Theo nhà phê bình văn học Colombia Juan Gabriel Vásquez, cuốn sách “Dos soledades” có nhiều bài học quý về “nghề” viết tiểu thuyết.
Cuộc trò chuyện của hai cây đại thụ văn học Gabriel García Márquez (Colombia, 1927-2014) và Mario Vargas Llosa (Peru, 1936) tại Lima (Peru) về chủ đề “Văn học – Tiểu thuyết Mỹ Latinh” được nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học trên thế giới chứng kiến và ghi chép lại.
Mới đây, đội ngũ biên tập của Nhà xuất bản Alfaguara (Peru) đã khôi phục toàn bộ đoạn hội thoại đó, kết hợp lời nhân chứng có mặt, cho ra đời cuốn Dos soledades (tạm dịch: Hai người cô đơn).
Vào thời điểm đó, Gabriel García Márquez vừa bán được 30.000 bản Trăm năm cô đơn. Còn Mario Vargas Llosa giành giải thưởng Rómulo Gallegos với tác phẩm Nhà xanh.
Sau này, cả hai được biết đến là những tác gia vĩ đại nhất của Mỹ Latinh nói riêng và nền văn học tiếng Tây Ban Nha nói chung. Họ đoạt giải Nobel Văn học vì những cống hiến cho nền văn học thế giới.
Dos soledades tái hiện một lát cắt cơ bản của lịch sử văn học Mỹ Latinh thế kỷ 20. Hai tiểu thuyết gia đưa quan điểm của họ về sự khởi đầu chủ nghĩa văn học mà mãi sau này, người đọc mới biết đó chính là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Nội dung cuốn sách được dựa trên cuộc trò chuyện công khai giữa hai tiểu thuyết gia vĩ đại này và một số lời bình, trích dẫn qua các cuộc phỏng vấn tới các nhân chứng có mặt là các nhà văn, nhà báo, nhà phê bình văn học.
“Bộ đôi Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa đã khởi màn cho sự bùng nổ tiểu thuyết Mỹ Latinh. Họ đã biểu diễn một ‘buổi hòa nhạc văn học’ mà tôi chưa từng nghe trước đây và mãi đến sau này trong cuộc đời mình”, nhà văn Ricardo González Vigil (một trong số những nhân chứng có mặt tại cuộc gặp gỡ năm ấy giữa Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa) hồi tưởng.
Trong lời tựa sách, nhà phê bình văn học Juan Gabriel Vásquez viết: “Một cuộc trò chuyện ‘lạc lối’ giữa hai tên tuổi đoạt giải Nobel Văn học xuất hiện trong một cuốn sách, trong đó chứa nhiều bài học quý giá về ‘nghề’ viết tiểu thuyết hơn bất kỳ trường đào tạo văn học nào”.
Mở đầu cuộc trò chuyện, nhà văn Vargas Llosa hỏi chủ nhân của Trăm năm cô đơn: “Nghề viết văn giúp ích gì cho ông?” và nhận được lời đáp: “Tôi trở thành nhà văn khi tôi nhận ra rằng việc viết văn không phục vụ lợi ích gì cho riêng tôi. Khi bắt đầu viết, cơ thể tôi như đang tuân theo một ơn gọi hấp dẫn nào đó”.
Khi nền văn học Mỹ Latinh nở rộ với nhiều tiểu thuyết, cũng là lúc chủ nghĩa hiện thực huyền ảo bắt đầu.
Được làng văn thế giới biết đến là người khởi xướng cho chủ nghĩa này, Gabriel García Márquez cho rằng sự bùng nổ ấy không xuất phát từ lối viết của ông.
“Thiên chức của nhà văn là viết sao cho độc giả cảm thấu được trang viết của mình. Những tác phẩm tốt ắt sẽ có độc giả. Vì vậy, tôi nghĩ sự ‘bùng nổ’ xuất phát từ độc giả chứ không phải từ phong cách viết của nhà văn hay chủ nghĩa hiện thực huyền ảo mà nhà văn đó đang theo đuổi”, García Márquez trả lời Vargas Llosa.
Cũng trong cuộc trò chuyện, khi nhận xét về văn hóa đọc tiểu thuyết của độc giả ở thời điểm đó, nhà văn Vargas Llosa cho biết lượng người đọc ở Mỹ Latinh đang tăng lên rất nhiều.
“Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đã mang tác phẩm đến rộng hơn với độc giả không chỉ khắp khu vực Mỹ Latinh, mà còn lan ra châu Âu và Mỹ”, tiểu thuyết gia Vargas Llosa nói.
Cố biên tập viên kiêm nhà phê bình văn học người Peru Abelardo Oquendo từng chia sẻ ông đã đóng vai trò người phỏng vấn tới hai cây đại thụ của nền văn học Mỹ Latinh, nhưng ông đặt García Márquez vào trung tâm của sự chú ý vì cho rằng chính cây bút Trăm năm cô đơn là người đã đưa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đến với nền văn học thế giới..
Theo ông, cuốn sách Dos soledades là cuộc hội thoại có sự kết hợp giữa đời sống và văn học, lý thuyết và thực hành, trí tưởng tượng và thực tế. Nó như một “phép tường thuật” của cả hai nhà văn. Bởi thế, toàn bộ nhân chứng có mặt lúc bấy giờ “không ai nhận thấy thời gian đang trôi qua”.
Mario Vargas Llosa được biết đến qua tác phẩm La ciudad y los perros (Thành phố và lũ chó), La casa verde (Nhà xanh), Conversación en la catedral (Cuộc trò chuyện trong nhà thờ), La tía Julia y el escribidor (Dì Julia và nhà văn quèn), La guerra del fin del mundo (Chiến tranh ở ngày tận thế)…
Ông giành nhiều giải thưởng văn học như: Giải thưởng Cervantes, giải Jerusalem, giải Hòa bình của ngành kinh doanh sách Đức.
Ông nhận giải Nobel Văn học năm 2010 vì đã “vạch ra những kết cấu của sức mạnh quyền lực và những hình ảnh sắc sảo về sức phản kháng, sự nổi loạn và thất bại của con người”.
Gabriel Garcia Márquez giành giải Nobel Văn học năm 1982. Ông là tiểu thuyết gia, tác giả truyện ngắn, tiểu luận, nhà phê bình phim, biên kịch và một nhà trí thức lớn của Colombia.
Ông được biết đến là cây bút vĩ đại nhất của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ông nổi tiếng với các tiểu thuyết El amor en los tiempos del cólera (Tình yêu thời thổ tả), El otoño del patriarca (Mùa thu của vị trưởng lão), El coronel no tiene quien le escriba (Ngài đại tá chờ thư) và hơn cả là Cien años de soledad (Trăm năm cô đơn).
Theo Zing News