‘Treo’ hơn 6 năm, Hoàng Sơn tiếp tục xin gia hạn dự án điện mặt trời 2.600 tỷ


UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản số 3251/UBND-THKH ngày 15/3/2023 về việc giao tham mưu đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ về đất đai dự án Nhà máy điện mặt trời Ngọc Lặc.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 3631- CV/VPTU ngày 10/3/2023 về việc giao xem xét đề nghị của Công ty cổ phần đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn), Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, nghiên cứu đề nghị của Công ty Hoàng Sơn tại công văn số 04/CV-HS ngày 2/3/2023; căn cứ các quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại công văn nêu trên, có văn bản trả lời Công ty Hoàng Sơn hoặc có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/3/2023.

Treo hơn 6 năm, Hoàng Sơn tiếp tục xin gia hạn dự án điện mặt trời 2.600 tỷ - Ảnh 1.

Một dự án điện mặt trời. Ảnh: Văn Dũng

Dự án Nhà máy điện mặt trời Ngọc Lặc được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định 324/QĐ-UBND ngày 25/1/2017, Công ty Hoàng Sơn làm chủ đầu tư dự án.

Diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 150ha, công suất thiết kế là 90MW, dự án gồm nhà điều hành 3 tầng (khoảng 500m2), nhà xưởng kết hợp kho (20.000m2), móng đặt tấm pin NLMT (1.080.000m2) và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác.

Tổng mức đầu tư hơn 2.680 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 403 tỷ đồng; vốn vay là 2.278 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công trong quý I/2017 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý IV/2019.

Đến tháng 6/2021, Thanh Hóa lại có quyết định điều chỉnh chủ trương dự án. Theo điều chỉnh, Công ty Hoàng Sơn sẽ vẫn là chủ đầu tư của dự án. Về tiến độ, dự án sẽ được Công ty Hoàng Sơn khởi công xây dựng vào quý III/2021 và hoàn thành, đưa vào sử dụng quý IV/2022.

Theo tìm hiểu của Nhadautu. Công ty Hoàng Sơn được thành lập ngày 29/8/2013, với lĩnh vực chính Sản xuất điện. Trụ sở chính của công ty hiện nay tại lô 06 đại lộ Võ Nguyên Giáp, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa.

Ông Lê Văn Hoàng (sinh năm 1958) hiện là người đại diện theo pháp luật và là Chủ tịch HĐQT của công ty. Vốn điều lệ của công ty này tại thời điểm tháng 11/2016 là 100 tỷ đồng, với 3 cổ đông góp vốn. Trong đó, ông Lê Văn Hoàng góp 90 tỷ đồng, tương đương 90% vốn điều lệ; 2 cổ đông khác là bà Nguyễn Thu Hương và bà Nguyễn Thị Sen góp mỗi người 5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vào tháng 11/2018, Công ty Hoàng Sơn đã thay đổi tên thành CTCP điện năng lượng tái tạo Hàn Việt. Bên cạnh đó, công ty đã đăng ký ngành sản xuất điện là lĩnh vực hoạt động chính. Tuy nhiên, chỉ hơn 6 tháng sau, tên công ty này lại được đổi lại như ban đầu.

Đến trước tháng 7/2019, vốn điều lệ của Công ty Hoàng Sơn ghi nhận ở mức 1.539,6 tỷ đồng. Sau đó, công ty này đã hạ vốn điều lệ xuống còn 953,6 tỷ đồng. Tiếp đó, chỉ trong năm 2020, Công ty Hoàng Sơn đã có đến 4 lần thay đổi vốn điều lệ. Cụ thể, tháng 4, công ty này hạ vốn điều lệ từ 953,6 tỷ đồng xuống 944,6 tỷ đồng; đến tháng 7, vốn điều lệ của Hoàng Sơn đã xuống chỉ còn 79 tỷ đồng. Cũng trong tháng 7/2020, vốn điều lệ lại được tăng lên 236 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này lại đăng ký hạ vốn điều lệ xuống còn 148 tỷ đồng vào tháng 9/2020.

Ngoài đại diện pháp luật cho Công ty Hoàng Sơn, ông Lê Văn Hoàng còn đại diện cho nhiều công ty khác như: CTCP Đầu tư xây dựng thương mại và du lịch Sơn Phương, CTCP Đầu tư điện năng lượng tái tạo Hàn Việt, CTCP Điện năng lượng tái tạo Toàn Cầu, Công ty TNHH liên doanh Hàn – Việt điện năng lượng tái tạo Thanh Hóa, CTCP Đầu tư Hợp Thắng, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hoàng Ngọc Sơn…



Chia sẻ lên MXH:

Đăng ký theo dõi

spot_imgspot_img

Xem nhiều

Bạn có thể quan tâm
Related