Cuốn sách là lời giải đáp cho những ai còn đương tò mò về tương lai của những cô cậu bé quen thuộc trong các tác phẩm cũ của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng có lẽ đôi khi những trang kỉ niệm thời hoa niên đẹp đẽ mơ màng chỉ nên dừng lại ở đó, và để người đọc tự viết nên những kết thúc của nhân vật cho riêng mình.
“Who knows, he may grow up to be President someday, unless they hang him first!”
( Biết đâu thằng nhóc có thể trở thành tổng thống trong tương lai trừ khi người ta treo cổ nó trước đấy)
[Mark Twain, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer]
Nếu là “fan cuồng” của dòng truyện dành cho tuổi mới lớn, hẳn trong cuộc đời mình, bạn từng ao ước không dưới một lần được trông thấy nhân vật mình yêu thích ở ngoài đời thực hoặc chí ít chứng kiến họ trưởng thành qua từng trang sách. Vậy mà thời gian trôi qua, khi chúng ta – cô cậu bé ngày nào giờ đây đã trải qua nhiều bước ngoặt khó khăn và hạnh phúc trong đời thì những người bạn thuở ấu thơ ngày nào vẫn ngoan cố như Peter Pan không chịu lớn lên mà “sống hoài sống phí” trong miền đất Neverland.
Thế nhưng ước mơ vẫn là mơ ước, bởi hầu hết các nhà văn chưa bao giờ có ý định tiết lộ thêm về cuộc sống hiện tại của nhân vật. Thi thoảng, ta có nghe J. K. Rowling nhắc đến đời tư của Harry Potter song tất cả chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn không chắc chắn. Có lẽ, nhà văn cũng không biết gì hơn chúng ta về số phận của các nhân vật như ngài Tolkien chẳng nhận được tin tức gì về những thế hệ sau của người Hobbit từ lúc Bilbo Baggins theo tộc Elf rời trung địa còn Frodo mải mê vui chơi đến nỗi quên khuyên con cháu tiếp tục kế thừa truyền thống vinh quang mà tổ tiên gây dựng. Hoặc cuộc đời nhân vật không diễn ra tốt đẹp như mong muốn của chúng ta và để tránh phơi bày những kết cục bi ai, nhà văn – người thư ký trung thành và tốt bụng đã quyết định im lặng, làm ngơ trước đòi hỏi từ người đọc.
Ngược lại, sự chiều lòng độc giả không phải lúc nào cũng mang đến một cuốn sách tốt mà Ngày xưa có một chuyện tình của Nguyễn Nhật Ánh là đại diện cho tư duy “làm ơn mắc oán” như thế. Đã quá lâu rồi, người đọc mong chờ Nguyễn Nhật Ánh cho các nhân vật trẻ tuổi của ông rời khỏi xứ Quảng Nam thập niên 80 của thế kỷ trước để nhập vào cuộc sống hiện tại bộn bề những lo toan, vất vả. Nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh cũng từng đôi lần bước qua ranh giới của tuổi học trò mộng mơ êm đềm để tiến vào tuổi trưởng thành với những thách thức của “những người lớn”. Ta thấy thấp thoáng điều đó qua Phòng trọ ba người, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đến Ngồi khóc trên cây qua những câu chuyện đã hết hồi vui của Mẫn, của đám bạn tuổi học trò Tí, Tủn, Hải Cò hay anh chàng Đông khờ khạo cùng mối tình éo le như phim Hàn Quốc. Nhưng bao giờ cũng vậy, Nguyễn Nhật Ánh dường như luôn biết cách khép lại những tác phẩm của mình khi chúng chớm mầm bi kịch. Có lẽ vì vậy, nhiều người đọc vẫn lầm tưởng truyện của Nguyễn Nhật Ánh là những tác phẩm hài hước, nhẹ nhàng trong khi thực tế hầu hết trong số chúng đều bắt đầu từ sự vỡ mộng của các nhân vật trước tuổi thơ đang “tan vỡ” ngay trước mắt mình.
Tò mò bước qua thế giới của những tác phẩm thiếu nhi không khác nào bước qua những góc khuất đen tối còn ẩn giấu. Nếu ta biết những đứa trẻ nhìn thấy Totoro chỉ vì quá cô đơn; Alice đi nào vào xứ sở diệu kỳ chỉ vì không cùng ai dạo bước; ta sẽ thấy ánh mắt và suy nghĩ của các nhân vật trẻ tuổi là một vị thuốc quý giá biết chừng nào khi cứu rỗi các em khỏi những buồn phiền mà người lớn gặp phải.
