“Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu” góp phần vào việc tìm hiểu một nền giáo dục trong quá khứ và khám phá những di tích có giá trị lịch sử.
Văn Miếu là nơi thờ tự Khổng Tử, các bậc tiên nho và là biểu tượng của văn hóa Nho giáo. Ở nước ta, bên cạnh những yếu tố trên, Văn Miếu còn mang những nét riêng của văn hóa bản địa, như thờ các vị tiên thánh, tiên hiền như Chu Văn An, các vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông… Hoặc trong khuôn viên Văn Miếu lại xây dựng Quốc tử Giám (Nhà Thái Học) và Khuê Văn Các
Biểu tượng của văn hóa Nho giáo
Hiện nay, có hàng chục công trình nghiên cứu về Văn Miếu. Tuy nhiên, nghiên cứu một cách tương đối bao quát về hệ thống Văn Miếu trong cả nước thì cuốn Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu của tác giả Trịnh Khắc Mạnh (chủ biên) – Dương Văn Hoàn là chuyên khảo đầu tiên. Cuốn sách này được biên soạn nhân 100 năm kết thúc nền khoa cử giáo dục Nho học ở Việt Nam (1919-2019).
Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu được trình bày theo hướng thực chứng tư liệu ghi chép về hệ thống Văn Miếu Việt Nam. Các tác giả sách đã căn cứ những bộ chính sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục…; tư liệu địa chí; tư liệu văn bia và các công trình nghiên cứu về hệ thống di tích Nho học của các nhà nghiên cứu đi trước, qua đó cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quan về tư liệu, ghi chép một cách hệ thống các di tích Văn Miếu Việt Nam.
Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu bắt đầu bằng việc tìm hiểu về Văn Miếu nói chung, Văn Miếu ở các nước Đông Bắc Á nói riêng; Nho học và khoa cử Nho học Việt Nam.
Các tác giả cho biết nền khoa cử Nho học ở Việt Nam có một chặng đường lịch sử dài, nhiều thăng trầm, tính từ thời độc lập tự chủ, bắt đầu từ năm 1075 (triều Lý), kết thúc vào năm 1919 (triều Nguyễn).
Trong gần 1.000 năm, nền khoa cử này đã đào tạo và công nhận gần 2.900 nho sĩ đỗ đại khoa (với các học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ).
Lịch sử khoa cử nho học Việt Nam cũng đã chứng minh, các nho sĩ Việt Nam luôn tiếp nhận những yếu tố tích cực của Nho giáo và giáo dục khoa cử Nho học để xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ và hùng cường; xây dựng nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Các tác giả cũng cho biết Văn Miếu ra đời là sự khẳng định của việc tôn sùng Nho giáo, khuyến khích phát triển giáo dục khoa cử Nho học, biểu dương tinh thần học tập và kết nối những giá trị đạo đức truyền thống.
Hệ thống Văn Miếu Việt Nam
ỞViệt Nam, Văn Miếu cấp quốc gia có từ thế kỷ XI (1070), phát triển trở thành hệ thống có quy mô toàn quốc vào đầu thế kỷ XIX (1803) khi vua Gia Long lệnh cho các dinh trấn trong cả nước đều lập các Văn Miếu.
Qua những nguồn tư liệu khác nhau, các tác giả sách đã thống kê Văn Miếu Quốc gia có 2 di tích; Văn Miếu cấp tỉnh có 28 di tích; Văn Miếu cấp phủ, huyện, tổng xã, thôn có 444 di tích.
Về Văn Miếu cấp quốc gia có 2 di tích là Văn Miếu – Quốc tử Giám Thăng Long – Hà Nội và Văn Miếu – Quốc tử Giám Huế.
Hai Văn Miếu này do nhà nước trung ương đứng ra xây dựng ở Kinh đô đất nước Đại Việt – Đại Nam Việt Nam, thể hiện sự trường tồn, khẳng định ý chí độc lập của một dân tộc có bề dày văn hiến.
Cùng Quốc tử Giám, hai Văn Miếu này còn tạo một khu thực hành lễ nghĩa văn hóa truyền thống và tổ chức học hành thi cử mang tính quốc gia.
Trong cuốn sách, độc giả sẽ có dịp tìm hiểu kỹ lưỡng về lịch sử, nội dung các văn bia tiến sĩ, hoành phi, câu đối cũng như việc tế lễ ở 2 Văn Miếu cấp quốc gia này.
Về Văn Miếu cấp tỉnh (còn được biết trong lịch sử thời kỳ trung đại) có 28 di tích được phân bổ theo không gian như sau:
Miền Bắc có 14 Văn Miếu: Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa (Phú Thọ), Sơn Tây, Hải Dương (Mao Điền), Nam Định, Bắc Ninh, Cao Bằng, Quảng Yên (nay thuộc Quảng Ninh), Hưng Yên (Xích Đằng), Ninh Bình, Thanh Hóa.
Miền Trung có 10 Văn Miếu: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (Diên Khánh), Bình Thuận.
Miền Nam có 4 Văn Miếu: Trấn Biên (Biên Hòa, Đồng Nai), Gia Định (nay là TP.HCM), Vĩnh Long, An Giang.
Chi tiết các Văn Miếu cấp tỉnh này cũng được trình bày rất kỹ lưỡng trong cuốn sách từ lịch sử đến hệ thống văn bia, bi ký…
Văn Miếu cấp phủ, huyện, tổng xã, thôn có các danh xưng khác nhau: Văn Miếu, Văn thánh, Thánh từ, Văn chỉ. Trong cuốn sách, các tác giả đã trình bày những thông tin cơ bản của 444 di tích: Bắc Giang: 22, Bắc Ninh: 38, Hà Đông: 33, Hà Nam: 3, Hà Thành: 9; Hà Tĩnh: 7, Hải Dương: 44; Hưng Yên: 34, Nam Định: 30, Nghệ An: 27…
Bên cạnh trình bày chi tiết hệ thống Văn Miếu, sách Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu còn nêu những giá trị lịch sử của hệ thống Văn Miếu Việt Nam như: Văn Miếu trong văn hóa Việt Nam; một số giá trị của giáo dục khoa cử nho học Việt Nam; những điểm sáng của nền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam…
Với việc trình bày một cách tương đối bao quát về hệ thống Văn Miếu, Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu đã góp phần vào việc tìm hiểu một nền giáo dục Nho học trong quá khứ và khám phá những di tích có giá trị lịch sử trong nền văn hiến dân tộc.
Theo Zing News