Chỉ lướt qua tựa “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo”, dễ có cảm giác đây là dạng sách tự truyện, nhưng đọc rồi mới thấy hóa ra tác giả nói hộ lòng mình, nhiệt tình dẫn dắt để mình mài sắc kỹ năng, tư duy lãnh đạo.
Điều đập vào mắt bạn đọc đầu tiên là “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo” nhỏ gọn với khổ 16 x 24 cm dày 213 trang, in 3 màu với nhiều hình vẽ minh họa sống động, sát với nội dung. Trong khi đó, nội dung đi thẳng vào trọng tâm, mổ xẻ, giải quyết những vấn đề mà lãnh đạo doanh nghiệp thường gặp. Nội dung giàu tính thực tiễn, thực chiến được thể hiện qua văn phong ngắn gọn, sinh động chính là điểm nội bật nhất của cuốn sách.
“Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo” chính là những sợi tơ vàng óng mà tác giả “tằm” đã nghiền nát không biết bao nhiêu lá dâu thực tế rồi rút ruột nhả ra. Tác giả Phạm Duy Hiếu là “người trong cuộc”, tuổi đời còn trẻ nhưng kinh nghiệm dạn dày. Ông là CEO của VietABank khi mới 34 tuổi, trở thành CEO trẻ nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam, được trao giải thưởng Sao Đỏ năm 2014, hiện là Chủ tịch Startup Vietnam Foundation…
Tác giả đã chắt lọc tinh hoa thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp của mình để kết thành 50 “cuộn tơ” bài học vừa cụ thể vừa khái quát để độc giả có thể dễ dàng áp dụng vào thực tế, không chỉ trong điều hành doanh nghiệp mà còn trong cuộc sống hằng ngày.
50 bài học là 50 tình huống cụ thể, 50 cẩm nang giàu tính thực chiến. Đó chính là 50 câu trả lời cho 50 câu hỏi của doanh nhân khởi nghiệp, học viên, nhân viên của chính tác giả.
Có thể nói, “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo” là tập hợp lời khuyên hữu ích vừa mang tính cụ thể, thực chiến, dễ áp dụng trong thực tiễn, vừa mang tính khái quát, định hướng, giúp khai mở tư duy đa chiều, vận dụng trong hành trình “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của bất kỳ nhà lãnh đạo nào.
Ví dụ, với giai đoạn “tu thân, tề gia”, tác giả có lời khuyên sâu sắc về cách thức thể hiện, tiến tới giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực của bản thân và ảnh hưởng của chúng đối với người xung quanh. Theo đó, có 4 cấp độ xử lý là kìm nén, thành thật, tỉnh thức và chuyển hóa. “Cấp độ 4 là nhà lãnh đạo chuyển hóa. Người lãnh đạo hướng dẫn, truyền đạt cho đội ngũ phương pháp, cách thức để họ cũng có thể làm giống như anh ta: luôn chọn sự bình an, tĩnh lặng thay vì bị những cơn cảm xúc cuốn đi. Đến lúc này thì mọi thành viên đều có thể làm được. Đội ngũ lúc này trở thành đội ngũ sáng suốt nhất, mạnh mẽ nhất”.
Hay như trước câu hỏi “Em cảm thấy công ty trả lương cho em không tương xứng với những gì đã cống hiến. Em có nên tiếp tục làm việc ở đây hay không?”, tác giả khái quát rằng, có 3 cấp độ làm việc là đòi hỏi, đàm phán và cống hiến. Sau khi phân tích kỹ 3 cấp độ này, tác giả kết luận: “Tổ chức có thể đánh mất nhân sự vì chính sách không linh hoạt, thiếu hấp dẫn. Nhưng mình nhất định không thể đánh mất bản thân vì lỗi của tổ chức”.
Với giai đoạn “trị quốc, bình thiên hạ”, tác giả cũng có những kiến giải sâu sắc về nhiều tình huống quản trị như lập kế hoạch, hoàn thành chỉ tiêu, tăng tinh thần trách nhiệm, đuổi việc nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát huy tinh thần đoàn kết, vinh danh, khen thưởng, tranh thủ xu thế đổi mới sáng tạo đang diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới…
Lời khuyên, chiêm nghiệm của tác giả đôi lúc được đúc rút mang tính gợi mở, định hướng rất cao. Ví dụ, “Thất bại là chuyện nhỏ, thái độ của người lãnh đạo trước thất bại mới là chuyện lớn”, “Giận dữ là trừng phạt bản thân mình vì lỗi của người khác”, “Lãnh đạo phải biết cả những lúc không cần lãnh đạo mới thực sự là biết lãnh đạo”, “Sứ mệnh của nhà lãnh đạo là tạo ra những nhà lãnh đạo mới”, “Lãnh đạo tử tế hay không tử tế, nhân văn hay không nhân văn, đều là sự lựa chọn của bạn, không liên quan đến người khác”, “Mọi sự khởi đầu mới đều bắt đầu từ một sự kết thúc khác; làm tốt việc kết thúc chính là đang làm tốt cho việc khởi đầu”…
Như vậy, tác giả đã trả lời 50 câu hỏi cụ thể không chỉ với tâm thế của một doanh nhân thành đạt, một người từng kinh qua các vị trí quản lý, lãnh đạo cấp cao tại nhiều định chế tài chính, mà còn với tâm thế của một người tu luyện đã đạt tới cảnh giới cao của sự giác ngộ.
Những lời gan ruột đầy thiện chí dẫn dắt bạn đọc trên con đường khởi nghiệp chông gai ấy được thể hiện bằng một giọng văn sinh động lúc thủ thỉ tâm tình, lúc cao đàm khoát luận. “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo” là sự hội tụ thú vị của văn phong khoa học và văn phong báo chí. Sách có văn phong tốt của những bài viết khoa học với ba yếu tố cơ bản là chính xác, rõ ràng và ngắn gọn; đồng thời có văn phong hay của những bài báo với ba yếu tố cơ bản là đơn giản, cụ thể và sinh động.
Trả lời cho câu hỏi về ý định “nhảy việc”, dùng dằng nửa ở nửa đi, tác giả vừa mổ xẻ vấn đề một cách trần trụi vừa có những nhận xét bay bổng, hài hước: “Muốn vào nhà thì vào đi, muốn ra ngoài khám phá thì ra ngoài khám phá đi. Đừng ngồi trên hàng rào như thế. Vì ngồi ở đó… rất đau”. Có thể “xuyên tạc” một chút để nói về cuốn sách: Muốn phát triển kỹ năng lãnh đạo thì đọc “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo”, rồi ra ngoài áp dụng ngay đi, đừng há miệng chờ sung nhé!