Các nhà sưu tập trẻ và giàu có ở châu Á đang thúc đẩy nhu cầu về nghệ thuật và trở thành khách hàng quan trọng với sàn đấu giá quốc tế.
Là nhà đầu tư khá mới trong thị trường, nhưng Gen Z (12-27 tuổi) và Gen Y (28-43 tuổi) đang mạnh tay chi tiêu cho việc mua bán tác phẩm nghệ thuật.
Theo khảo sát thu thập toàn cầu của Basel & UBS năm 2023, mức chi tiêu trung bình 6 tháng đầu năm cho các sản phẩm nghệ thuật và đồ cổ của Gen Y châu Á có giá trị ròng lên đến 60.000 USD, Gen Z là 56.000 USD, so với lần lượt gần 62.000 USD và 65.000 USD trong cả năm 2022.
Đại diện của Christie’s – một trong những nhà đấu giá nổi tiếng nhất thế giới, cho biết châu Á là khu vực tập trung đông người trẻ đến mua sắm trên toàn cầu. Như trong phiên đấu giá mùa thu Hong Kong 2023 của Christie’s, khách hàng Trung Quốc chi tiền nhiều nhất với là 241.000 USD, kế đến là Singapore 38.000 USD và Đài Loan 31.000 USD.
Các nhà đấu giá quốc tế hàng đầu như Sotheby’s và Phillips cũng báo cáo lượng mua hàng từ các nhà sưu tập trẻ tại châu lục này tăng vọt trong những năm gần đây.
Thống kê sơ bộ trong nửa đầu năm 2023, Gen Y chiếm gần 40% số người mua của Christie’s ở châu Á Thái Bình Dương và 20% ở châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Một báo cáo mới nhất từ đơn vị này cho thấy số người mua Gen Z mới tăng 65% vào năm 2023.
Trong khi báo cáo thường niên năm 2022 của Phillips cũng chỉ ra Gen Y chiếm gần 1/3 số người mua toàn cầu và 40% khách hàng là người châu Á. Báo cáo năm 2023 của Sotheby cho biết hoạt động đấu giá của các nhà sưu tập trẻ tuổi đã tăng lên 30% trong nửa đầu năm 2023, từ mức 6% vào năm 2018.
Các chuyên gia đánh giá người mua trẻ tuổi đang có cái nhìn khác về nghệ thuật và việc mua hàng của họ tương phản với sở thích của thế hệ cũ.
Báo cáo của Art Basel & UBS – dự án hợp tác thường niên giữa ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS và hội chợ nghệ thuật Art Basel, thống kê Gen Y chi tiêu nhiều nhất cho các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, nhiếp ảnh, phim ảnh hoặc nghệ thuật video. Trong khi Gen Z chuộng nghệ thuật kỹ thuật số và tranh in.
Erin Remington, giám đốc bán hàng và giám tuyển tại Saatchi Art, một phòng trưng bày và thị trường nghệ thuật trực tuyến cho biết: “Các nhà sưu tập trẻ bị thu hút bởi những tác phẩm tượng hình và tranh phong cảnh siêu thực khắc họa không gian tâm linh”.
Artsy, nhà môi giới nghệ thuật trực tuyến, nói có tới 64% người mua trẻ tuổi (18-36 tuổi) muốn mua các tác phẩm của nghệ sĩ mới nổi, so với 43% khách hàng lớn tuổi.
Đại diện Christie’s nhận thấy những người mua thuộc Gen Y ở châu Á đang sưu tập cả tác phẩm nghệ thuật đương đại và cổ điển, thể hiện chính nét văn hóa tại nơi họ sống. Điều này phản ánh mong muốn kết nối với cội nguồn và văn hóa của từng cá nhân. Như tại cuộc đấu giá mùa thu ở Hong Kong năm 2023 của Christie, 40% người mua gốm sứ, tranh và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc thuộc Gen Y.
Trong khi số lượng các buổi đấu giá trực tiếp đã quay trở lại mức trước đại dịch thì doanh số bán tác phẩm nghệ thuật trực tuyến có xu hướng gia tăng.
Báo cáo của Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Grand View Research (Mỹ) cho biết quy mô của thị trường nghệ thuật trực tuyến dự kiến sẽ tăng lên 17,76 tỷ USD vào năm 2030 từ mức 9,72 tỷ USD vào 2023.
Số lượng các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật trực tuyến cũng tăng vào năm 2023, khi nhiều cá nhân có tài sản tài chính lưu động ít nhất từ một triệu USD trở nên chọn lọc hơn khi tham gia các sự kiện nghệ thuật thực tế. Như với Christie’s, 80% giá thầu thực hiện trong các phiên đấu giá trực tuyến tại nửa đầu năm 2023, so với mức 45% năm 2019.
Giải thích về lý do nhiều người trẻ giàu có chuộng mua tác phẩm nghệ thuật, các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng vào thời điểm bất ổn về địa chính trị, lạm phát tăng cao và giá cổ phiếu giảm, thị trường nghệ thuật không thể bùng nổ. Sự bùng nổ càng được thúc đẩy bởi nhu cầu mua cao nhưng số lượng tác phẩm có hạn.
Georgina Adam, chuyên gia thị trường nghệ thuật cho biết: “Người giàu ngày càng giàu hơn. Và nghệ thuật là một chiến tích thực sự, thứ giúp họ phô trương và khoe mẽ sự giàu có hiệu quả nhất”.
Anders Petterson, người sáng lập ArtTactic, cho biết nghệ thuật “được coi là khu lưu trú an toàn để đầu tư”. Ở phân khúc cao nhất của thị trường, lợi nhuận có thể rất lớn và không một khoản đầu tư nào khác có thể mang lại giá trị cao hơn.
Hiện các nhà đấu giá đang đẩy mạnh đầu tư vào không gian kỹ thuật số để thu hút những người mua trẻ tuổi – nhóm được xác định “hiểu biết về kỹ thuật số hơn và sẵn sàng kết nối toàn cầu”.
Minh Phương (Theo CNBC, The guardian)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tai-phiet-tre-chau-a-do-den-cac-san-dau-gia-4699201.html