Xã hội và thị trường việc làm ngày nay đã thay đổi chóng mặt đến mức người trẻ phải có những cú chuyển mình lớn lao nếu không muốn bị tụt hậu, thậm chí là bơ vơ, lạc lõng giữa thời đại của chính họ.
Trước đây, không ít người quan niệm rằng họ chỉ cần thành thạo một nghề duy nhất là có thể nuôi sống bản thân và gia đình hến hết đời. Họ hầu như không bao giờ có thói quen xê dịch, thậm chí dành lấy cho bản thân một khoảng thời gian để du lịch, nghỉ ngơi mà chỉ sống ở một ngôi nhà, một vùng đất. Nhưng xã hội và thị trường việc làm ngày nay đã thay đổi chóng mặt đến mức người trẻ phải có những cú chuyển mình lớn lao nếu không muốn bị tụt hậu, thậm chí là bơ vơ, lạc lõng giữa thời đại của chính họ. Đó cũng là phần đầu cho câu chuyện phi thường của Hasu Trần, cô gái trẻ đã dũng cảm bỏ lại mọi thứ phía sau để một mình chinh phục Ấn Độ.
Khi còn bé, chúng ta sống trong những câu chuyện với các bạch mã hoàng tử, các nàng công chúa xinh đẹp hay các mụ phù thủy quái ác. Chúng ta sống một cuộc sống khá êm đềm, nơi luôn cho ta hạnh phúc, nơi những điều chính nghĩa sẽ khuất phục thứ xấu xa. Và đến khi đủ khôn lớn, ta sẽ không thể sống mãi trong vùng an toàn ấy, ta nên biết cách rời xa những thứ thân thuộc để tìm kiếm một hành trình. Khi ấy ta sẽ phải tự thân cắt nghĩa cho những câu hỏi “mình là ai?”, “mình muốn là gì?”, “ý nghĩa của cuộc sống thực sự là điều gì vậy?”. Cũng bởi lẽ đó, những người như Hasu, hay chính xác hơn là những bạn trẻ sinh ra ở thế hệ millennials đã lựa chọn trở thành công dân toàn cầu đề hiện thực hóa giấc mơ và khẳng định giá trị bản thân.
“Mumbai và những chuyến tàu đêm” là cuốn nhật ký của chính tác giả kể về quãng thời gian năm tháng học tập và sinh sống ở Ấn Độ. Từ đây độc giả sẽ được nghe Hasu kể nhiều câu chuyện dở khóc dở cười từ những ngày cô còn chân ướt chân ráo sang một xứ sở xa lạ, cho đến khi trở thành một cô nàng mạnh mẽ, dám du lịch độc hành xuyên Ấn Độ. Việc trở thành một công dân toàn cầu đem lại không ít những trải nghiệm mới mẻ, và kèm theo đó là cả những thử thách khó khăn, và đương nhiên Hasu cũng không phải là ngoại lệ. Liệu bạn có dũng cảm được như Hasu – băng qua những khu ổ chuột nhếch nhách để hiểu hơn về cuộc sống của cô bạn đồng nghiệp người Ấn. Liệu bạn có dám sống tự tin ở một đất nước mà sự phân biệt đối xử giới tính đã hằn sâu vào nếp nghĩ. Ở Mumbai cuộc sống không hề dễ dàng, rào cản ngôn ngữ, cách biệt văn hóa nhiều tới mức đủ khiến một trái tim mạnh mẽ phải nản lòng. Khoảng cách giàu nghèo tại xã hội Ấn Độ cứ dài và sâu thăm thẳm, người ta thậm chí đã mất đi niềm tin ở nhau, người lao động bị coi thường, còn người giàu thì mãi cứ giàu thêm. Ngay cả nền ẩm thực cũng khác biệt, không nhớ biết bao nhiêu lần Hasu quặn người vì các món ăn cay xé lưỡi, những đồ xào quá mặn, hay thứ bánh khô cứng không thể nuốt trôi. Nhưng chừng ấy cũng không thể đánh gục được tinh thần của cô gái trẻ, cô vẫn đặt niềm tin vào những người xa lạ, vẫn hết lòng vì đồng nghiệp, bạn bè. Những trang nhật kí của Hasu phần nào hé lộ những góc khuất của đời sống của một sinh viên quốc tế, lột tả những khoảng thời gian cơ cực, lăn lộn trên đất khách quê người những công dân toàn câu. Nhưng nếu không một lần thử khó, làm sao ta chạm được tới thành công?
