Bỏ mức lương 2.500 USD, Viễn khăn gói về lại quê tìm hướng đi mới. Nhảy việc sang môi trường báo chí, tiếp xúc nhiều với việc livestream nhưng anh nhận thấy công cụ có sẵn trên thị trường khá phức tạp, khó sử dụng.
[bs-quote quote=”Dự tính 6 tháng đầu năm, chúng tôi sẽ tiến vào thị trường Đông Nam Á. Đến 6 tháng cuối năm, sẽ chiếm lĩnh thị trường Mỹ và châu Âu.” style=”style-22″ align=”left” author_name=”Nghiêm Tiến Viễn”][/bs-quote]
31 tuổi, Nghiêm Tiến Viễn – giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Gostream Viễn – là một trong 7 start-up xuất sắc nhất Việt Nam sang Mỹ tham dự Techfest tại Silicon Valley. Năm 2020, anh đoạt ngôi vị quán quân Techfest.
Trước đó, Gostream đã chinh phục nhà đầu tư, nhận được 1 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ Quỹ VinaCapital Ventures. Đồng thời được Facebook đưa vào danh sách một trong 30 nền tảng được sử dụng để livestream nhiều nhất trong 30 ngày trên thế giới.
“Có thể sửa được”
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viễn được mời về phụ trách phần kỹ thuật cho một công ty của Mỹ có trụ sở ở Việt Nam với mức lương khá cao 2.500 USD.
Nhưng anh đột ngột về quê đảm nhận phụ trách kỹ thuật cho một tờ báo, Viễn tiếp xúc nhiều hơn với việc livestream nhưng khi sử dụng công cụ, phần mềm có sẵn trên thị trường lại khá phức tạp, khó sử dụng. Viễn nghĩ: “Có thể sửa được. Mình có thể làm đơn giản hơn, sao người ta lại làm phức tạp như vậy?”.
Nung nấu ý tưởng, sau một năm Viễn bắt tay vào khởi nghiệp và cho ra mắt sản phẩm Gostream cung cấp giải pháp hỗ trợ livestream từ video có sẵn, đã được biên tập giúp người dùng tiết kiệm thời gian, tạo ra video livestream ưng ý nhất. Vừa ra mắt, Gostream nhanh chóng gây tiếng vang trên thị trường công nghệ bởi thời điểm đó, nhu cầu bán hàng online ở Việt Nam rất lớn.
Viễn tiếp tục cho ra mắt sản phẩm Gostudio hỗ trợ phát livestream có tương tác trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Twitter… tích hợp nhiều tính năng độc đáo.
“Giống như một đài truyền hình thu nhỏ, bạn có thể thêm logo, thêm ảnh, thêm chữ, thêm video vào livestream hay có thể tạo cầu truyền hình, mời người khác ở một nơi xa tham gia livestream. Có thể dùng hai máy quay ở hai góc khác nhau để chuyển cảnh, giống như một studio đích thực nhưng Gostudio đơn giản hơn bởi có thể sử dụng thiết bị điện thoại thay cho máy quay”, Viễn chia sẻ về tính tiện lợi của các công cụ.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhu cầu về hội thảo, hội họp trực tuyến tăng cao, Gostudio ra đời đúng thời điểm, nhanh chóng giải quyết được nhu cầu cả trong và ngoài nước.
“Trong thời điểm dịch bệnh lại là cơ hội, do đó chúng tôi cố gắng kết nối với nhà đầu tư. Bị thuyết phục bởi những sản phẩm mà chúng tôi đang có, họ sẵn sàng đầu tư giúp chúng tôi phát triển trong năm 2021”, Viễn chia sẻ.
Từng bước chinh phục thị trường quốc tế
Ba năm trước, Viễn chọn Nghệ An làm điểm khởi đầu cho giấc mơ ghi dấu Việt Nam trên “bản đồ công nghệ” thế giới. Thế nhưng ở thời điểm đó chỉ có ở Hà Nội, TP.HCM mới là “mảnh đất màu mỡ” cho các start-up thu hút đầu tư.
“Vì sao lại chọn Nghệ An?”, Viễn thừa nhận cũng bởi ở đây chi phí bỏ ra thấp hơn rất nhiều so với các thành phố lớn, từ chi phí thuê văn phòng đến trang thiết bị, máy móc. Chính lợi thế về giá giúp công ty của Viễn “sống lâu hơn” cho đến khi tìm được khách hàng đầu tiên.
