Nhiều người lầm tưởng “qua” là một từ mới, nhưng thật ra đây là một từ địa phương Nam Bộ giàu sắc thái biểu cảm, đã hình thành từ thời người dân nước Việt đi xuống phương Nam mở cõi.
Mấy hôm nay, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “qua” bỗng trở nên phổ biến, nhờ sức mạnh của truyền thông khi tường thuật lại cách xưng hô của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend.
Theo định nghĩa của Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên và Từ điển tiếng Việt Nam Bộ của Nam Chi thì từ “qua” là đại từ nhân xưng của người đàn ông lớn tuổi đối với người nhỏ tuổi hơn ở vùng đất Nam Bộ, phổ biến nhất ở miền Tây Nam Bộ.
Về nguồn gốc của từ “qua”, các nhà ngôn ngữ học có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là từ thuần Việt của phương ngữ Nam Bộ. Theo nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, “qua” bắt nguồn từ tiếng Hoa ở Triều Châu (đọc âm là “wá”, có nghĩa là “tôi” trong tiếng Việt).
Những người Hoa Triều Châu di dân cách đây mấy trăm năm, sống cộng cư với cộng đồng người Việt ở Nam Bộ đã mang lối xưng hô này đến với người dân địa phương và dần dần được người Việt đọc chệch ra là “qua”. Trong khi đó, nhà văn Bình Nguyên Lộc trong Lột trần Việt ngữ coi từ “qua” là từ ngữ cổ Việt còn được giữ lại trong tiếng dân tộc Mạ.
Từ “qua” trong đời sống thường ngày của người dân Nam Bộ đã đi vào thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh… Gắn liền với từ “qua” là từ “bậu”, như là một cặp từ nhân xưng thân thiết đi đôi với nhau. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên có câu thơ: Dân rằng: “Lũ nó còn đây/ Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành”
Hay trong ca dao Nam Bộ, nghĩa của từ “qua” lại được mở rộng hơn, mang sắc thái tình cảm đậm đà. “Qua” và “bậu” có hàm nghĩa như là anh với em, chàng trai với cô gái, người yêu với người yêu.
Người miền Nam có thể không xưng “qua”, nhưng nếu xưng là “qua” thì chắc chắn đó là người miền Nam. Đó là phương ngữ Nam Bộ, là sắc thái riêng của một cộng đồng dân cư, ghi dấu ấn văn hóa của một thời kỳ lịch sử.
Ngày nay, trong đời sống hiện đại ít ai sử dụng từ “qua”, song ở những vùng nông thôn miền Tây Nam Bộ vẫn còn đó những tiếng “qua” hào sảng, nghĩa tình.
Hà Thanh Vân