa từ chúng
Trích dẫn Nietzsche, một trong những câu được Frankl tâm đắc: “He who has a why to live for can bear almost any how” – “Những ai có lẽ để sống thì có thể chịu đựng gần như bất kể chuyện gì”. Có vẻ như đây là tư tưởng độc nhất mà tiền đề về tính triết học của ông được xây dựng nên.
Frankl dành rất ít thời gian bàn về cách kết hợp liệu pháp ý nghĩa vào trong thực hành tâm lý trị liệu. Tuy nhiên một vài tôn chỉ khá rõ ràng mà đầu tiên phải nhắc tới đó là tư tưởng về việc không phán xét. Logotherapist (nhà thực hành liệu pháp ý nghĩa), Frankl viết, “là nhà tâm lý trị liệu cần tránh đánh giá bệnh nhân của mình nhất, anh ta không được để cho thân chủ của mình trao cho mình quyền hạn đánh giá họ.”
Tác giả Viktor Frankl và cuốn sách “nên đọc một lần trên con đường đi tìm ý nghĩa cuộc đời của mình” của ông
Tuy nhiên tư tưởng không phán xét, tuy rất cao đẹp và ý nghĩa, đôi khi lại không được thực tế. Liệu pháp ý nghĩa gặp phải nhiều giới hạn chủ quan lẫn khách quan trong thực hành. Kể cả những nhà khoa học đáng tin cậy nhất cũng phải thừa nhận rằng việc không thiên vị/định kiến là bất khả đối với các hoạt động của con người, và liệu pháp của Frankl không nằm ngoài số đó. Một trong những chỉ trích phổ biến khác là tính không thể kiểm chứng của lý thuyết logotherapy bởi nó khó có thể quy về các đại lượng đo được. Chính Frankl miêu tả về nó như là một cách tiếp cận mang tính triết lí với thế giới nội tâm của con người hơn là một phương pháp khoa học.
Bất chấp những giới hạn của nó, tinh thần từ học thuyết của Frankl vẫn là một di sản quý giá. Công trình của ông đã truyền cảm hứng cho các nhà lý thuyết khác, trong đó có Abraham Maslow và Stanislav Grof, trong việc nghiên cứu nghiêm túc các yếu tố bí ẩn tác động tới trải nghiệm của con người.
Là nguồn cảm hứng cho độc giả trên khắp thế giới trong gần một thế kỉ qua, “Đi tìm lẽ sống” là một cuốn sách mà tất cả chúng ta có lẽ đều nên đọc một lần trên con đường đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời của mình.
Trạm đọc (Read Station) dịch và tổng hợp