Hasu có thể nhìn ra những năng lượng tích cực ngay ở nơi người ta cảm thấy tồi tệ nhất, những chuyến tàu đêm cũ nát, mưa dột lộp độp bỗng hóa nên thơ, những khu phố đông kín người bỗng trở nên duyên dáng, những món ăn từng xa lạ bỗng hóa thân quen. Giống như lời của nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết, “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Ấn Độ đã hòa vào lòng tác giả, trở thành một quê hương thứ hai gần gũi, dễ mến như vậy đấy.
Nhà văn Aleksandr I. Solzhenitsyn đã từng nói: “Hãy chỉ giữ những thứ bạn có thể luôn mang theo: những ngôn ngữ đã biết, những quốc gia đã qua, những con người đã gặp. Hãy để ký ức là hành trang của bạn.”. Hành trình “xuyên Ấn” của Hasu Tran chiếm phần lớn nội dung được kể lại trong cuốn sách Mumbai và những chuyến tàu đêm. Trên dặm dài độc hành, cô gái trẻ đã vượt hàng ngàn cây số từ miền Bắc Ấn đến Nam Ấn, qua hơn 15 thành phố, tới những khu rừng rộng lớn, những vùng biển sâu và cả sa mạc khô cằn, đặt chân đến dãy Himalaya hùng vĩ, dòng sông Hằng linh thiêng ngàn đời, thăm những đền đài, di tích một thời vang bóng, hòa mình vào những lễ hội cổ xưa…
Hasu dường như không bỏ sót một địa dạnh nào của đất nước Ấn Độ. Đó là những bữa sáng tình nguyện từ tinh mơ tại chùa Vàng, đó là những lần chạy trốn thót tim khỏi những kẻ lạ mặt. Trong suốt cuộc hành trình phi thường ấy, Hasu đã may mắn gặp không biết bao nhiêu người tốt. Hóa ra Ấn Độ không tiêu cực và đáng sợ như người ta vẫn thêu dệt. Một Ấn Độ đa tín ngưỡng nhưng vô cùng mến khách. Một Ấn Độ hiện đại nhưng chưa bao giờ đánh rơi những giá trị xưa cũ, ở đó Himalaya vẫn vĩ đại giữ nguyên được văn hóa độc đáo, một Amritsar thánh địa linh thiêng hay đó là Jaisalmer, pháo đài kiên cố giữa sa mạc. Nếu bạn là một tín đồ của du lịch và có đam mê tìm hiểu văn hóa hẳn Mumbai và những chuyến tàu đêm sẽ không làm bạn cảm thấy thất vọng về những trang viết đầy ắp thông tin của Hasu Tran. Bằng một giọng văn tươi trẻ và không kém phần duyên dáng, Hasu đã chinh phục độc giả thành công qua những cảm xúc hết sức chân thật của một cô gái mới bước qua tuổi 23.
“Mumbai và những chuyến tàu đêm” đã khắc họa thành công bức tranh sống động vể một Ấn Độ mang vẻ đẹp huyền bí, vừa cổ xưa, vừa hiện đại, tràn ngập sức sống qua đôi mắt của cô gái thuộc thế hệ millennials Việt Nam, với một tuổi trẻ khát khao sống, đi và trải nghiệm. Hãy tìm kiếm niềm đam mê của mình và bạn sẽ tìm thấy mục đích và sức mệnh trong cuộc sống. Hasu và câu chuyện “xuyên Ấn” của cô sẽ truyền cảm hứng lớn lao cho các bạn trẻ tự tin thể hiện chính mình.
Duy Nghĩa