Pháp và Nhật Bản – hai nền judo mạnh nhất thế giới – làm nên trận chung kết nội dung đồng đội hỗn hợp nam nữ cũng như màn kết trong mơ cho môn võ này tại Olympic Paris 2024, với phần thắng nghiêng về chủ nhà.
Trước đây, ở các giải VĐTG, nội dung đồng đội được chia thành 2 phần, nam và nữ. Nhưng từ năm 2017, nội dung đồng đội được gộp chung thành đồng đội hỗn hợp nam – nữ, với 3 hạng cân của nam là dưới (-)73kg, -90kg, trên (+)90kg; và 3 hạng cân của nữ là -57kg, -70kg, +70kg. Tại Olympic Tokyo 2020, nội dung này lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu.
Về đấu đồng đội hỗn hợp, Pháp và Nhật là hai đối thủ nhiều duyên nợ, vì từ năm 2018, chung kết ở các giải VĐTG và Olympic luôn là cuộc so tài giữa hai quốc gia này. Lý do là Pháp, Nhật luôn là hạt giống nên được xếp ở hai nhánh khác nhau, và đây cũng là hai nước phát triển đồng đều nhất về judo ở cả nam lẫn nữ, nên họ luôn thắng các đối thủ còn lại.
Nhật Bản toàn thắng khi thi đồng đội hỗn hợp ở kỳ giải VĐTG, nhưng ở lần đầu tiên nội dung này được đưa vào Olympic ở Tokyo 2020, Pháp đứng trên bục cao nhất. Và có một chi tiết có lẽ góp phần làm nên khác biệt quan trọng này là việc Teddy Rinner – “độc cô cầu bại” người Pháp ở hạng +100kg – không dự giải thế giới, và chỉ góp mặt tại Thế vận hội. Từng 11 lần giành HC vàng thế giới, Rinner hết hứng thú với sân chơi này. Trong năm, thông thường anh chỉ tham gia một số giải đấu quốc tế như Grand Slam, Grand Prix đủ để lấy suất trực tiếp dự Olympic.
Tại Paris 2024, Nhật và Pháp một lần nữa chứng tỏ được vị thế của hai quốc gia số 1 và số 2 thế giới về judo “toàn diện”, khi vượt qua các đối thủ khác bằng những tỷ số rất thuyết phục, 4-1, 4-0, để cùng nhau vào chung kết nội dung đồng đội hỗn hợp nam – nữ. Và vì thế, trận tranh HC vàng ngày 3/8 giữa hai kỳ phùng địch thủ rất được người hâm mộ chờ đợi.
Xét về lực lượng, đội chủ nhà được đánh giá là nhỉnh hơn, vì các nam võ sĩ của nước này đang có một kỳ Olympic tiến bộ vượt bậc. Khoảng một thập niên qua, judo Pháp rất mạnh về nữ, nhưng về nam, ngoài Riner, thì các tuyển thủ khác thường thua khá sớm ở các giải lớn. Nhưng tại Paris 2024, ở các nội dung cá nhân, ngoài HC vàng của Rinner, các VĐV nam của Pháp còn giành thêm 2 HC bạc và 1 HC đồng – thành tích tốt nhất kể từ Olympic Sydney 2000. Trong số này có HC bạc của Joan-Benjamin Gaba ở hạng -73kg – một hạng cân có trong nội dung thi đấu đồng đội hỗn hợp. Các võ sĩ nữ chủ nhà thì đạt kết quả có phần không như mong đợi, dù vẫn giành đến 5 HC đồng cá nhân, và gây tiếc nuối vì có nhiều cú “sẩy chân” ở bán kết trong thế trận họ đang có lợi thế.
Trong khi đó, Nhật Bản chịu một bất lợi lớn, khi nữ võ sĩ Akira Sone ở hạng +78kg chấn thương trong ngày thi đấu cá nhân. Theo quy định, chỉ những VĐV có thi đấu nội dung cá nhân ở Olympic mới được thi tiếp các trận đồng đội. Do đó, ban huấn luyện tuyển Nhật Bản buộc phải đưa VĐV hạng -78kg Rika Takayama lên đánh ở vị trí của Sone.
