Bạn có thường nghe câu“Nước đến chân mới nhảy”? Ai cũng biết là không tốt nhưng chẳng mấy ai tránh được. Lý trí mách bảo chúng ta phải làm xong việc ngay hôm nay nếu không sẽ phải nhận kết quả tồi tệ nhưng có vô vàn tin tức và câu chuyện hấp dẫn hơn ngoài kia khiến ta xao nhãng. Và cứ như thế, cả ngày trôi qua lúc nào không hay và ta chẳng làm được gì ngoài ngốn thời gian vào hết mạng xã hội này hay trang tin giải trí kia. Thật may mắn, đến 11 giờ đêm ta phát hiện ra vẫn kịp thời gian để xử lý công việc, nhưng 12 giờ dù làm xong nhưng sản phẩm thì tệ hại.
Và biểu hiện đó (cộng thêm một số triệu chứng phổ biến khác) được gọi nôm na là “lầy”, hay còn được biết đến với cái tên nghe nghiêm túc hơn là “Trì hoãn”.
Trên thực tế, rất nhiều người bị bệnh trì hoãn quấy nhiễu. Họ mua về rất nhiều sách hay, dự định đọc hết những tác phẩm đó để hoàn thiện bản thân, nhưng cuối cùng lại để chúng bám bụi trên giá, nghĩ rằng một ngày nào đó cảm hứng trỗi dậy sẽ đọc, kết quả là chẳng bao giờ mở ra đọc hết. Vậy tại sao mọi người lại có hành vi trì hoãn như vậy? Có rất nhiều “con đường” dẫn đến bệnh trì hoãn mà theo tác giả Thần Cách (tác giả cuốn “Tuổi trẻ không trì hoãn”) nguyên nhân đầu tiên là “thói quen”. Nếu bạn là một người có thói quen làm việc theo cảm hứng thì bạn sẽ trì hoãn công việc để chờ cảm hứng đến, ví dụ như một số người chỉ có thể làm việc về đêm hoặc chỉ có hứng thú làm việc khi đến hạn chót.
Một nguyên nhân khác phổ biến hơn là sự lười biếng. Có những người lười đến nỗi nếu không ai thúc giục, họ sẽ không buồn nhúc nhích. Sự lười biếng bắt nguồn từ cách bộ não con người vận hành. Trong đầu chúng ta luôn chia ra hai hệ thống tư duy. Hệ thống 1 là phần tư duy nhanh để đưa ra những quyết định dựa theo bản năng và cảm tính. Ngược lại, hệ thống 2 bắt buộc con người ta phải phân tích kĩ trước khi hành động.
Theo tiến sĩ Daniel Kahneman, thì hệ thống tư duy nhanh thường đưa ra những quyết định khiến người ta thỏa mãn tức thời. Ví dụ, khi bạn cần lên mạng tìm tài liệu công việc thì tình cờ nhìn thấy tiêu đề một tin giật gân hấp dẫn. Ngay lập tức, hệ thống 1 đưa ra quyết định giúp bạn thỏa mãn nhu cầu ngay tức thì: xem tin đó. Cuối cùng, bạn xem được 50 tin giải trí khác nhau trong khi vẫn chưa tìm được dòng tài liệu nào. Kết quả, bạn đã mất rất nhiều thời gian, công việc thì chưa xong nên phải làm vội vàng, sơ sài. Bạn bị khiển trách và cảm thấy thật tệ. Vậy là lãng phí một ngày trong đời.
Trì hoãn là kẻ cắp của sinh mệnh. Nó sẽ đánh cắp sự nhiệt tình, cơ hội, mài mòn ý chí chiến đấu của mỗi người trong vô thức, khiến cuộc sống dậm chân tại chỗ.
