Vụ SVB “sập tiệm”: 5 tín hiệu cảnh báo sớm bị bỏ qua


Cách đây hơn 2 tuần, những ai không làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ hầu như không biết đến Silicon Valley Bank, một ngân hàng cỡ trung ở California mà sự sụp đổ đầy bất ngờ đã khiến hệ thống tài chính toàn cầu rung chuyển.

Buổi sáng ngày thứ Sáu (10/3), sau khi khách hàng rút 42 tỷ USD khỏi SVB chỉ trong vòng 1 ngày, các nhà chức trách tiểu bang và liên bang đã vội vàng vào cuộc để ngăn vụ sụp đổ này bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Chỉ trong vòng vài giờ đồng đồng hồ, cái tên SVB đã phủ sóng khắp các mặt báo trên toàn cầu, theo một cách mà chắc là các nhà sáng lập của ngân hàng này không hề mong muốn: đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, chỉ sau vụ Washington Mutual vào năm 2008.

Giờ đây, khi phần lớn SVB đã được một ngân hàng khu vực khác của Mỹ là First Citizens mua lại, giới phân tích bắt đầu nhìn lại để tìm ra những điểm yếu của SVB trước khi lâm nạn. Họ ngạc nhiên khi thấy rằng những nguyên nhân dẫn tới việc nhà băng này “sập tiệm” không hề phức tạp, mà trái lại rất rõ ràng. Cuộc “khám nghiệm tử thi” chỉ ra những dấu hiệu của sai lầm cơ bản trong quản trị doanh nghiệp, và sai lầm này khi kết hợp với sự hoảng loạn kinh điển của khác hàng đã trở thành một công thức “chết người”.

Trang CNN Money đã chỉ ra 5 dấu hiệu cảnh báo sớm và đã bị bỏ qua trong vụ sụp đổ của SVB:

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CHÓNG MẶT

Ra đời năm 1983, SVB không chỉ là một định chế tài chính mà còn là một biểu tượng địa vị của những doanh nghiệp và cá nhân giàu có ở vùng Bay Area. Ngân hàng này phục vụ thế giới của các nhà đầu tư vốn mạo hiểm, những người vừa giàu vừa can đảm trong thương trường. Việc trở thành khách hàng của SVB đồng nghĩa với gia nhập một câu lạc bộ tinh hoa với thành viên là các “nhà vô địch” về sự can đảm, tăng trưởng và sáng tạo.

Cũng giống như những doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) mà SVB phục vụ, ngân hàng này đạt tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây. Chỉ từ 2018-2021, tài sản của SVB tăng gấp 4 lần. Cuối năm 2022, SVB trở thành ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với 209 tỷ USD tài sản.

Theo CEO Dennis M. Kelleher của Betters Markets, chính sự tăng trưởng đó của SVB là dấu hiệu cảnh báo quan trọng đầu tiên, vì năng lực quản trị và hệ thống tuân thủ của ngân hàng hiếm khi tăng trưởng cùng tốc độ với hoạt động kinh doanh.

Trên thực tế, vào năm 2019, tức là 4 năm trước khi SVB sụp đổ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo ngân hàng này về hệ thống qảun trị rủi ro thiếu đầy đủ. Không rõ Fed có hành động nào sau cảnh báo đó hay không. Hiện Fed đang rà soát lại quy trình giám sát đối với SVB.

“Mối quan tâm duy nhất của tôi là chúng tôi phải tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi sẽ tìm được và sẽ đánh giá để xác định chính sách nào là cần thiết để sai lầm không lặp lại”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư tuần trước.

DÒNG TIỀN NÓNG

Gần như tất cả tiền gửi tại SVB đều không thuộc diện bảo lãnh của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC). Theo số liệu từ Wedbush Securities, tỷ lệ này là 97%, trong khi thông thường các ngân hàng Mỹ chỉ có khoảng 30% tiền gửi thuộc diện không được bảo hiểm.

Giáo sư Kairong Xiao thuộc Trường Kinh doanh Columbia gọi tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm ở SVB là “một số lượng điên rồ”. Điên rồ là bởi khi một khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp có quá nhiều tiền gửi không được bảo hiểm trong một ngân hàng nào đó, họ sẽ vội rút tiền nếu nghi ngờ ngân hàng đó gặp vấn đề.

Sự phụ thuộc quá mức của SVB vào tiền gửi không được bảo hiểm đặt ngân hàng này vào thế cực kỳ thiếu ổn định. Khi một vài thành viên trong cộng đồng khách hàng có mối quan hệ khăng khít và thường xuyên giao tiếp qua mạng xã hội của SVB bắt đầu lo ngại về sức khoẻ của ngân hàng này, một vòng xoáy hoảng loạn đã xuất hiện.