Chung kết bắt đầu, Nhật tung đội hình theo tính toán chiến thuật có phần mạo hiểm. Ngoài trường hợp bắt buộc của Takayama, họ còn chủ động đôn hạng cân ở hai vị trí khác: đưa Hifumi Abe vừa vô địch ở hạng -66kg vào đấu ở vị trí -73kg; và đưa Natsumi Tsunoda, HC vàng Paris 2024 ở hạng -48kg vào vị trí -57kg. Nhưng đó là những tính toán mạo hiểm có cơ sở. Abe được đôn lên một hạng cân, nhưng trên thực tế, sau khi hoàn thành thi đấu cá nhân và không còn ép cân nữa, anh đã nặng gần 73 kg – như mọi VĐV khác của hạng -73kg lúc ban tổ chức cân trước khi thi đấu sáng 3/8. Tsunoda được đôn lên hai hạng cân, nhưng cô nổi tiếng với lối đánh “dị” – tập trung vào đòn hy sinh Tomoe Nage và nối tiếp địa chiến (Ne Waza) để khóa tay đối thủ. Lối đánh này được dự báo sẽ rất khó chịu với những đối thủ chưa từng gặp cô, như võ sĩ chủ nhà Sarah Léonie Cysique.
Cặp đấu mở màn chung kết diễn ra ở hạng -90kg nam giữa Sanshiro Murao với Maxime-Gaël Ngayap Hambou. Và Murao, bằng kỹ thuật vượt trội, đặc biệt là ở các đòn chân, thắng dễ Hambou. Cặp thứ hai, ở hạng +70kg nữ, là cuộc đấu giữa Romane Dicko, võ sĩ vừa giành HC đồng hạng +78kg cá nhân trước đó một ngày cho Pháp, với Rika Takayama. Khác biệt về cân nặng là rất lớn trong trường hợp này, dù chỉ cách một hạng cân, do những hạng cân “trên” (+) thì từ chuẩn cân nặng đó trở lên đều đấu được. Nhưng Dicko khởi đầu rất tốt vì chiếm ưu thế vượt trội về sức mạnh và thể hình. Takayama thì chịu 2 điểm phạt Shido vì phòng thủ tiêu cực, nhưng trong một pha Dicko tấn công với lối nắm áo uy lực từng dùng nhiều lần trong trận, nữ võ sĩ Nhật lập tức “bắt bài”, chớp thời cơ đánh một đòn chân Ouchi Gari tầm thấp rất đẹp và ghi điểm Waza Ari. Takayama đã bảo vệ được điểm này cho tới hết trận, giúp đội nhà dẫn Pháp 2-0.
Cặp đấu thứ ba ở hạng +90kg diễn ra giữa Riner với võ sĩ trẻ Nhật Bản Tatsuru Saito. Saito nặng hơn Riner (160kg so với 150kg), nhưng kém thế về sức mạnh và kinh nghiệm. Dù cầm cự được trong 4 phút thi đấu chính thức, vào phần đấu thêm giờ, võ sĩ Nhật thua điểm Ippon với đòn chân Uchi Mata, và Pháp rút ngắn cách biệt còn 1-2.
Ở cặp đấu thứ tư, hạng -57kg nữ, chiến thuật đôn hạng cân của ban huấn luyện Nhật đã thành công. Tsunoda áp dụng triệt để lối đánh dị biệt của cô, liên tục chủ động ngả người để thực hiện đòn hy sinh Tomoe Nage và kéo Sarah Léonie Cysique vào địa chiến. Dù đã nhiều lần tránh được, sau cùng, Cysique cũng “dính” một đòn Tomoe Nage, và để rồi Tsunoda thắng điểm Ippon, tạo lợi thế 3-1 cho Nhật.