Tiếp đến là giải quyết vấn đề nhân sự. “Rất khó để cạnh tranh với các công ty lớn”, Viễn thừa nhận. Do đó phải tìm nhân lực trên chính quê nhà và đào tạo họ trở thành nhân lực cho công ty mình. Anh xây dựng trụ sở chính ở Nghệ An, đồng thời xây dựng văn phòng ở TP.HCM, việc gặp gỡ các nhà đầu tư phía Nam sẽ do một Co-founder ở đó phụ trách.
“Công ty bán sản phẩm online, chủ yếu làm việc trên môi trường mạng nên việc ở đâu cũng không ảnh hưởng gì, do đó mình chọn quê hương Nghệ An để khởi đầu giấc mơ. Khi sản phẩm lớn lên, có tiếng, được mọi người chú ý đến, việc mình ở đâu cũng không còn là vấn đề với nhà đầu tư”, Viễn bộc bạch.
Tuy nhiên giai đoạn đầu khởi nghiệp rất khó khăn với bất kỳ start-up nào, và Viễn cũng không ngoại lệ. Một mình anh kiêm luôn 3 – 4 công việc, vừa phát triển sản phẩm, vừa chăm sóc khách hàng. Viễn nhớ có những lúc đang ăn, ngủ, khách hàng gọi điện đến cũng phải dậy để sửa lỗi.
Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra nhưng quan trọng hơn cả là tìm ra hướng đi phù hợp. Gostream đánh đúng vào thị trường người bán hàng online, may mắn khi trào lưu livestream đi lên thì nhu cầu của khách hàng cũng tăng cao.
Dần dần khách hàng tìm đến nhiều hơn, họ truyền tai nhau về sản phẩm của công ty, giúp công ty có chỗ đứng trên thị trường công nghệ.
“Tùy vào nhu cầu sử dụng, gói cước có thể dao động từ 100.000 đồng/tháng cho đến cả chục triệu đồng/tháng. Khách hàng sẵn sàng trả phí để phục vụ tốt hơn cho mục đích kinh doanh của mình. Tính đến nay, có hơn 700.000 người đăng ký sử dụng Gostream, 10.000 người dùng sử dụng mỗi ngày và tạo ra khoảng 50.000 livestream”, Viễn nhẩm tính.
Với tính năng tiện lợi, chỉ tính riêng năm 2020 doanh thu của Gostream ước đạt 15 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho đội ngũ nhân viên trẻ gần 40 người.
“Chúng tôi đang hoàn thiện sản phẩm Gostudio, cải thiện tính năng mới để phù hợp với thị trường nước ngoài. Dự tính 6 tháng đầu năm, chúng tôi sẽ tiến vào thị trường Đông Nam Á. Đến 6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ chiếm lĩnh thị trường Mỹ và châu Âu”, Nghiêm Tiến Viễn quả quyết.
Với những thành công nổi trội trong lĩnh vực khởi nghiệp, Nghiêm Tiến Viễn vừa xuất sắc vào top 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức. Năm nay anh sẽ trở thành đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp “Start-up World Cup 2021” tổ chức tại Mỹ.
May mắn + nội lực = Thành công
Hơn 90% start-up công nghệ thất bại, vậy đâu là yếu tố dẫn đến thành công? Viễn quả quyết hầu hết các start-up đều biết được tỉ lệ thành công không lớn nhưng quan trọng là dám lựa chọn thử thách.
“Phần nhiều phụ thuộc vào may mắn, là các yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Đồng thời kết hợp nội lực mới đi đến thành công”, Viễn bộc bạch.
Anh cho biết với Gostream, thời điểm khởi nghiệp thì livestream đang lên, sản phẩm vừa ra mắt nhanh chóng được đón nhận. Về địa lợi – quyết định chọn Nghệ An để giảm chi phí, giúp công ty không “chết sớm”.
Về nhân hòa, chính là xây dựng đội ngũ Co-founder (người giỏi kỹ thuật, người am hiểu marketing, sales) tạo thành “team mạnh”. Đồng thời có ý tưởng đột phá, xây dựng sản phẩm phải giải quyết vấn đề nào đó của người dùng, phù hợp với nhu cầu của thị trường.