Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 đã chính thức bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ được thị trường tài chính chờ đợi từ lâu bằng động thái giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Giải thích về mức giảm lớn khi vừa bắt đầu xoay trục, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng lựa chọn này nhằm phản ánh cam kết của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đối với việc duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong bối cảnh sức nóng của lạm phát đã dịu đi nhiều.
“Chúng tôi đã có một sự khởi đầu mạnh mẽ tốt đẹp và tôi hài lòng về những gì chúng tôi dã làm”, ông Powell phát biểu tại họp báo sau cuộc họp của Fed. “Logic của hành động này là rõ ràng, cả từ góc độ kinh tế và góc độ quản lý rủi ro”.
Mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed tại lần họp này đã được thị trường đặt cược nhiều hơn trước khi diễn ra cuộc họp. Số liệu lạm phát gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục xuống thang, khiến các nhà giao dịch giảm mạnh đặt cược vào mức giảm lãi suát 0,25 điểm phần trăm.
Với mức giảm trên, lãi suất quỹ liên bang của Fed hạ về vùng 4,75-5%, từ mức 5,25-5,5% trước đó. Trong chu kỳ thắt chặt khởi động vào tháng 3/2022, Fed đã có 11 lần nâng lãi suất liên tiếp, với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm. Trước đợt giảm này, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm từ tháng 7 năm ngoái.
Hiện tốc độ lạm phát hàng năm ở Mỹ còn cao hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu 2% của Fed, nhưng ông Powell chưa tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.
Kể từ khi trở thành Chủ tịch Fed vào năm 2018, ông Powell luôn thúc đẩy việc hoạch định chính sách dựa trên sự đồng thuận giữa các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – bộ phận ra quyết sách trong Fed. Dù vậy, tại lần họp này, lần đầu tiên kể từ năm 2005 có một thống đốc Fed bỏ phiếu chống lại quyết định của ủy ban, và đó là bà Michelle Bowman, người muốn lãi suất chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm. Giới phân tích cho rằng việc Fed chốt mức giảm 0,5 điểm phần trăm cho thấy động lực lớn của ông Powell trong việc khởi động chu kỳ nới lỏng một cách thuyết phục.
Ông Powell gọi động thái này của Fed là một “sự căn chỉnh” cho phù hợp với đà giảm mạnh của lạm phát từ năm ngoái. Ông nhận định nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh nhưng Fed muốn đi trước và ngăn chặn bất kỳ sự suy yếu nào của thị trường việc làm. Từ những phát biểu này của nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, các nhà phân tích nhận thấy ông có một mục tiêu bao trùm là không đánh đổi mục tiêu lạm phát 2% lấy tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
“Một cuộc hạ cánh mềm là trong tầm tay. Điều đó sẽ hoàn tất di sản của ông ấy ở cương vị Chủ tịch Fed”, nhà kinh tế trưởng Diane Swonk của công ty KPMG nói với hãng tin Reuters.
Lần họp này, Fed còn cập nhật định kỳ hàng quý các dự báo về lãi suất, lạm phát, thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Dự báo lãi suất “biểu đồ dấu chấm” (dot-plot) của Fed cho thấy Fed dự kiến lãi suất sẽ giảm thêm nửa điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm nay, giảm tròn 1 điểm phần trăm trong năm 2025 và giảm nửa điểm phần trăm trong năm 2026. Tuy nhiên, Fed cũng cảnh báo rằng việc dự báo lãi suất trong dài hạn không có gì là chắc chắn.
Đợt giảm lãi suất này của Fed diễn ra vào thời điểm chỉ còn khoảng 7 tuần là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, phản ứng ban đầu của hai ứng viên tổng thống với động thái của Fed là không đáng kể.
Phó tổng thống Kamala Harris, người đại diện cho Đảng Dân chủ, gọi đợt giảm lãi suất này của Fed là “tin tốt” đối với người dân Mỹ. “Tôi biết là giá cả còn quá cao đối với nhiều gia đình trung lưu và lao động”, bà Harris nói trong một tuyên bố.
Cựu Tổng thống Donald Trump, người đại diện cho Đảng Cộng hòa và cũng là người đầu tiên bổ nhiệm ông Powell vào ghế Chủ tịch Fed, nói rằng mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm có thể cho thấy nền kinh tế đang gặp vấn đề. “Để giảm lãi suất nhiều như vậy, giả sử họ không đang chơi trò chính trị, thì nền kinh tế hẳn đang rất tệ”, ông Trump nói với báo giới.
Trong khi đó, ông Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh, với nhiều chỉ số về thị trường việc làm như số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và thậm chí tỷ lệ thất nghiệp hiện tại 4,2% đều không phải là những con số đáng lo ngại. Tuy nhiên, ông đồng tình với những vấn đề mà giới chuyên gia đặt ra: chính sách tiền tệ có độ trễ để phát huy tác dụng, và với thông tin thu lượm được từ doanh nghiệp cũng như tốc độ tuyển dụng chậm lại, giới chức Fed cảm thấy cần thiết phải chặn trước sự suy yếu mạnh mẽ hơn của thị trường việc làm. Việc này cũng tương tự như quan điểm trước kia rằng Fed cần ra đòn “phủ đầu” đối với lạm phát.
“Có quan điểm cho rằng giờ là lúc phải hỗ trợ thị trường việc làm, ngay khi thị trường còn mạnh chứ không phải khi sa thải đã bắt đầu xảy ra”, ông Powell nói.
Dự báo cập nhật của Fed cho rằng tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – sẽ giảm về mức 2,3% vào cuối năm nay và kết thúc năm 2025 ở mức 2,1%.
Về tỷ lệ thất nghiệp, Fed dự báo con số 4,4% vào cuối năm nay và cho rằng mức này sẽ duy trì cho tới hết năm 2025. Về tăng trưởng kinh tế, Fed dự báo mức tăng 2,1% trong năm nay và 2% vào năm tới, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tin-tuong-lam-phat-xuong-thang-fed-manh-tay-ha-lai-suat-nua-diem-phan-tram.htm