Đừng quá ngạc nhiên hay quá sốc, nền Dân Chủ không hoàn hảo như bạn tưởng!
Để vươn tới nền dân chủ, nhân loại đã phải đi qua một quá trình đấu tranh anh hùng, dài dằng dặc, gian truân tới mức thật là xấu hổ – thậm chí nhục nhã – khi ngày nay ta lại cảm thấy đôi chút thất vọng về nó. Chúng ta biết rằng trong những thời khắc lịch sử trọng đại, vô vàn người đã hi sinh để chúng ta, thế hệ ngày nay và trong tương lai, có thể đặt được dấu gạch bên cạnh tên của 1 ứng cử viên trong hòm bỏ phiếu. Với hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới, dân chủ là một mong ước thầm kín và tuyệt vọng.
Thế nhưng ngày nay, có lẽ chúng ta lại đang trải qua những giai đoạn cảm xúc bực dọc và chán nản bởi các chính trị gia được bầu lên một cách dân chủ. Ta cảm thấy thất vọng bởi các đảng phái và nghi hoặc liệu các cuộc bầu cử có thể tạo ra sự khác biệt nào không. Tuy vậy, không ủng hộ nền dân chủ, hay nhiệt liệt chống lại nó cũng không phải là một thái độ đúng đắn. Trong tâm trí, ta dường như hoàn toàn cam kết với nền dân trị nhưng trong lòng vẫn liên tục bị nó làm thất vọng cũng như bực bội.
Có lẽ người chỉ dẫn tốt nhất giúp ta hiểu những cảm xúc này, và nền dân chủ hiện đại nói chúng, là nhà quý tộc thế kỉ 19 người Pháp Alexis de Tocqueville, người – trong những năm đầu 1830, đã du lịch khắp nước Mỹ để nghiên cứu bầu văn hóa chính trị của một quốc gia dân chủ thực sự đầu tiên trên thế giới và sau đó tổng hợp những tư tưởng của mình vào một trong những tác phẩm triết học chính trị vĩ đại nhất, Nền dân trị Mỹ, xuất bản tại Pháp năm 1835.
Ông sinh ra năm 1805, khi Napoleon là nhà độc tài được yêu chuộng ở phân nửa châu Âu. Sau trận Waterloo, nhà Bourbon trở lại nắm quyền – và mặc dù cũng có các cuộc bầu cử, nhưng quyền đi bầu cực kì bị giới hạn. Nhưng, de Tocqueville, đã tiên đoán chính xác rằng, dân chủ sẽ là 1 ý tưởng lớn trong tương lai trên khắp thế giới. Điều ông muốn tìm hiểu là, mặt mũi nó sẽ như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra khi các xã hội, trong nhiều thế hệ đã bị cai trị bởi thiểu số quý tộc tinh hoa và những kẻ thừa kế của cải và quyền lực, nay bắt đầu chọn các lãnh đạo của mình trong các cuộc bầu cử mà hầu như toàn bộ những người trưởng thành đều có thể đi bầu?
Đó là lý do tại sao de Tocqueville sang nước Mỹ: để mục sở thị tương lai ra sao. Ông đi được là nhờ một khoản đài thọ của chính quyền Pháp, với mục đích cử ông sang Mỹ để nghiên cứu hệ thống nhà tù Mỹ và tổng kết một bản báo cáo bài học rút ra. Nhưng de Tocqueville không quá quan tâm tới các nhà tù và nói rõ trong các lá thư với các bạn bè của mình rằng lý do thực sự của chuyến đi này là nghiên cứu đạo đức, tư tưởng, kinh tế và quá trình chính trị của dân Mỹ. Ông đến New York, cùng với người bạn của mình Gustave de Beaumont, 1 quan tòa, vào tháng 5 năm 1831 – và sau đó theo đuổi một cuộc hành trình dài hơi khắp đất nước, kéo dài 9 tháng, cho đến tháng 1 năm 1832.
