Trong tiểu thuyết nổi tiếng của Agatha Christie, thám tử Poirot rơi vào tình thế phải giải một vụ án hầu như không có bằng chứng.
Cards on the Table là tiểu thuyết trinh thám ra mắt ở Mỹ năm 1936, vừa phát hành trong nước với tên Những quân bài trên mặt bàn. Cốt truyện của nó được đánh giá thuộc hàng độc đáo nhất trong những tác phẩm của “nữ hoàng trinh thám” Agatha Christie.
Truyện mào đầu khi đại thám tử Hercule Poirot gặp gỡ Shaitana, một người đàn ông giàu có với tính tình quái gở. Shaitana tự xưng là nhà sưu tầm một thứ độc nhất vô nhị: Những tên sát nhân lẩn tránh được công lý. Cụ thể hơn, ông ta khẳng định biết được một số kẻ từng giết người nhưng không bị phát hiện.
Shaitana mời Poirot đến một bữa tiệc đặc biệt, bao gồm bốn “thám tử” và bốn “nghi phạm”. Bốn “thám tử” là những người có kinh nghiệm trong việc điều tra, gồm Poirot, đại tá Race, sĩ quan cảnh sát Battle và nhà văn trinh thám Ariadne Oliver. Bốn “nghi phạm” là những người Shaitana tin rằng từng gây án trước đây, gồm bà Lorrimer, bác sĩ Roberts, thiếu tá Despard và cô gái trẻ Anne Meredith.
Suốt bữa tiệc, Shaitana khiến không khí căng thẳng với những câu nói ẩn ý nhắm vào các khách mời. Đúng như Poirot lo sợ, biến cố xảy đến trong những ván bài bridge sau đó. Liệu ai mới là hung thủ trong một tình huống gây án như vậy, nhất là khi trong phòng có bốn người đều mang quá khứ đáng ngờ?
Cards on the Table thường được khen ngợi vì cốt truyện độc đáo, cách phát triển nhân vật hấp dẫn và chiều sâu tâm lý. Số lượng nghi phạm hạn chế và bối cảnh đặc thù tạo ra cảm giác bí ẩn “phòng khóa” cổ điển. Toàn thể bộ truyện giống như một ván bài mà thám tử Poirot đang chơi với các nghi phạm. Sự tập trung chặt chẽ này làm tăng thêm căng thẳng và đi sâu vào tâm lý của các nhân vật.
Qua lời một nhân vật ở đầu truyện, Agatha Christine ngụ ý rằng Cards on the Table có thể sẽ phân cực độc giả, những ai thích cốt truyện nặng về tâm lý sẽ thích tác phẩm hơn người chuộng kiểu truyện thiên về manh mối cụ thể. Hiện trường vụ án có rất ít chỉ dấu và vật chứng để Poirot có thể lần theo. Thay vào đó, thám tử đại tài phải phá án bằng cách đánh giá tâm lý các nghi phạm, từ đó suy ra xem ai có khả năng gây án lớn nhất.
Tác giả cho thấy khả năng phát triển các nhân vật phức tạp, đa chiều bằng cách mô tả kỹ lưỡng mối quan hệ nhân quả giữa suy nghĩ, xuất thân với hành vi, động cơ có thể có của họ. Qua cách xây dựng bốn nghi phạm, tiểu thuyết cũng giới thiệu bốn kiểu phạm tội về mặt tâm lý.
Sự thấu hiểu con người của Poirot là nền tảng chính cho việc giải mã vụ án. Cũng như trong các tiểu thuyết về nhân vật này, Agatha Christie làm nổi bật cách tiếp cận độc đáo của ông. Có những điều Poirot nói hoặc làm thoạt đầu tưởng ngớ ngẩn hoặc ngẫu hứng, nhưng phải đến nhiều chục trang sau dụng ý của chúng mới được hé lộ.
Sự tham gia của các “thám tử” khác như sĩ quan Battle, đại tá Race và bà Ariadne Oliver tạo thêm chiều sâu cho câu chuyện. Mỗi người mang quan điểm và kỹ năng riêng vào cuộc điều tra, cho thấy những cách tiếp cận phong phú hơn. Trong đó, bà Ariadne Oliver đôi khi còn mang lại sự hóm hỉnh, khi được Agatha Christie xây dựng như một phiên bản trào phúng của chính mình. Dù chuyên viết truyện trinh thám, bà Oliver lại không giỏi suy luận và thường dùng bản năng để đoán luôn hung thủ. Nhưng cũng có những địa hạt mà bà thể hiện được sự lợi hại từ “trực giác phụ nữ”.
Dù nhiều trò chuyện hơn là hành động, sự lôi cuốn của Cards on the Table được giữ đến cuối với một chuỗi cú twist. Điểm trừ nhỏ với tác phẩm này là độc giả cần một số kiến thức nhất định về bài bridge để hiểu trọn vẹn câu chuyện. Bởi lẽ Poirot đánh giá tâm lý nhân vật và suy luận vụ án qua cách họ chơi bài, mà một số thuật ngữ của nó tương đối xa lạ với người không biết chơi.
Agatha Christie (1890-1976) có hơn 80 tác phẩm trong sự nghiệp. Bà viết tiểu thuyết trinh thám đầu tiên – The Mysterious Affair at Styles, từ lời thách thức của chị gái. Nhân vật chính là thám tử Hercule Poirot, sau này xuất hiện trong 30 tiểu thuyết và 50 truyện ngắn của Christie. Bản thảo ban đầu bị sáu nhà xuất bản từ chối, mất 5 năm để ra mắt độc giả – năm 1920. Sau đó, bà thành công với loạt tác phẩm.
Theo Sách kỷ lục Guinness thế giới, Christie là nhà văn có tác phẩm trinh thám bán chạy nhất mọi thời, đứng thứ hai nếu tính các thể loại khác, sau William Shakespeare. Ước tính có khoảng một tỷ bản in bằng tiếng Anh và một tỷ bản bằng 103 ngôn ngữ những tác phẩm của Christie được bán ra. Năm 2008, UNESCO công nhận Christie là tác giả được dịch nhiều nhất thế giới.
Ân Nguyễn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-quan-bai-tren-mat-ban-pha-an-bang-tam-ly-4753130.html