Quảng NamHàng chục con cò ốc đã về hồ sông Đầm tìm kiếm thức ăn, buổi tối bay đến rừng dừa nước trú ẩn, sau bốn năm vắng bóng ở nơi này.
Ngày đầu tháng 9, đàn cò ốc, tên khoa học là Anatomus oscitans bay quanh hồ sông Đầm, TP Tam Kỳ tìm kiếm thức ăn ở khu vực bèo, sen, súng và cỏ lác. Loài này mỏ vàng xám, dài hơn 10 cm; đầu, cổ và bụng màu trắng. Đôi chân màu đỏ, dài khoảng 20 cm. Trọng lượng mỗi con hơn một kg.
Thường đưa du khách ngắm sông Đầm, ông Châu Văn Cư, trú xã Tam Thăng, cho hay đàn cò ốc khoảng 30 con bay về cách đây gần một tuần. Đến 17h, khi đã ăn no nê, chúng bay đến đậu xen kẽ cùng hàng nghìn cò trắng trên những bãi cọc do người dân cắm làm chuôm, chà dụ cá vào ở, đến chập tối lại bay vào rừng dừa nước trên hồ sông Đầm trú ngụ.
Theo ông Cư, so với đàn cò ốc xuất hiện năm 2020 từ 3.000 đến 4.000 con thì đợt này ít hơn. “Chúng mới về nên còn nhát, thấy người cách khoảng 200 m đã bay. Hy vọng thời gian tới cò ốc sẽ đến hồ sông Đầm nhiều hơn”, ông nói.
Cò ốc chủ yếu ăn ốc, ếch, nhái, cua, côn trùng lớn… Loài chim này có trong Sách đỏ Việt Nam. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy trước đây chúng phân bố ở đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh. Nơi sống là các vùng đất ngập nước như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn, ruộng lúa.
Chuyên gia đánh giá việc chim hoang dã đến hồ sông Đầm là do biến đổi khí hậu, môi trường sống thay đổi. Nguồn thức ăn ưa thích không còn dẫn đến chúng phải di chuyển đến nơi ở mới có môi trường sống, thức ăn phong phú hơn.
Ông Nguyễn Minh Nam, Phó chủ tịch TP Tam Kỳ, cho biết sau bốn năm đàn cò ốc xuất hiện trở lại khiến người dân và chính quyền rất mừng. Thành phố đã chỉ đạo công an các xã, phường quanh hồ sông Đầm kiểm tra, giám sát tình trạng săn bắt chim hoang dã, xây dựng các tổ tự quản quanh hồ để bảo vệ đàn chim.
Theo ông Nam, những năm qua chính quyền đầu tư phục hồi đa dạng sinh học, hệ sinh thái ở hồ sông Đầm để đón các đàn chim di cư quay về. “Chúng tôi thấy lo vì số lượng chim cò ốc đợt này ít”, ông nói.
Hồ sông Đầm rộng 200 ha, nước sâu trung bình 1,6 m. Lưu vực xung quanh hơn 650 ha, thuộc xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú. Cơ quan nghiên cứu đánh giá hồ có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, đặc trưng của Nam Trung Bộ, có 80 loài động vật xương sống, 214 loài không xương sống và 170 loài thực vật thuộc 74 họ đang sinh sống.
TP Tam Kỳ đang phối hợp với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam xây dựng hồ sơ trình Chính phủ công nhận khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học hồ sông Đầm.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chim-quy-ve-ho-song-dam-sau-bon-nam-vang-bong-4789190.html