Thời buổi công nghệ, camera khắp nơi, hành vi nào cũng có thể lọt vào ống kính. Nhiều người trở thành nạn nhân khốn khổ khi hình ảnh của họ bị tung lên mạng Internet và lưu giữ, lan truyền…
Hạ nhục nhau bằng hình ảnh, clip
Nhiều cửa hàng treo bảng bên ngoài: “Cửa hàng chúng tôi có gắn camera”, chủ yếu là phòng trộm vặt, “cầm nhầm”. Ai đó có tật “cầm nhầm”, nhìn lên thấy camera cũng sợ.
Không ai chấp nhận thói trộm vặt nhưng hành xử như thế nào khi có chứng cứ là hình ảnh kẻ trộm và hành vi của họ? Nhiều người chỉ quản lý, biết mặt ai là kẻ trộm để cẩn thận hơn. Nhưng nhiều người vẫn chọn cách ghi hình tung lên mạng coi như một cách “phạt” kẻ trộm vặt.
Một nhóm nam sinh viên nghi bạn cùng phòng trộm tiền, họ ghi lại cảnh cùng đánh hội đồng “nghi phạm”. Hai nữ sinh đánh nhau vì một bạn nghi bạn kia trộm tiền của mình, bạn bè hồn nhiên ghi lại cảnh hai bạn gái áo quần, tóc tai xốc xếch rũ rượi vì xô xát. Một nhóm bạn trai xúm nhau đánh một bạn gái, bắt ép bạn này nhận “tội” đã ăn cắp tiền.
Đồng hương cùng lao động tại nước ngoài bí mật chuẩn bị trước máy ghi hình cảnh đánh bạn dã man vì nghi ăn chặn, trộm tiền… Chuyện ở siêu thị, một nữ sinh tuổi thiếu niên lỡ “chôm” một món hàng, nhân viên siêu thị bắt phạt em đeo dòng chữ “tôi là người ăn trộm” và việc này bị ghi hình…
Thật đáng buồn, những hình ảnh kiểu này nhan nhản trên Internet.
Ai xấu hơn ai?
Một phụ nữ đang ngồi trong nhà trọ bỗng bị lôi ra ngoài, bị lột áo, bị đánh, bị chửi… Trước ống kính cô bị “kết án” dan díu với chồng người khác và sau đó clip được đưa lên mạng.
Đúng sai đến đâu chưa rõ, chỉ thấy thân thể nạn nhân bị phơi trần và thấy rõ hành vi nhục mạ người khác quá dã man, tàn độc. Ai xấu hơn ai? Tương tự chuyện này là chuyện “ảnh nóng” bị chính “người xưa” vô tình hay cố ý làm rò rỉ lên mạng.
Ghét một thói xấu, không thích ai đó, chọc phá ai đó… bèn quay phim, chụp ảnh họ để tung lên mạng cũng là hành vi rất xấu, nhiều khi vi phạm pháp luật. Hình ảnh có thể là chứng cứ cần thiết, chứng cứ đó cần cung cấp đúng nơi, đúng lúc để cơ quan pháp luật xử lý thay vì tung lên mạng Internet với động cơ hạ nhục nhau.
Sử dụng hình ảnh camera cũng cần ứng xử văn minh.
Chuyện xấu, chuyện ác càng được nhiều người xem và like, nhiều người chia sẻ. Thành ra những chuyện xấu bị phát tán khắp nơi, tác hại càng lớn hơn khi hình ảnh vẫn còn đó, nhiều năm sau nữa, đeo đẳng cả đời người, thành nỗi đau cho cả người thân của họ. Và người ghi hình cũng bị lên án, thậm chí phải “thụ án” vì xúc phạm thân thể, nhân phẩm người khác.
Camera vốn chỉ ghi nhận hình ảnh trung thực. Camera không đáng sợ, con người sử dụng camera vào mục đích bêu xấu người khác mới thật đáng sợ!
KHÔI NGUYÊN