De Tocqueville và Beaumont đi tới tận Michigan, khi đó là vùng biên cương và tại đây cảm nhận được sự vĩ đại của cảnh vật miền Trung Tây Mỹ. Họ cũng đi xuống New Orleans, nhưng dành phần lớn thời gian tại Boston, New York và Philadelphia. Họ gặp đủ các loại người: các tổng thống, luật sư, chủ ngân hàng, thợ chữa giày, người cắt tóc… – và thậm chí còn bắt tay với những người đặt bút kí cuối cùng còn sống sót của bản Tuyên Ngôn Độc Lập, một quý ông tên là Charles Carroll…
Tuy nhiên, De Tocqueville cực kì nhạy cảm với những vấn đề, và mặt tối tiềm tàng của nền dân chủ. 5 vấn đề khiến ông lo âu nhất là:
Một: Dân chủ đẻ ra chủ nghĩa vật chất
Trong xã hội mà de Tocqueville thân thuộc từ nhỏ, kiếm tiền dường như không phải là vấn đề trọng yếu trong tâm trí hầu hết dân chúng. Kẻ nghèo (chiếm đại đa số) gần như không có cơ hội nào để làm giàu. Vì vậy do họ chỉ quan tâm đến chuyện hôm nay có gì để ăn, tiền không phải là suy nghĩ thường nhật cũng như tham vọng của họ: đơn giản là họ không có chút cơ hội nào. Mặt khác, một phần nhỏ giới quý tộc lại không cần kiếm tiền – và coi nó là một nỗi hổ thẹn nếu làm cái gì đó vì tiền, hoặc dính lứu đến thương mại hay buôn bán. Vì vậy, với nhiều lý do khác nhau, tiền không phải tiêu chí để người ta đánh giá một đời người.
Tuy nhiên, những người Mỹ mà de Tocqueville gặp dường như đều tin rằng nếu làm việc chăm chỉ, họ có thể tạo ra của cải và việc này hoàn toàn đáng kính trọng và công chính. Do đó chẳng ai hoài nghi tham vọng làm giàu, thậm chí còn đôi chút phán xét đạo đức với những người nghèo, và vô cùng kính trọng năng lực kiếm tiền. Khả năng làm giàu dường như là thành tựu duy nhất mà người Mỹ nghĩ rằng đáng tôn trọng. Ví dụ, ở Mỹ, de Tocqueville quan sát, một cuốn sách không tạo ra tiền – bởi vì nó không bán chạy – không thể là một tác phẩm hay, bởi vì thang đo kiểm tra độ hay là tiền. Và bất cứ thứ gì có thể kiếm ra tiền đều sẽ được trọng vọng. Chính thái độ có phần thô kệch, thiếu sắc thái này của dân Mỹ đã khiến de Tocqueville nhìn thấy những lợi ích các hệ thống địa vị xã hội đa cực, có phần tinh tế ở châu Âu, nơi một người tuy nghèo, cũng vẫn có thể mang trong mình những giá trị tốt; hay kẻ giàu nhưng tâm hồn lại tầm thường.
Dân chủ và Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra 1 cách thức tương đối bình đẳng, nhưng cũng rất cào bằng và thậm chí còn có phần áp bức để con người đánh giá lẫn nhau.