Tuy nhiên, bệnh trì hoãn không phải quá đáng sợ. Có thể bạn không tin, nhưng ngay cả những người thành công và nổi tiếng như Elon Musk, người đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom hay tác giả Tim Urban cũng “lầy”. Điểm khác biệt là họ đã tìm ra và kiên trì thực hiện những phương pháp để đánh bại sự trì hoãn. Bạn có thể cân nhắc cuốn “Tuổi trẻ không trì hoãn” như một cẩm nang thú vị và hữu ích trên hành trình “chữa bệnh” này
Giống như những cuốn sách kĩ năng khác cùng chủ đề, Thần Cách liệt kê những phương pháp chiến đấu chống lại trì hoãn, như: các phương pháp quản lí thời gian, cách lập kế hoạch hiệu quả, sức mạnh tinh thần. Nhưng điểm đặc biệt là cuốn sách này có sự phân loại các cấp độ khác nhau của bệnh trì hoãn nhằm đưa ra cách khắc phục tối ưu cho từng đối tượng cụ thể. Khác với người bình thường, người trì hoãn cần những kĩ năng lên kế hoạch và hành động “đặc biệt” chứ không đơn thuần là những khẩu hiệu hô hào thay đổi và những “to do list” hoành tráng
Sự thật hài hước là rất nhiều người thích lập kế hoạch lại mắc bệnh trì hoãn. Họ lập kế hoạch để tạo cảm giác “thành tựu” rồi sẽ “lướt Facebook 5 phút” trước khi thực hiện. Thực ra, việc lập kế hoạch chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân của trì hoãn. Một kế hoạch tốt là một kế hoạch đảm bảo được những yếu tố nhất định (như chuẩn SMART) hoặc ít nhất cũng phải rõ ràng, chi tiết và khả thi.
Sau khi đã lập được một kế hoạch tốt thì cần có các bước hành động. Bi kịch của những con bệnh trì hoãn mãn tính là chần chừ không bắt tay vào hành động ngay tức thì, để cơ hội cho tâm lý trì hoãn trỗi dậy và thế là kế hoạch “phá sản”. Điều quan trọng là bạn cần bắt tay vào hành động sớm và học cách quản lý thời gian hiệu quả. Bước đầu tiên qua rồi, dòng chảy công việc sẽ trở thành động lực thúc đẩy bạn tiếp tục cố gắng.
Con người ai cũng cầu tiến, nhưng không phải ai cũng cầu tiến đến tận cùng; không tiến lên cũng không cam chịu rơi xuống, không muốn bị người khác thay thế, không còn cách nào khác, bắt đầu từ bây giờ hãy nỗ lực. Nếu đã biết rất rõ ràng chỉ cần làm việc là có thể thay đổi thì sao không làm ? Mấu chốt của mọi sự thay đổi là việc anh kiên định dũng cảm bước được bước đầu tiên
Không hề đao to búa lớn hay hứa hẹn “đổi đời”, tác giả Thần Cách chỉ đơn thuần mở đường để giúp chúng ta thoát khỏi mê cung bấy lâu, thứ mê cung trì hoãn cuộc sống của ta, ăn mòn thời gian sống mà đáng ra ta có thể trải nghiệm bao điều thú vị. Cuốn sách không phải là phép màu kì diệu có thể xóa sổ bệnh trì hoãn ngay sau khi đọc xong. Con đường có ở đây, nhưng bước đi hay không lại là sự lựa chọn của chính bản thân bạn
Cuộc đời này rất đẹp nhưng cũng thật ngắn ngủi, nếu còn trì hoãn thêm nữa, rất nhiều cơ hội sẽ vuột khỏi tầm tay. Có những thứ, chỉ khi đã lỡ mất rồi, bạn mới thấy thật hối tiếc. Tuyên chiến với bệnh trì hoãn, không chỉ để nó không hại bạn, mà còn để bạn có thể trở thành con người ưu tú hơn, làm được thêm những điều mình mong muốn, đóng góp thêm cho thế giới này một điều gì thật đẹp.
Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, mọi thứ đều có thể thay đổi.