Nhưng sang cặp đấu thứ năm, hạng -73kg nam, chiến lược đôn hạng của Nhật đã thất bại. Joan-Benjamin Gaba bước lên thảm đấu trong thế “không còn gì để mất” và tập trung tối đa vào việc giành sự chủ động trong nắm áo (Kumi Kata) để tìm thời cơ ra đòn và cũng để làm giảm sự nguy hiểm trong các pha tấn công của Abe, “kỹ thuật gia” hàng đầu thế giới ở hạng -66kg. Hai võ sĩ kết thúc 4 phút thi đấu chính thức mà không ghi được điểm, và hiệp phụ tiếp tục diễn ra căng thẳng đến hơn 5 phút. Khi cả hai gần như đã vắt kiệt sức, Gaba bất ngờ tung đòn vai Kata Guruma đánh quỳ, Waza Ari. Cả nhà thi đấu Champs de Mars nổ tung trong tiếng hò reo mừng Pháp thu ngắn cách biệt còn 2-3.
Cặp đấu chính thức cuối cùng là ở hạng -70kg nữ giữa võ sĩ chủ nhà Clarisse Agbegnenou với Miku Takaichi phía Nhật. Ở các nội dung cá nhân, Agbegnenou từng sáu lần vô địch thế giới hạng -63kg, ba lần đứng bục ở Olympic với HC bạc Rio 2016, HC vàng Tokyo 2020 và HC đồng Paris 2024. Về đồng đội hỗn hợp, cô là chủ nhân chiến thắng quan trọng giúp Pháp thắng Nhật thuyết phục 4-1 ở chung kết tại Tokyo 2020. Và lần này, Agbegnenou tiếp tục thể hiện bản lĩnh và kinh nghiệm để kiểm soát tốt thế trận để thắng Takaichi ở phần đấu thêm giờ trong một pha phản đòn, giúp Pháp gỡ hòa 3-3.
Theo quy định, nếu vẫn hòa sau sáu cặp đấu, máy tính sẽ chọn ngẫu nhiên một hạng cân để đấu theo luật “Điểm Vàng”, và hạng được chọn là +90kg. Tại đây, Riner trở thành người định đoạt trận chung kết đồng đội kịch tính, khi anh hạ Saito trong một pha ghi điểm với đòn chân Ouchi Gari. Nhờ đó, Pháp thắng chung cuộc 4-3 để lần thứ hai liên tiếp đoạt HC vàng đồng đội Olympic, khẳng định vị thế số một thế giới của họ, sau khi đã thắng trên sân Nhật ở Tokyo 2020.
Với người Nhật, đây là thất bại đầy cay đắng vì họ xem trọng nội dung đồng đội. Không riêng môn judo, mà thể thao chuyên nghiệp nói chung của quốc gia Đông Á này được xây dựng từ môi trường đại học. Nhắc tới judo Nhật thì không thể không nhắc đến các Đại học Tenri, Tokai, Tsukuba, Nittai-Dai, Kokushikan, IPU (Đại học Quốc tế Thái Bình Dương)… Giải Vô địch Đồng đội Các Đại học Toàn Nhật Bản hằng năm luôn được công chúng mong đợi, vì là cuộc chiến nảy lửa giữa những “lò” danh tiếng này, với sự hiện diện thường xuyên của những võ sĩ tầm cỡ thế giới. Các giải đấu đồng đội cũng thể hiện được nhiều nét “rất Nhật”: tinh thần tập thể; mối tương quan giữa senpai (đàn anh, đàn chị) với kohai (đàn em); truyền thống tham gia và gắn bó với một câu lạc bộ (thể thao, văn hóa nghệ thuật…) ở môi trường học đường…
Điều an ủi cho Nhật Bản là dù vuột HC vàng đồng đội, họ vẫn đứng nhất toàn đoàn môn judo với 3 HC vàng, 1 HC bạc, 3 HC đồng. Dù vậy, đây vẫn là kết quả thất vọng với đất nước là quê hương của judo, vì ở Tokyo 2020, họ giành đến 9 HC vàng cá nhân. Việc Nhật sa sút khiến thành tích cá nhân môn judo được trải đều, với 11 quốc gia giành ít nhất một HC vàng. Azerbaijan đoạt hai huy chương, nhưng đều là HC vàng, nên xếp thứ hai toàn đoàn về cá nhân. Chủ nhà Pháp xếp thứ ba, với 1 HC vàng, 2 HC bạc và 6 HC đồng.
Lan Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/man-ket-trong-mo-cua-mon-judo-tai-olympic-2024-4777704.html