Trái ngược với những truyện dài trước đó của Nguyễn Nhật Ánh, Ngày xưa có một chuyện tình bắt đầu những dòng hồi tưởng hiện ra trong đầu Phúc vào buổi chiều anh vô tình bắt gặp một cậu nhóc trong khu vườn ổi. Một chuyện tình tay ba tuổi học đường mà kết quả là sự ra đời của cậu bé con tên Su đã lần lượt được Phúc, Vinh và Miền nhớ lại trong khắc khoải. Độc giả không còn phải chờ đợi một kết cuộc bất ngờ hay hụt hẫng vì chúng đã được thông báo trước ngay từ nhan đề: một chuyện tình yêu từng diễn ra nhưng không thành và bây giờ các nhân vật đang đối diện với quá khứ ấy. Với một nhà văn đã qua tuổi lục thập như Nguyễn Nhật Ánh, viết văn bằng giọng điệu người lớn cho những độc giả nhiều tuổi (vì ông từng tiết lộ đây là câu chuyện 16+) hẳn là điều dễ dàng gấp ngàn lần so với khi phải hóa thân thành trẻ nhỏ, soi chiếu mọi thứ dưới góc nhìn của những cô cậu nhóc 14, 15 tuổi. Nhưng có lẽ vậy mà câu chuyện dường như bị giản hóa đi. Từ điểm nhìn hiện đại hồi tưởng về quá khứ, ba nhân vật chính có xiết bao lý do để chọn ra những kỷ niệm đáng nhớ như màn bảo vệ bạn của Phúc, chuyện tình hụt của Vinh, nụ hôn đầu đời hay lần trao thân định mệnh vv. Song cũng vì vậy mà chúng được kể bằng một thứ văn chương logic, làm chủ cảm xúc đến mức khô cứng, những lời bao biện thừa thãi cho tuổi trẻ vốn được coi là khoảng thời gian sống chân thật nhất của con người. Trong đó, những trang văn buồn tẻ nhất có lẽ là tâm sự của Phúc và Miền khi chúng thiếu hẳn những rung động của tình yêu, sự ngây ngô khi họ là hai nạn nhân bất đắc dĩ của thần Cupid cho đến cảm xúc day dứt khi phải chia tay trong im lặng và tủi hổ. Tình yêu đến muộn giữa Vinh và Miền cũng được xây dựng quá sơ sài nếu không muốn nói nhà văn dường như buộc phải vội vàng khi thấy chuyện tình ngày xưa đã đi đến hồi kết mà vẫn còn bao thứ phải kể.
Cũng từ những triết lý của người lớn, chuyện tình tay ba của tuổi học trò ngày xưa phút chốc đã trở thành một cuốn sách khô khan với những tính toán thiệt hơn mà ta vẫn bắt gặp trong góc tâm sự, chuyên mục dành cho gia đình, hôn nhân của các trang báo mà đoạn sau đây có thể xem là tiêu biểu: “trước đây, tôi cứ nghĩ tình cảm tôi dành cho Vinh chỉ là lòng biết ơn vì anh quá tốt với tôi (…) Nhưng ngay lúc này, khi tôi tự lục vấn quyết liệt đến mức gần như bỏ tất cả tình cảm rối rắm trong chai lắc mạnh để xem cái nào nổi lên cái nào lắng xuống, tôi dần dần hiểu ra Vinh mới là người tôi thật sự yêu”. Và có lẽ cũng vì quá tập trung tường thuật truyện tình yêu, ba nhân vật Phúc, Vinh và Miền dường như đã quên mất tuổi thơ của chính họ, cách mà họ bước vào đời nhau, cái nhìn của họ về trường học, bạn bè và thầy cô, hoài bão trước khi bước vào cổng trường đại học vv. Đó điểm hạn chế trong những tác phẩm gần đây của Nguyễn Nhật Ánh như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Ngồi khóc trên cây. Và có lẽ cũng là điểm yếu của nhiều tác phẩm văn học dành cho tuổi mới lớn bây giờ khi mải miết mô tả tình yêu cá nhân trong khi chúng chỉ là một phần những trải nghiệm trước khi ta bước vào tuổi trưởng thành.
Với người hâm mộ của Nguyễn Nhật Ánh, Ngày xưa có một chuyện tình vẫn là cuốn sách đáng đọc, là lời giải đáp của nhà văn cho những ai còn đương tò mò về tương lai của các nhân vật trong nhiều sáng tác mà ông dành nhiều tâm huyết. Nhưng có lẽ sẽ tốt hơn khi ta dừng kỷ niệm về tuổi học trò ở những trang đẹp đẽ và mơ màng nhất rồi tự viết nên các kết thúc của nhân vật cho riêng mình.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Hải Đăng