Hai: Dân chủ đẻ ra sự ganh tị và xấu hổ
Du lịch khắp nước Mỹ, de Tocqueville phát hiện 1 căn bệnh lạ lùng làm sói mòn tâm hồn của những công dân thuộc một nền cộng hòa mới. Người Mỹ đúng là có của, nhưng sự thịnh vượng này không ngăn họ ngừng ham muốn nhiều hơn và lại càng trở nên đau khổ bất cứ khi nào thấy ai có tài sản gì mà mình thiếu. Trong 1 chương của cuốn Nền Dân Trị Mỹ mang tên ‘Tại sao được sống giữa sung túc rồi mà người Mỹ vẫn tỏ ra lo âu đến thế’, ông phác họa 1 bài phân tích đến nay vẫn còn rất sâu sắc về mối quan hệ giữa sự bất mãn và kì vọng cao, giữa ghen tị và bình đẳng:
“Khi mọi đặc quyền do nguồn gốc ra đời đều bị thủ tiêu, khi mọi nghề nghiệp đều mở cửa cho tất cả mọi người và con người có thể tự mình đi tới từng đỉnh cao trong mọi đỉnh cao, thì khi đó dường như một sự nghiệp vô cùng rộng lớn và dễ dàng được mở ra trước tham vọng của mọi người, và họ tự nhiên hình dung thấy mình được hấp dẫn vì những vận mệnh lớn lao. Nhưng đó là một cách nhìn sai lạc ngày lại ngày được kinh nghiệm uốn nắn lại cho. Khi bất công là quy luật phổ biên trong xã hội, những bất công to lớn nhất cũng không khiến ai quan tâm. Nhưng khi mọi thứ ngang bằng nhau, một sự chênh lệch tí xíu cũng bị để ý…Chính đó là nguyên nhân của cái vẻ âu sầu đặc biệt mà ta thường nhận thấy ở những con người sống giữa cảnh sung túc ê hề trong những miền đất dân chủ, và (nguyên nhân của tất cả) sự chán chường cuộc sống xảy đến với con người giữa cuộc sinh tồn êm ả và dư dả của họ. Ở Pháp, người ta than phiền về số lượng gia tăng các cuộc tự tử; ở Mỹ tự tử hiếm hơn, nhưng chắc chắn là tình trạng tâm thần điên dại ở nước này có tính chất phổ biến hơn bất cứ ở đâu.”
Đã quá quen với những hạn chế của các xã hội quý tộc, Tocqueville hoàn toàn không mong trở lại thời gian trước những năm 1776 hay 1789. Ông biết rằng những cư dân của phương Tây hiện đại đã tận hưởng chất lượng sống cao hơn nhiều các giai cấp thấp kém của châu Âu thời trung cổ. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng những tầng lớp bị áp bức này cũng được bình an về mặt tinh thần hơn lớp con cháu của họ:
Tuy nhiên, các nền dân chủ đã rỡ bỏ mọi hàng rào của sự kì vọng. Tất cả các thành viên của 1 cộng đồng đều cảm thấy mình ngang bằng nhau về mặt lý thuyết, kể cả khi họ không có các công cụ để đạt được sự bình đẳng vật chất. ‘Ở Mỹ,’ Tocqueville viết, ‘Tôi chưa bao giờ gặp một công dân nghèo đến mức không thả một ánh nhìn hi vọng và ghen tị tới niềm sung sướng của người giàu’. Lớp dân nghèo quan sát những người giàu ở khoảng cách gần và tin tưởng rằng 1 ngày họ cũng nối gót theo bước vinh hoa phú quý. Không phải lúc nào họ cũng nhầm. Có rất nhiều người xuất thân từ địa vị thấp đã trở nên giàu có. Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số, chứ không phải đại đa số. Nước Mỹ vẫn có những tầng lớp khốn cùng. Chỉ là, không giống như dân nghèo trong các xã hội quý tộc, người Mỹ nghèo không còn đổ lỗi cho trật tự tự nhiên, mà cho nỗ lực của chính mình.
Những quan niệm khác nhau về đói nghèo của những thành viên trong xã hội quý tộc và dân chủ đặc biệt rõ ràng, Tocqueville cảm thấy, trong thái độ của những người nô lệ với ông chủ của họ. Trong nền quý tộc, người đầy tớ thường chấp nhận định mệnh của mình với sự mãn nguyện, theo những lời của Tocqueville, họ có thể có ‘tư tưởng cao quý, lòng kiêu hãnh mạnh mẽ, và lòng tự trọng’. Trong nền dân chủ, tuy nhiên, báo chí và công luận liên tục gợi ý cho những con người khốn khổ này rằng họ có thể leo lên những đỉnh cao của xã hội, rằng họ có thể trở thành những ông chủ, quan tòa, nhà khoa học hay tổng thống.
