Quý kinh doanh khó khăn
Ngành xi măng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các dự án chậm triển khai, đầu tư công chậm giải ngân…và đặc biệt là nguồn cung xi măng đang dư thừa.
Số liệu từ Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) nhấn mạnh nguồn cung xi măng tiếp tục vượt cao so với nhu cầu (năm 2023, nguồn cung xi măng dự báo khoảng 117,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ từ 68 – 68,5 triệu tấn) dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Thị trường xuất khẩu xi măng, clinker cũng gặp nhiều khó khăn do Philippines điều chỉnh tăng mức thuế chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam và dự kiến chính thức áp thuế vào đầu quy II/2023; Nhu cầu nhập khẩu xi măng, clinker của Trung Quốc chưa tăng trở lại; Giá xuất khẩu xi măng, clinker ở mức thấp do các nhà xuất khẩu cạnh tranh quyết liệt; Cước tàu biển đang tăng cao (từ 4-5 USD/tấn) kể từ tháng 3/2023. Dẫn đến tổng sản phẩm tiêu thụ Xi măng, Clinker toàn xã hội (bao gồm xuất khẩu) quý I/2023 đạt 20,76 triệu tấn, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Những ảnh hưởng này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng.
Cụ thể, Xi măng Vicem Hà Tiên (mã HT1) quý I/2023 ghi nhận doanh thu thuần gần 1.700 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021 và lợi nhuận gộp chỉ đạt 76 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn chịu áp lực tài chính khi chi phí tài chính tăng 56% so với cùng kỳ, lên 43 tỷ đồng. Kết quả, Xi măng Hà Tiên lỗ 86 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 25 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục theo quý của doanh nghiệp.
Tương tự, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã BTS) trong kỳ cũng lỗ 18 tỷ đồng, dù quý I/2022 lãi gần 18 tỷ đồng. BTS cho biết nguyên nhân là bởi dư cung xi măng tiếp tục ở mức cao, tiêu thụ trong nước gần như không tăng. Thị trường xuất khẩu đối diện với hàng loạt yếu tố không thuận lợi như các nước nhập khẩu xi măng, clinker chính của Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, dựng hàng rào kỹ thuật thương mại, Trung Quốc chưa gia tăng nhu cầu nhập khẩu clinker.
Cùng chung cảnh khó, BCTC hợp nhất quý I/2023 của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (mã BCC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng giảm 335 tỷ đồng), trừ đi các chi phí, công ty lỗ đến 48,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 68,6 tỷ đồng.
Tương tự, các doanh nghiệp khác như CTCP Vicem Thạch cao Xi măng (mã TXM) cũng ghi nhận lỗ sau thuế 2,1 tỷ đồng và CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (mã HVX) lãi 61 triệu đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ.
Còn nhiều thách thức phía trước
Mặc dù đã trải qua quý I/2023 nhiều khó khăn, song bộ phận phân tích của nhiều công ty chứng khoán nhìn nhận nhóm xi măng sẽ còn phải đối diện nhiều thách thức trong năm 2023.
SSI Research dự báo mức tiêu thụ xi măng trong nước năm nay sẽ đi ngang so với năm 2022 do thị trường bất động sản suy yếu, dù vậy vẫn còn đó diểm sáng tích cực từ đầu tư công.
Bộ phận phân tích công ty này nhìn nhận thị trường xuất khẩu có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 do Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều này có thể giúp giảm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung của Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực trong nước cũng tăng lên khi công suất toàn ngành tăng từ 3-10% trong giai đoạn 2022-2023 và dẫn đến việc cạnh tranh giá bán xi măng.
Ở góc nhìn từ CTCP Chứng khoán Mirae Asset, ngành xi măng có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ giá điện tăng. Mirae Asset đánh giá chi phí điện chiếm khoảng 14-15% giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.
Mirae Asset giả định, nếu doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, thì khi chi phí điện tăng 3% sẽ dẫn đến giá vốn bán hàng tăng thêm. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành xi măng dự báo giảm 13%.
Công ty này kết luận có thể dễ dàng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận khi chi phí điện tăng và làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Dù vậy, nếu doanh nghiệp làm giảm ảnh hưởng gia tăng chi phí đầu vào bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng.
Về phần mình, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định ngành xi măng Việt Nam sẽ gặp một số thách thức trong ngắn và trung hạn.
Đầu tiên, các vấn đề trong nước liên quan đến các nhà phát triển nhà ở và thị trường vốn trong bối cảnh kinh tế suy thoái sẽ cản trở hoạt động xây dựng và người tiêu dùng có thể áp dụng cách tiếp cận “chờ và xem” khi thị trường vẫn còn nhiều bất ổn.
Thứ hai, sự cạnh tranh đang nóng lên ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ cạnh tranh với các đối thủ khác trong khu vực trên thị trường truyền thống cũng như các thị trường mới khác, trong khi các hoạt động xây dựng dự kiến sẽ bị đình trệ và nhu cầu tiêu thụ dự đoán sẽ thấp hơn trong bối cảnh chi phí vay cao kéo dài.
Thứ ba, sự cải tiến về công nghệ và sự thay đổi trong quy định về tỷ lệ phối trộn phụ gia sẽ đẩy ngành đi sâu vào dư thừa công suất bên cạnh mức thuế xuất khẩu clinker mới. Ngoài ra, sự sụt giảm nhu cầu trên toàn cầu trong bối cảnh dư thừa công suất toàn cầu cũng tạo ra sự khó khăn hơn cho ngành.