CƠ SỞ KHÁCH HÀNG HẠN HẸP

SVB luôn mở rộng cánh cửa hợp tác với những startup công nghệ non trẻ mà các ngân hàng khác có thể từ chối. Khi những startup đó ăn nên làm ra, SVB lớn mạnh cùng họ. Ngân hàng này cũng quản lý tài sản cá nhân cho các nhà sáng lập startup đó, mà những khách hàng này thường ít có tiền mặt vì tài sản của họ ràng buộc với cổ phần trong công ty.

“Độ phủ địa lý của SVB là giới hạn. SVB cũng chỉ tập trung trong một lĩnh vực, mà lĩnh vực này rất nhạy cả với lãi suất. Những dấu hiệu cảnh báo đó lẽ ra đã là đủ để lãnh đạo SVB có biện pháp thận trọng”, ông Kelleher nhận định.

VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ RỦI RO

Nếu nhìn vào vị thế tài chính của SVB cách đây 1 tháng, có lẽ ít ai cho rằng nên cảnh giác về ngân hàng này. “SVB có vẻ vẫn khoẻ mạnh, nếu nhìn vào vị thế vốn hay tỷ lệ thanh khoản… Những yếu tố hàng đầu và quan trọng truyền thống đó cho thấy ngân hàng vẫn ổn”, giáo sư tài chính John Sedunov của Đại học Villanova nhận xét.

Nhưng “quả bom hẹn giờ” nằm ở một lớp sâu hơn, trong cấu trúc danh mục và cấu trúc nghĩa vụ nợ – theo ông Sedunov.

SVB có một tỷ trọng lớn bất thường (55%) tiền gửi của khách hàng được ngân hàng này đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài. Đây vốn là một loại tài sản siêu an toàn, và SVB không phải là ngân hàng duy nhất mua trái phiếu trong kỷ nguyên lãi suất gần bằng 0. Nhưng các trái phiếu này đã trượt giá khi lãi suất tăng lên.

Thông thường, các ngân hàng phòng hộ rủi ro lãi suất bằng cách sử dụng các công cụ tài chính gọi là hợp đồng hoán đổi (swap). Loại hợp đồng này cho phép đổi một lãi suất cố định lấy một lãi suất thả nổi trong một khoảng thời gian để giảm thiểu ảnh hưởng của lãi suất tăng. Có vẻ như SVB không có sự phòng hộ như vạy cho danh mục đầu tư trái phiếu của mình.

“Thực lòng mà nói, quản lý rủi ro lãi suất là một trong những điều đầu tiên tôi dạy ở lớp sau đại học về ngân hàng. Đó là bài học trong sách giáo khoa”, ông Sedunov nói.

THIẾU GIÁM ĐỐC QUẢN TRỊ RỦI RO

Trong vòng 1 năm qua, Fed đã tăng lãi suất 9 lần để chống lạm phát. Nhưng cũng trong phần lớn khoảng thời gian đó, SVB hoạt động mà không có một giám đốc quản trị rủi ro (CRO) nào – một lỗ hổng quá lớn trong đội ngũ lãnh đạo.

“Không có CRO cũng giống như thiếu giám đốc vận hành (COO) hay giám đốc kiểm toán (CAO). Ngân hàng nào với quy mô như vậy cũng phải có một uỷ ban quản trị rủi ro, và CRO là nhân vật số 1 báo cáo lên uỷ ban đó”, giáo sư luật Art Wilmarth của Đại học George Washington nói. Theo ông Wilmarth, sự thiếu vắng CRO trong vòng 8 tháng như trường hợp SVB là chuyện “gây sửng sốt”.

Về lý thuyết, một CRO có thể phát hiện rủi ro lớn xuất phát từ giá trị danh mục đầu tư trái phiếu của ngân hàng ngày càng giảm. Cộng thêm với rủi ro từ tiền gửi, vấn đề này cần được giải quyết ngay. Nhưng cho dù không có CRO, cũng không có lý do gì để SVB không hề có sự phòng hộ nào cho danh mục trái phiếu của họ như vậy.

Một số chuyên gia cho rằng những người ở SVB có thể đã biết về rủi ro đó nhưng để mặc. Xét cho cùng, ngân hàng vẫn đủ vốn, vẫn có lãi, và chẳng phải các quy chế giám sát sau khủng hoảng 2008 đã khiến các tất cả các ngân hàng trở nên an toàn hơn hay sao?

“Tôi tin chắc là ai đó đã nhận thấy, và tôi cũng chắc là ai đó đã bỏ mặc vấn đề. Vì SVB vẫn tuân thủ nhiều thức của bức tranh lớn, nên có lẽ họ tin rằng họ sẽ vượt qua đượt. Nhưng khả năng đó còn bao nhiêu nếu ngân hàng bị khách rút 40 tỷ USD một lúc?” ông Sedunov nói.

Chia sẻ lên MXH:

Đăng ký theo dõi

spot_imgspot_img

Xem nhiều

Bạn có thể quan tâm
Related