Mặc dù cảm giác có vô vàn cơ hội bày ra trước mắt này có thể khuyến khích sự lạc quan bề mặt, đặc biệt trong những nô bộc trẻ, và mặc dù tư tưởng này có giúp những người tài giỏi và may mắn nhất trong số họ đạt được mục tiêu của mình, khi thời gian dần trôi và đại đa số không thể thăng tiến, Tocqueville để ý rằng tâm trạng của họ suy sụp, nỗi cay cắng lấn chiếm và bóp nghẹt tinh thần, và lòng căm thù chính bản thân mình và các ông chủ ngày càng mãnh liệt.
Hệ thống phân chia cấp bậc cứng nhắc đã từng tồn tại trong hầu hết mọi xã hội phương Tây cho đến thế kỉ 18, và đã chối bỏ tất cả hi vọng đổi đời ngoại trừ trong một số trường hợp cực hiếm, mang đầy tính bất công theo nhiều góc độ hiển nhiên, nhưng nó đem lại cho những con người ở dưới đáy xã hội một dạng tự do cao quý: sự tự do không phải lấy thành tích của quá nhiều người trong xã hội làm điểm so sánh – và do đó lại thấy mình thèm khát địa vị và danh vọng như họ.
Ba: Sự chuyên chế của số đông
Thông thường, ta vẫn nghĩ về dân chủ như sự đối lập của chuyên chế. Trong một nền dân trị, một nhóm đặc quyền đặc lợi không thể cai trị mọi người khác bằng vũ lực; các lãnh đạo phải cai trị với sự đồng thuận từ những người bị cai trị. Nhưng de Tocqueville để ý rằng nền dân chủ có thể dễ dàng tạo ra một kiểu độc tài đặc thù riêng: độc tài của số đông. Về mặt nguyên tắc, các nhóm đa số có thể rất nghiêm ngặt và thù địch với nhóm thiểu số. De Tocqueville không chỉ đơn thuần nghĩ về sự đàn áp chính trị công khai, nhưng về một kiểu chuyên chế bớt nghiêm trọng, nhưng vẫn rất thực hơn mà đơn giản chỉ cần ‘ở phe thiểu số’ sẽ bị những hệ tưởng hiện hành đánh già là không thể chấp nhận được, bệnh hoạn – thậm chí là một hiểm họa.
Văn hóa dân chủ, ông nghĩ, có thể dễ dàng đi đến sự phá hủy bất cứ sự khẳng định khác biệt nào, đặc biệt là những ai có phông văn hóa cao hoặc học thức tốt có thể bị coi là bất kính với số đông – kể cả khi họ là những người tài giỏi thật sự. Trong nền chuyên chế của số đông, một xã hội sẽ trở nên khó chịu với những cá nhân có tài năng hoặc tham vọng sáng chói.
Điều này, ông nghĩ, là một cái giá tự nhiên người ta phải trả khi sống ở một nền dân chủ.
Bốn: Nền dân chủ khiến chúng ta chống lại uy quyền
De Tocqueville thấy rằng nền dân chủ cổ vũ những ý tưởng mạnh mẽ về sự bình đẳng tới mức độ tinh thần đó có thể gây hại và làm người dân nản chí. Ông thấy rằng nền dân chủ khuyến khích “trong trái tim con người loại cảm giác bình đẳng thấp hèn, thúc đẩy những kẻ yếu kém muốn ép những người giàu về mức ngang bằng với họ”.
Lối suy nghĩ này nghe có vẻ không phù hợp với ngày nay bởi vì chúng ta cảm thấy bình đẳng luôn là điều đáng quý. Nhưng thứ khiến de Tocqueville khó chịu là cách mà người Mỹ, những người không có phân biệt nhiều về mặt giáo dục, kĩ năng, trải nghiệm, hay tài năng, từ chối tôn trọng cái mà ông gọi “sự cao quý tự nhiên”. Họ được truyền cảm hứng, ông tin rằng, để không cúi đầu trước bất cứ uy quyền nào. Họ từ chối nghĩ rằng ai đó có thể hơn mình chỉ bởi vì họ đã được đào tạo trở thành một người bác sĩ, nghiên cứu luật trong vòng 20 năm hay đã viết một vài cuốn sách tốt.
