Thừa cân, béo phì bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau
Mới đây, dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc Hội với lộ trình QH sẽ được thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 (2024) và thông qua vào kỳ họp thứ 9 (2025). Trong đó đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường lại một lần nữa được đưa bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cơ sở khoa học xác định và khẳng định nước giải khát có đường là thủ phạm chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì tại Việt Nam, từ đó có những đề xuất hợp lý.
Trao đổi với phóng viên Lao Động về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, “trong 10 năm qua tỉ lệ thừa cân béo phì của người Việt Nam tăng gần như gấp đôi, đặc biệt lứa tuổi trẻ em từ 5-19 tuổi, nhưng theo đánh giá của WHO thì tỉ lệ thừa cân béo phì ở Việt nam vẫn nằm trong vùng xanh, là 1 trong 10 nước có tỉ lệ thừa cân béo phì thấp ở khu vực Đông Nam Á”.
Với những thông tin cập nhật cho thấy hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh đồ uống có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì. Báo cáo của WHO về thừa cân, béo phì cũng như tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế năm 2022 nêu rõ thừa cân, béo phì bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.
Các nguyên nhân hàng đầu bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý bao gồm cả việc tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, nhiều muối và không đủ chất xơ, thiếu hoạt động thể chất, lười vận động.
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Đỗ Thái Vương – Trưởng Tiểu ban Nước giải khát (Hiệp hội Rượu bia – Nước giải khát Việt Nam) – cho biết: Ông rất quan ngại trước tình trạng tiêu thụ nước giải khát được sản xuất thủ công, không được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm khá phổ biến, được biệt là nước giải khát bán theo thức ăn đường phố hiện nay.
Do đó, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước giải khát có đường sẽ tạo gánh nặng tuân thủ lên các doanh nghiệp sản xuất chính thống, trong khi có thể tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất phi chính thức; nhập lậu, làm giả, làm nhái; sản xuất sản phẩm kém chất lượng ngày càng phát triển bởi các doanh nghiệp trong khu vực không chính thức này sẽ có động lực tránh thuế lẫn sự quản lý của nhà nước.
Như vậy, không những sức khỏe của người tiêu dùng cuối cùng lại không được bảo vệ như mong đợi so với mục tiêu đề ra là “ngăn ngừa và giảm tình trạng thừa cân béo phì” mà còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Một khía cạnh khác là với tình trạng này, việc hành thu cũng như các mục đích về ngân sách của chính sách thuế TTĐB lại không đạt được.
Thực tiễn một số nước sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường lại có tỉ lệ thừa cân béo phì không giảm mà lại tăng qua các năm.
Mới đây, tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có giảm được thừa cân béo phì”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phân tích đề xuất của Bộ Tài chính chỉ bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml theo tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
“Khi mà chúng ta áp dụng và căn cứ vào tiêu chuẩn Việt Nam như vậy thì đôi khi chúng ta lại vừa thừa và vừa thiếu, chúng ta không đảm bảo được sự công bằng”- ông Thảo nói.
Khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng và y tế
Cần tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì.
Sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm, kiểm soát chế độ ăn không dư thừa. Chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn.
Tăng cường các hoạt động thể chất, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà.