Doanh nghiệp cạn dòng tiền
Lục tìm các mối quan hệ bạn bè để bán cổ phần công ty, ông Nguyễn Trần Thiên Tâm – Giám đốc Công ty Cơ khí công nghệ cao ở Bình Dương cho biết, công ty đang có đơn hàng trên 12 tỷ đồng nhưng đối tác để công nợ hơn 90 ngày. Công ty cũng đang cần mua thêm 2 loại máy chế tác hơn 5 tỷ đồng. “Công ty vẫn còn dư nợ với ngân hàng, giờ nhanh nhất là bán cổ phần để lấy tiền đầu tư máy móc” – ông Tâm nhấn mạnh.
Còn chị Trịnh Hoàng Anh – kế toán một công ty thiết bị gia đình ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đang đăng tin thanh lý cơ sở vật chất của công ty. Hồi cuối tháng 2, công ty thông báo cho 12 nhân viên nghỉ việc bởi nguồn tài chính vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để trả lương cho nhân viên. Chị Hoàng Anh chia sẻ, công ty không bán được hàng nên không có doanh thu, lợi nhuận. Dòng tiền hoạt động ở mức thấp. Nguồn vốn tắc nghẽn cùng với dòng tiền âm thì càng duy trì hoạt động, công ty càng thua lỗ.
Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa gửi tới Thủ tướng trong tháng 1/2024 cũng bày tỏ lo ngại: Đơn hàng có vẻ tăng lên, nhưng doanh nghiệp (DN) đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại, không có tiền để sản xuất.
Kết quả khảo sát DN của Ban IV cho thấy, tình trạng DN đang kiệt sức là sự thật. Dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc, song khả năng tiếp cận vốn của DN trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo. Trong đó, nhóm DN ngành xây dựng có đánh giá bi quan nhất (điểm trung bình chỉ đạt 2,16/5). Còn DN trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất, nhưng điểm số vẫn chỉ ở mức 2,34 – mức tiêu cực. Và nếu tiếp cận vốn khó khăn, DN quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cũng như phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy vậy, theo các DN, một trong các lý do khiến tín dụng suy giảm là ngân hàng và DN không gặp được nhau. DN vẫn cần vốn, song không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp.
Nhiều DN nhỏ và vừa cũng cho biết, hiện nay, các ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá các khoản vay bằng tài sản thế chấp thay vì đánh giá tính hiệu quả của dự án kinh doanh. Điều này làm cho các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.
Lãi suất không còn là vấn đề?
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong tiếp cận tín dụng. NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. NHNN cũng đã có Công văn số 117 ngày 7/2/2024 yêu cầu TCTD tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của NHNN về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, chưa bao giờ cơ chế lãi suất thấp như hiện nay nên lãi suất không còn là rào cản và vấn đề lớn đối với người đi vay. Một số DN chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng là do không đáp ứng được điều kiện tín dụng để vay.
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024, đại diện các ngân hàng cho rằng khả năng hấp thụ vốn sẽ tăng chậm. Bởi lẽ, tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm; năng lực tài chính của các DN vẫn đang suy giảm, khả năng chống chịu kém. Trong khi đó, áp lực nợ xấu đối với các ngân hàng trong năm 2024 là rất lớn; bộ đệm dự phòng rủi ro nợ xấu đang mỏng đi nên các ngân hàng sẽ thận trọng trong việc cấp tín dụng.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ngan-hang-thua-tien-doanh-nghiep-thieu-von-188240308091301514.chn