Năm: Dân chủ phá hủy tư duy lý trí
Về mặt bản năng, bạn cho rằng dân chủ sẽ thúc đẩy các công dân có một đầu óc cởi mở. Chắc chắc là dân chủ khuyến khích sự tranh luận và cho phép những bất đồng được giải quyết bằng lá phiếu, thay vì bạo lực? Chúng ta nghĩ rằng sự cởi mờ là kết quả của việc sống ở những nơi mà rất nhiều ý kiến đều được lên tiếng.
Tuy nhiên, de Tocqueville lại đi đến kết luận ngược lại: nghĩa là hiếm có nơi nào người ta có thể thấy “con người thiếu tự duy suy nghĩ, và tự do thảo luận thực sự như ở nước Mỹ’.
Tin tưởng rằng hệ thống rất công bằng, người Mỹ đơn giản từ bỏ tính độc lập trong suy nghĩ, và đặt niềm tin của họ vào trong các tờ báo và cái gọi là ‘lẽ thường tình’. Chủ nghĩa hoài nghi của dân châu Âu với ý kiến công luận đã nhường bước có niềm tin ngây thơ vào trí tuệ của đám đông.
Hơn nữa, do đây là xã hội thương mại, mọi người rất hiểu rằng mình không nên quá bất đồng với những người hàng xóm, những khách hàng tiềm năng của mình. Tốt hơn hết là nên hùa theo số đông hơn là đứng một mình.
Trở lại Pháp, de Tocqueville theo đuổi sự nghiệp chính trị của mình. Mặc dù Pháp về mặt danh nghĩa là nền dân chủ vào thời điểm này, hệ thống bầu cử vô cùng hạn chế – có ít hơn 5% người trưởng thành có quyền được đi bầu. Ông là phó và trong một vài tháng không rực rỡ cho lắm, trở thành Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Nhưng năm 1851, tổng thống được bầu cử, Louis Napoleon, tự tuyên bố mình là Hoàng đế và dẹp đi bản hiến pháp. De Tocqueville, lúc đó khoảng 45 tuổi, rời chính trường và sống một cuộc đời an bình tại cơ dinh của ông. Ông mắc bệnh lao phổi và mất vào năm 1859, hưởng thọ 53 tuổi.
Mặc dù ông nói rất nhiều thứ bi quan về nền dân chủ, De Tocqueville không phải là người chống-dân chủ. Ông không cố gắng nói rằng chúng ta không nên có nền dân chủ. Trái lại, ông tin rằng nền dân chủ sẽ là hình thức tổ chức chính trị phổ biến nhất trên thế giới. Mục tiêu thực sự của ông là làm chúng ta thực tế hơn về tương lai. Nền dân chủ có thể sẽ rất tốt ở một số điều, và thực sự tồi ở một sứ thứ khác.
Bằng cách nhấn mạnh những điểm yếu cố hữu của nền dân chủ, ông đang cho chúng ta thấy tại sao sống trong nền dân chủ , theo một số chiều hướng, cực kì khó chịu và chán nản. Ông đang dạy một bài học khắc kỉ rằng một số nỗi đau chắc chắc sẽ tồn tại; và là bạn đồng hành của quá trình tiến bộ chính trị. Ông truyền đạt một bài học đầy tính thế tục: tất nhiên sẽ có những mặt trái của nền chính trị và xã hội dân chủ, đừng quá ngạc nhiên hay quá sốc; đừng lầm tưởng…
Sự thất vọng và khó chịu được nuôi dưỡng bí mật bởi sự hi vọng (đó là niềm tin rằng mọi thứ thực sự có thể khác đi). Bằng cách kể cho chúng ta biết dân chủ có những khiếm khuyết lớn, ông đã giúp những người dân biết bi quan một cách có chiến lược. Tất nhiên, chính trị sẽ trở nên tồi tệ theo nhiều cách khác nhau. Lý do không phải chúng ta đang làm sai điều gì. Nó là cái giá bạn chắc chắn phải trả (và nên sẵn sàng trả) khi trao quyền lực tối thượng cho mọi người dân.
Trạm Đọc (Read Station)